Vụ ám sát hụt ông Trump có ảnh hưởng thế nào đến nước Mỹ?
Trong vài giây sau khi tiếng súng vang lên từ khán đài vận động tranh cử của ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump, mọi thứ đã thay đổi. Khoảnh khắc ông Trump, với khuôn mặt rỉ máu, giơ cao nắm đấm và hô vang 'chiến đấu!' với lá cờ Mỹ phía sau đã trở thành biểu tượng.
Theo Stephen Collinson, nhà phân tích của CNN, việc nhắm mục tiêu vào một cựu tổng thống tại một cuộc vận động tranh cử chỉ vài ngày trước khi ông chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa được coi là một cuộc tấn công vào nền dân chủ và quyền của mỗi người Mỹ trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo của mình.
Mặc dù ông Trump hiện không giữ chức tổng thống, nhưng vết thương của ông nhấn mạnh mối đe dọa luôn hiện hữu, luôn rình rập những ứng viên tranh cử. Trong lịch sử Mỹ, đã có 4 tổng thống từng bị ám sát. Gần đây nhất, năm 1963, Tổng thống John F. Kennedy đã bị ám sát ngay khi đang di chuyển trên chiếc xe mui trần cùng vợ mình.
Việc nhắm mục tiêu vào ông Trump trong đúng chiến dịch tranh cử tổng thống của ông cũng được so sánh với vụ ám sát ứng cử viên Đảng Dân chủ Robert F. Kennedy năm 1968, một năm đẫm máu khi nước Mỹ cũng chứng kiến vụ sát hại nhà lãnh đạo dân quyền Martin Luther King Jr. và bạo lực tại Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ ở Chicago.
Theo CCN, vụ nổ súng hôm 13/7 nhằm vào ông Trump đã chấm dứt khoảng thời gian 40 năm mà nhiều người cho rằng Cơ quan Mật vụ Mỹ đã phát huy tối đa trách nhiệm và năng lực trong việc ngăn chặn bạo lực chính trị nhằm vào các chính khách. Nhưng, vụ tấn công ngày hôm nay, dù đã có sự can thiệp của các chuyên viên mật vụ, vẫn sẽ tạo ra một nỗi ám ảnh kéo dài trong nhiều năm.
Ngay trong ngày 13/7, đã có những lời kêu gọi điều tra về việc làm thế nào mà một tay súng - bên ngoài phạm vi an ninh của cuộc biểu tình - lại có thể đưa cựu Tổng thống đồng thời là ứng viên Tổng thống hiện tại vào tầm ngắm và dễ dàng dùng súng để tấn công. Đây có thể được cân nhắc là một thất bại lớn về an ninh và sẽ có tác động đến tất cả các chiến dịch tranh cử hay hoạt động tương tự trong nhiều tháng tới.
Quan trọng hơn, không thể phủ nhận rằng âm mưu ám sát này sẽ có tác động không nhỏ tới cuộc đua giành ghế ông chủ Nhà Trắng năm nay. Với tình trạng chính trị bị phân cực nghiêm trọng tại Mỹ, cú sốc ban đầu về vụ ám sát chắc chắn sẽ gây ra những chia rẽ chính trị nghiêm trọng.
Vụ tấn công làm dấy lên lo ngại lâu nay rằng bạo lực chính trị có thể bùng phát trong chiến dịch tranh cử tổng thống và sau cuộc bầu cử. Những lo ngại một phần phản ánh sự phân cực của cử tri, trong đó đất nước dường như bị chia rẽ gay gắt thành hai phe với tầm nhìn chính trị và xã hội khác nhau.
Cuộc thăm dò gần đây của Reuters/Ipsos cũng cho thấy người Mỹ bày tỏ lo ngại bạo lực chính trị gia tăng, với 2/3 số người trả lời cuộc khảo sát hồi tháng 5 nói rằng họ lo ngại bạo lực có thể xảy ra sau cuộc bầu cử.
Trong cuộc khảo sát trực tuyến hồi tháng 5 với hơn 3.900 người trưởng thành ở Mỹ tham gia, khoảng 68% người tham gia, gồm 83% đảng viên Đảng Dân chủ và 65% đảng viên Đảng Cộng hòa, cho biết họ đồng ý với tuyên bố rằng họ lo ngại về việc những người cực đoan có thể sử dụng bạo lực nếu họ không hài lòng với kết quả của cuộc bầu cử.
Chủ tịch Hạ viện Đảng Cộng hòa Mike Johnson trong một bài đăng trên mạng xã hội bày tỏ: “Hành động bạo lực chính trị khủng khiếp này tại một cuộc vận động tranh cử ôn hòa không có chỗ đứng ở đất nước này và cần phải được nhất trí và mạnh mẽ lên án”.
Thế nhưng thật không may, lịch sử cho thấy rằng bạo lực, tuy không thể bào chữa được, nhưng cũng là một vết sẹo khó phai đối với nền chính trị Mỹ. Và hôm nay, vết sẹo hay lại bị cứa thêm.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết vẫn giữ kế hoạch tổ chức đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ngày 15/7. Tuy nhiên, vụ nổ súng chắc chắn sẽ làm thay đổi thông điệp và giọng điệu, cũng như vấn đề an ninh của sự kiện. Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cũng sẽ đối mặt nhiều thách thức sau vụ ám sát hụt ông Trump.
Song, trong khoảnh khắc đặc biệt nguy hiểm, hình ảnh ứng viên Tổng thống Donald Trump với khuôn mặt vương máu và nắm đấm được giơ lên, nhìn thẳng vào camera và hô vang khẩu hiệu “chiến đấu!” trước đông đảo cử tri với lá cờ Mỹ phía sau chắc chắn sẽ là hình ảnh mang tính biểu tưởng của ông và có lẽ cũng là một khoảnh khắc đi vào lịch sử.