Vụ ám sát tại Ecuador: Từ 'điểm sáng' thành 'góc tối'

Vụ ám sát ứng viên Tổng thống Ecuador Fernando Villavicencio đã hé lộ những vấn đề đáng lo ngại mà chính quyền và người dân Ecuador đang phải đối mặt.

Người dân đi ngang qua trường học ở Quito, nơi ứng viên Tổng thống Ecuador bị ám sát hôm 9/8. (Nguồn: AP)

Người dân đi ngang qua trường học ở Quito, nơi ứng viên Tổng thống Ecuador bị ám sát hôm 9/8. (Nguồn: AP)

Tuần vừa qua, Ecuador trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế: Ngày 9/8, ứng viên Tổng thống Fernando Villavicencio đã bị ám sát tại buổi vận động ở thủ đô Quito, chỉ chưa đầy hai tuần trước khi nước này chính thức bước vào cuộc bầu cử toàn quốc.

Chính trị gia này có lập trường cứng rắn, thường xuyên chỉ trích tình trạng tham nhũng và các nhóm buôn bán ma túy đã gia tăng ảnh hưởng của mình thời gian qua. Do đó, ông thường xuyên nhận được những lời đe dọa từ các băng đảng tội phạm, một trong số đó xuất hiện ngay trước khi ứng viên tổng thống này bị ám sát. Song câu chuyện này không đơn giản như vậy.

Ecuador từng được coi là “điểm sáng” về an ninh trong một khu vực thường xuyên bất ổn và bạo lực. AP nhận định, Ecuador là một trong những quốc gia yên bình nhất ở Mỹ Latinh cho đến khoảng ba năm trước.

Thời gian qua, tỷ lệ tội phạm tại đây đã tăng mạnh, với năm 2022 chứng kiến mức kỷ lục. Riêng số vụ án mạng đã tăng tới 80% chỉ sau hơn một năm. Đáng ngại hơn, vụ việc trên diễn ra chỉ hai tuần sau khi một chính trị gia khác nước này, Thị trưởng thành phố Manta, Agustin Intriago, cũng bị ám sát. Đâu là lý do cho sự bất ổn này?

Đầu tiên, nằm ở bờ biển giữa hai vùng sản xuất cocaine lớn tại Peru và Colombia, Ecuador trở thành địa điểm được nhiều băng đảng quốc tế “để mắt”, nhằm phục vụ việc buôn ma túy. Các nhóm tội phạm của nước này hợp tác với nhiều tổ chức buôn ma túy quốc tế, qua đó dẫn đến bạo lực gia tăng thời gian qua. Đến thời điểm hiện tại, cả sáu nghi phạm liên quan đến vụ ám sát tại Ecuador và bị cảnh sát bắt giữ đều là người Colombia và có liên quan đến các băng đảng tội phạm, còn nghi phạm thứ bảy đã bị cảnh sát bắn hạ.

Yếu tố thứ hai, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới quốc gia 17,8 triệu dân này. Tại những thành phố như Guayaquil, nơi có nhiều người nghèo sinh sống, xảy ra bi kịch do thiếu thiết bị y tế và thiếu cả quan tài cho người chết. Ước tính, đại dịch đã khiến ít nhất 36.000 người thiệt mạng tại Ecuador.

Yếu tố thứ ba là suy thoái kinh tế. Sau đại dịch Covid-19, kinh tế của Ecuador suy thoái nghiêm trọng, thất nghiệp tăng cao. Thống kê của chính phủ nước này cho thấy chỉ có chưa đầy 4/10 người trong lực lượng lao động có việc làm, với phần lớn trong số đó nhận lương dưới mức tối thiểu (450 USD/tháng). Kể từ đầu năm nay, hơn 822.000 người từ 18-45 tuổi đã rời Ecuador để tìm kiếm cơ hội việc làm ở đất nước khác. Đây là nguồn nhân lực dồi dào cho các băng đảng tội phạm.

Trong bối cảnh đó, ngay sau vụ ám sát ông Villavicencio, Tổng thống Guillermo Lasso đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba ngày, đồng tìm kiếm sự giúp đỡ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trong làm rõ vụ việc.

Tuy nhiên, chắc chắn rằng kết quả điều tra vụ ám sát sẽ không mang lại sự yên bình cho quốc gia Nam Mỹ. Theo giới chuyên gia, điều Ecuador cần là một chính sách an ninh, điều tra và xét xử minh bạch nhằm đối phó với băng đảng tội phạm, song song với phát triển kinh tế-xã hội để loại bỏ gốc rễ của "góc tối" từ sự bất ổn, bạo lực.

Liệu cuộc bầu cử tuần này sẽ khởi đầu cho quá trình đó?

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-am-sat-tai-ecuador-tu-diem-sang-thanh-goc-toi-238408.html