"Nga đã nhận được lời cảnh báo ngầm đanh thép từ Mỹ sau vụ ám sát trùm khủng bố Al-Qaeda ở Afghanistan Ayman al-Zawahiri".
Nhận xét nói trên do ông Michal Bogush - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu của Ba Lan đưa ra trong cuộc phỏng vấn với ấn phẩm wPolityce.
Ngày 30/7, Mỹ đã tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở Afghanistan và tiêu diệt trùm khủng bố al-Qaeda Ayman al-Zawahiri, kẻ được xem là bộ não và nắm quyền chỉ huy tổ chức từ sau khi Bin Laden bị bắn.
Nhà Trắng tuyên bố, hoạt động này là bằng chứng cho thấy Mỹ sẽ không để Afghanistan trở thành "nơi trú ẩn an toàn" cho những kẻ khủng bố. Theo chuyên gia Bogush, trên thực tế, cuộc tấn công ở Afghanistan có nguyên nhân khác.
Chuyên gia phân tích người Ba Lan nhận định: “Vụ ám sát thủ lĩnh al-Qaeda có thể là một tín hiệu nhằm gửi tới Nga và Trung Quốc, đó là Mỹ sẽ không lùi bước và sẽ không do dự tiến hành những biện pháp cứng rắn để bảo vệ lợi ích”.
Theo đánh giá từ ông Mikhail Bogush, ngày nay Nga và Trung Quốc là đồng minh không chính thức. Cả hai quốc gia đều tìm cách thay đổi trật tự thế giới vốn do nước Mỹ thống trị suốt thời gian dài vừa qua.
Ông Mikhail Bogush cũng nhấn mạnh rằng Moskva và Bắc Kinh đã bắt đầu tích cực hành động tại quốc gia thuộc khu vực Nam Á này ngay sau khi Quân đội Mỹ rời Afghanistan vào mùa hè năm 2021 một cách hỗn loạn.
“Trung Quốc và Liên bang Nga coi việc Mỹ rút lui khỏi Afghanistan theo quyết định của Tổng thống Joe Biden là một dấu hiệu của sự yếu kém và ngày suy tàn đối với vị thế thống trị của Washington đã đến gần".
"Trên thực tế, đó là bằng chứng cho quyết tâm của Tổng thống Biden, nhà lãnh đạo nước Mỹ đưa ra quyết định này, đi ngược lại với ý muốn của quân đội và biết rằng bản thân sẽ phải trả một cái giá đáng kể cho vụ việc trên".
"Và mới đây, vụ ám sát một thủ lĩnh al-Qaeda ở Kabul có thể là tín hiệu cho thấy Tổng thống Biden không mềm mỏng. Thông điệp gửi tới Nga và Trung Quốc đó là: đừng nghĩ rằng chúng tôi sẽ lùi bước hoặc do dự”, chuyên gia người Ba Lan chắc chắn.
Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đã phớt lờ cảnh báo. Theo đánh giá của chuyên gia Bogush, Bắc Kinh tự tin vào sự sa sút của các nước phương Tây nên đã không coi trọng bước đi như vậy.
Rõ ràng, Moskva cũng sẽ không để ý nhiều đến thông điệp của Washington. Như nhà phân tích nhớ lại, hồi tháng Hai, Nga và Trung Quốc tuyên bố tình hữu nghị của họ “không có biên giới” và không có “vùng cấm hợp tác”.
Sau đó, Trung Quốc ủng hộ yêu cầu của Nga đối với NATO, ở chiều ngược lại, Moskva đứng về phía Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan.
Hiện tại, không rõ sau chuyến thăm chớp nhoáng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ - bà Nancy Pelosi tới đảo Đài Loan mới đây thì Nga và Trung Quốc đã bớt nghi ngờ về những thông điệp cứng rắn do Mỹ đưa ra hay chưa?
Bạch Dương