Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu gây chấn động Iran: Phản ứng 'không lời' của ông Trump
Nhà khoa học được mệnh danh là 'cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran' đã bị phục kích gần thủ đô Tehran và tử vong không lâu sau đó tại bệnh viện địa phương hôm 27/11 vừa qua.
Sau khi truyền thông đồng loạt đưa tin về vụ xả súng ác liệt khiến người được mệnh danh là "cha đẻ" của chương trình hạt nhân Iran - nhà khoa học hạt nhân cấp cao Mohsen Fakhrizadeh-Mahavadi - bị thương nặng và tử vong tại bệnh viện; đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có "phản ứng" trên mạng xã hội Twitter.
Cụ thể, theo báo al Arabiya, ông Trump đã chia sẻ lại 2 dòng tweet của ông Yossi Melman, một nhà báo người Israel là chuyên gia về cơ quan tình báo Mossad của Israel. Các dòng tweet của nhà báo này đã nhắc đến vụ phục kích nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran hôm 27/11 kèm theo lời bình luận rằng cái chết của ông Fakhrizadeh là một "đòn giáng mạnh" đối với Iran, cả về mặt tâm lý và chuyên môn (tức lĩnh vực hạt nhân).
Trước đó, hãng tin ILNA (Iran) dẫn lời Tướng Abdolrahim Mousavi - tham mưu trưởng quân đội Iran - cáo buộc cả Mỹ và Israel "rõ ràng" đều có liên quan tới vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của nước này gần thủ đô Tehran.
Trong khi đó, nhiều quan chức Iran khác, bao gồm Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, đã quy trách nhiệm cho Israel và thề sẽ "trả thù" cho ông Fakhrizadeh. Tướng Hossein Salami, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết Tehran đã bắt đầu lên kế hoạch về những đòn trừng phạt và trả thù mạnh mẽ.
Về phía Israel, văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã từ chối bình luận về vụ nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran bị sát hại.
Al Arabiya nhận định rằng cho dù ai là kẻ đứng sau vụ tấn công này, thì một điều chắc chắn là căng thẳng giữa hai nước Mỹ và Iran sẽ leo thang trong những tuần cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.
Ông Trump đã nhiều lần cáo buộc Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân, và đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông Joe Biden, người được truyền thông tuyên bố là tân tổng thống đắc cử của nước Mỹ, cho biết ông sẽ khôi phục thỏa thuận này.
Theo tiết lộ của một quan chức Mỹ, vào đầu tháng này, Tổng thống Trump đã yêu cầu các trợ lý đưa ra kế hoạch tấn công cơ sở hạt nhân chính của Iran, trước khi quyết định hủy bỏ kế hoạch này.
Ông Mohsen Fakhrizadeh-Mahavadi là ai?
Là một nhà khoa học, giáo sư ngành vật lý hàng đầu của Iran, nhưng ông Fakhrizadeh ít khi được truyền thông trong nước nhắc tới. Ông được mệnh danh là "cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran" và là một cựu sĩ quan thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Hồi năm 2012, tờ Wall Street Journal đã dẫn lời các quan chức phương Tây, nói rằng ông Fakhrizadeh là người có thể sánh ngang với Robert Oppenheimer - nhà vật lý người Mỹ đứng đằng sau nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân ở Mỹ vào những năm 1940.
WSJ giải thích rằng nhà khoa học Iran "đã đưa Iran vào kỉ nguyên của hạt nhân trong hơn 20 năm qua". Với cương vị là một sĩ quan IRGC, ông tham gia vào rất nhiều dự án nghiên cứu trọng điểm về hạt nhân ở Iran.
4 năm trước, một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters rằng: "Nếu Iran muốn sản xuất vũ khí hạt nhân, thì Fakhrizadeh có thể được coi là cha đẻ của bom hạt nhân Iran".
Trong năm 2018, khi thuyết trình về tham vọng hạt nhân của Iran, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khẳng định ông Fakhrizadeh là nhân tố then chốt trong chương trình hạt nhân Iran. Ông Netanyahu nói: "Hãy nhớ lấy cái tên đó, Fakhrizadeh".
Ông Fakhrizadeh đã dẫn đầu Iran trong chương trình "Amad" - hay có nghĩa là "Hi vọng". Israel và phương Tây đã cáo buộc rằng đây là một chiến dịch quân sự nhằm hướng tới việc xây dựng vũ khí hạt nhân ở Iran. Tuy nhiên, Tehran cho rằng chương trình hạt nhân này là vì mục đích hòa bình.
Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế (IAEA) nói chương trình "Amad" đã kết thúc trong đầu những năm 2000. Các giám sát viên của IAEA hiện vẫn quản lý các cơ sở hạt nhân của Iran.