Vụ Alibaba: Nhiều bị cáo khóc, nói chỉ làm theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện

Trong phần tự bào chữa, nhiều bị cáo bật khóc cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện, không biết là đang đi lừa đảo…

Ngày 20-12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử Nguyễn Thái Luyện cùng 22 đồng phạm bị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba). Phiên xử tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư (LS).

“Cha mẹ dạy sống phải nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”

Bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như, phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo và bị cáo Đào Thị Thanh Lợi, phó tổng giám đốc phụ trách nhân sự Công ty Alibaba, là hai trong số nhiều bị cáo giữ chức vụ quản lý dưới sự điều khiển của Nguyễn Thái Luyện.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bào chữa cho bị cáo Lợi (bị VKS đề nghị 13-14 năm tù), LS cho biết trong vụ án này, không chỉ riêng bị cáo Lợi mà rất nhiều bị cáo khác dù không có quan hệ gia đình, ruột thịt gì với Luyện nhưng vẫn được Luyện giao cho đứng ra nhận chuyển nhượng những thửa đất có giá trị rất lớn.

LS cũng đặt câu hỏi liệu rằng ngay từ đầu, đây có phải là một hình thức chuyển rủi ro về dân sự, hình sự (nếu có) cho các bị cáo này. Từ đó, LS lập luận cho rằng bị cáo Lợi cùng nhiều bị cáo khác trong vụ án chịu sự chỉ đạo tuyệt đối và giống như con rối trong tay Luyện.

Ngoài ra, những chức danh mà Lợi cũng như nhiều bị cáo khác được “chỉ định” làm tại các công ty trong hệ thống đều là những thứ hữu danh vô thực, không có quyền quyết định và chịu sự chỉ đạo, điều khiển của Luyện.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Như không cầm được nước mắt khi trước đó bị đề nghị mức án 20 năm tù. Như cho biết ngay từ nhỏ, ở nhà bị cáo được cha mẹ dạy sống phải có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và luôn nỗ lực phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội và gia đình.

Nhưng khi vào làm tại Công ty Alibaba, bị cáo đã tin tưởng vào những định hướng, tầm nhìn và những giá trị mà công ty mang lại cho xã hội, cho khách hàng như Nguyễn Thái Luyện đã nói.

“Chính vì niềm tin đó, bị cáo luôn nỗ lực phấn đấu rất nhiều để có được một vị trí trong công ty, có được một khoản thu nhập để không phụ thuộc vào gia đình. Và cũng chính những nỗ lực đó đã khiến bị cáo phải đứng đây hôm nay ”-bị cáo Như trình bày.

Cũng giống những bị cáo khác, một lần nữa Như cho rằng những việc đã làm theo chỉ đạo của Luyện và ban giám đốc Công ty Alibaba, bị cáo đều không biết là đang đi lừa đảo người khác. Nếu biết là hành vi lừa đảo, bị cáo đã không làm.

Với mức án bị VKS đề nghị là 16-18 năm tù, bị cáo Vi Thị Hiến cũng bật khóc khi tự bào chữa cho mình. Bị cáo cho biết bắt đầu làm giám đốc Công ty CP Địa ốc Sunny Land từ tháng 6-2019. Bị cáo làm được ba tháng, đến tháng 9-2019 thì vụ án bị khởi tố, sau đó là bị bắt tạm giam.

Trong khoảng thời gian ba tháng này, lương của bị cáo được tăng từ 17 triệu lên 20 triệu đồng. Nay được chứng kiến nhiều bị hại là người lớn tuổi, bị cáo cảm thấy rất đau xót nên tự nguyện dùng số tiền đã đầu tư vào Công ty Alibaba (nếu được nhận lại) để khắc phục cho các bị hại.

Không biết nhiệt huyết lại dùng cho lừa đảo

Bị cáo Nguyễn Lê Hoàng Lan (phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Alibaba, bị VKS đề nghị 20 năm tù) bị cáo buộc là người hoàn thiện file bản vẽ thiết kế các dự án, tổ chức các sự kiện truyền thông quảng cáo bán các dự án trái pháp luật. Đồng thời, bị cáo trực tiếp tham gia biên soạn, phê duyệt, lên kịch bản chương trình phân phối, mở bán của nhiều dự án.

Lan thừa nhận hành vi của mình giống như cáo trạng nêu nhưng đề nghị xem xét lại việc trong thời gian làm việc tại Công ty Alibaba, bị cáo không liên quan gì đến các hoạt động kinh doanh mua bán đối với các khách hàng.

“Bản thân bị cáo trong suốt khoảng thời gian đi học đều làm trong ban chấp hành chi đoàn nơi sinh hoạt nên khi vào làm việc tại Công ty Alibaba đã rất nhiệt huyết để tổ chức những sự kiện, chương trình cho công ty. Bị cáo không ngờ rằng sự nhiệt huyết của mình lại dùng cho hành vi lừa đảo mà VKS cáo buộc” - bị cáo Lan nói.

Là bị cáo bị đề nghị mức án thấp nhất (5-6 năm tù về tội rửa tiền), LS bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng cho rằng yếu tố cấu thành của tội rửa tiền là nguồn tiền bất hợp pháp của số tiền hơn 13,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong vụ án này, VKS khi cáo buộc chỉ dựa trên lời khai của hai bị cáo khác là Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) mà chưa xem xét đến hoàn cảnh, các nguồn chứng cứ khác là chưa đánh giá toàn diện.

LS dẫn chứng khi cơ quan điều tra tiến hành khám xét, kiểm tra và niêm phong nhiều tài sản của Công ty Alibaba, trong đó có phần mềm kế toán, trong phần mềm kế toán này thể hiện tổng nguồn thu của Công ty Alibaba từ năm 2016 đến 2019 là 6.345 tỉ đồng.

Với số tiền này, khi cáo trạng xác định số tiền gây thiệt hại là hơn 2.400 tỉ đồng thì còn khoảng 3.900 tỉ đồng. “Vậy câu hỏi đặt ra là số tiền 13,9 tỉ đồng có nguồn gốc từ đâu, từ 2.400 tỉ đồng bất hợp pháp hay từ 3.900 tỉ đồng hợp pháp?” - LS dẫn chứng.

Người chỉ đạo đập xe đoàn cưỡng chế nói gì?

Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (nhân viên pháp lý Công ty Alibaba, bị VKS đề nghị 16-18 năm tù) trước đó đã bị xét xử trong vụ án gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản vào tháng 11-2019 vì có hành vi chống đối và chỉ đạo đập xe đoàn cưỡng chế dự án”ma”.

Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tự bào chữa cho mình tại tòa, Trinh cho rằng có đứng tên trên hai thửa đất để lập dự án nhưng 95 khách hàng trong dự án này đều đã được hoàn trả tiền, một khách hàng không tố giác. Sau đó, Nguyễn Thái Luyện dùng đất để lập dự án với tên như trong cáo trạng nêu thì bị cáo không biết.

Trinh cũng trình bày sau khi nghe cha nói “cho con học luật để rồi vướng vào lao lý” thì cảm thấy bất hiếu với cha. Ngoài ra, với mức án mà VKS đề nghị, bị cáo đã mất đi tiền bạc, thanh xuân, không biết bao giờ mới quay lại được với xã hội.

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-alibaba-nhieu-bi-cao-khoc-noi-chi-lam-theo-chi-dao-cua-nguyen-thai-luyen-post713068.html