Vụ án 'chuyến bay giải cứu': Doanh nghiệp than 'là nạn nhân của cơ chế xin cho'
Giám đốc Công ty BlueSky Lê Hồng Sơn cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo rất đặc biệt, đưa hối lộ để làm việc đúng đắn, nhân văn. Do đó, trong vụ việc này, doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin cho.
Sáng 22/7, được trình bày lời nói sau cùng trước khi Hội đồng xét xử chuyển sang phần nghị án, bị cáo Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty BlueSky cho biết, bị cáo ở đây là người có mức đề nghị cao nhất của nhóm doanh nghiệp, trước khi nói lời sau cùng, bị cáo cũng xin có một số quan điểm.
Theo bị cáo Sơn, dường như quan điểm của Viện Kiểm sát đang tính từ số tiền vi phạm. Bị cáo nghĩ là điều này phù hợp với tội nhận hối lộ, hơn là tội đưa hối lộ, đặc biệt là trong tình huống này, các doanh nghiệp bị o ép, bị gợi ý.
“Đối với doanh nghiệp của bị cáo, theo thống kê thì hơn 80% là nằm trong trường hợp đó”, bị cáo Sơn dẫn chứng.
“Hành vi đưa hối lộ khi bị o ép, để thực hiện một việc theo chủ trương nhân văn của Nhà nước, thì theo bị cáo hành vi này rất đặc biệt, việc đưa hối lộ này không phải là đưa hối lộ để lấy tiền của Nhà nước hay làm một việc gì sai trái. Chính vì lẽ đó bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát xem xét hành vi này", bị cáo trình bày.
Cũng theo bị cáo Sơn, ở đây doanh nghiệp không lợi dụng gì để trục lợi. Dựa trên việc xây dựng giá thành, khi bán ra, cứ bán được 80% chuyến bay là điểm hòa vốn, tức là đủ 100% thì sẽ lãi 20% (trước thuế, chưa bao gồm các chi phí khác).
Bị cáo nhấn mạnh: “Có những chuyến bay vẫn lỗ. Hành vi đưa hối lộ để xin được cấp giấy phép, tức là không phải xin được chuyến bay là lãi ngay. Cái này dân mình bên kia kêu, vì không biết các doanh nghiệp trực tiếp làm, nên họ mua qua nhiều kênh vòng vo. Điều này cán bộ Đại sứ quán Malaysia cũng nói là 70-80 triệu đồng/ người, trong khi doanh nghiệp của bị cáo chỉ bán có 30 triệu. Ở đây doanh nghiệp không lợi dụng gì để trục lợi”.
Lời sau cùng, bị cáo Sơn cho biết, kể từ ngày khởi tố vụ án, đến nay đã hơn 500 ngày, bị cáo luôn dằn vặt, day dứt, ăn năn về những hành vi của mình. “Doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin cho”, bị cáo chua xót.
Bị cáo mong muốn, đề nghị Hội đồng xét xử có một bản án công tâm, mang tính răn đe, chứ không phải trừng phạt đối với các bị cáo, để bị cáo có thể về gia đình, xã hội, để có thể làm việc, phát triển, chăm sóc mẹ già trong cơn thập tử nhất sinh. “Bị cáo xin cúi đầu nhận tội và vô cùng hối lỗi”, Giám đốc Công ty BlueSky nói.
Cùng với vai trò đưa hối lộ nhiều nhất, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó giám đốc Công ty BlueSky cho rằng, rất day dứt, ăn năn hối cải, nhận thức sâu sắc được sai phạm của bản thân.
Doanh nghiệp của bị cáo đưa được gần 30.000 công dân về nước, nhưng chính vì thế, càng đưa được nhiều công dân về thì tội càng nặng, bởi phải xin nhiều chuyến bay, như thế thì bị cáo càng phải đưa hối lộ tương ứng với tỷ lệ chuyến bay, do đó xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo và các doanh nghiệp cả về công và tội.
Bị cáo Hằng nói thêm: “Đầu tiên, bị cáo cũng mong muốn ra tự thú, nhưng lại có sự việc đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên bị cáo cũng giúp cho cơ quan điều tra mở rộng điều tra vi phạm trong vụ việc, nên mong được xem xét, để khuyến khích những người ra tự thú, để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật".
“Lời cuối cùng, bị cáo muốn xin được giảm án cho anh Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội), vì bị cáo đã đưa anh ấy vào vòng lao lý này. Nếu không được, nếu có thể, bị cáo xin được cộng bản án của anh Tuấn vào bản án của mình, để anh ấy được về với gia đình, xã hội”, bị cáo Hằng nghẹn ngào.
Trong vụ án này, bị cáo Sơn và Hằng được xác định đã đưa hối lộ nhiều nhất, trong đó có hơn 60 tỷ đồng để "chạy án" sau khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án. Đánh giá hành vi và mức độ phạm tội của các bị cáo này là nguy hiểm, Viện Kiểm sát đã đề nghị tuyên án từ 10-11 năm tù đối với Hằng, và 11-12 năm tù đối với Sơn.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh khẳng định, sẵn sàng nhận tội và chấp nhận bản án đối với hành vi của mình, vì bị cáo biết mình đã sai.
Tuy nhiên theo bị cáo Nghĩa, "đến giờ phút này, tôi vẫn rất tự hào vì đã đưa được công dân về nước. Khi đón tại sân bay, tôi được đón các cháu nhỏ, các mẹ bầu, được nhìn thấy những nụ cười đoàn tụ".
"Trước dịch bệnh như thế, tôi là người có trách nhiệm với xã hội, đóng góp cho công tác phòng chống dịch, không những trong nước và quốc tế. Trong đó, chúng tôi thực hiện cả những chuyến bay giải cứu khách du lịch đến Việt Nam bị kẹt lại, đích thân mang cho họ những miếng thịt, mớ rau, cọng hành. Tôi luôn nghĩ làm việc tốt chứ không phải nhằm mục đích vi phạm pháp luật và phải đứng trước tòa ngày hôm nay", bị cáo trình bày thêm, đồng thời mong muốn Hội đồng xét xử có một bản án nhân văn, để sớm trở về với gia đình, xã hội.
Hội đồng xét xử sẽ nghĩ án kéo dài và ấn định thời gian tuyên án vào chiều ngày 28/7 tới.