Vụ án cố ý gây thương tích tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Vì sao bị cáo liên tục kêu oan?
Mặc dù đã trải qua phiên tòa xét xử sơ thẩm của TAND quận Bắc Từ Liêm ngày 25/05/2020 và phiên tòa phúc thẩm của TAND TP. Hà Nội ngày 16/9/2020, nhưng bị cáo Bùi Văn Nam (trú tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) trong vụ án 'Cố ý gây thương tích' vẫn liên tục kêu oan.
Theo cáo trạng, vào tháng 12/2018, bị cáo Bùi Văn Nam cùng một số người là bảo vệ của chung cư thuộc quận Bắc Từ Liêm tổ chức ăn uống và xem bóng đá có gây ồn ào.
Đến khoảng 22h00 cùng ngày, chị T. sống trong chung cư đến nhắc nhở. Tại đây bị cáo Nam và chị T. đã xảy ra mâu thuẫn, bị cáo Nam dùng tay phải đấm vào mặt khiến chị T. bị chảy máu ở vùng mặt.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngày 16/12/2018, chị T. đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc. Tiếp tục từ ngày 18 - 21/12/2018, khám tại Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai. Ngày 26/12/2018, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai có giấy chứng thương số 528/CT-BVHN. Với hình thức thăm khám, chụp X quang sọ thẳng nghiêng, chụp cắt lớp hộp sọ, chị T. được xác định là có gãy xương chính mũi, không phát hiện tổn thương hộp sọ và tổn thương khác.
Đến ngày 05/09/2019, khi tiến hành trưng cầu giám định thương tật, Trung tâm Pháp y Hà Nội (Trung tâm pháp y) xác định: Chị T. ngoài gãy xương mũi còn bị gãy xương sàng trái, song thị mắt… dẫn đến tỉ lệ thương tật là 33%.
Ngày 25/05/2020, TAND quận Bắc Từ Liêm đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Cố ý gây thương tích", tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Nam 24 tháng tù. Đồng thời, bồi thường cho chị T với số tiền là 100.000.000 đồng.
Do thấy nhiều điểm bất thường chưa được làm sáng tỏ, ngày 1/6/2020, Bùi Văn Nam đã có đơn kháng cáo kêu oan lên TAND TP. Hà Nội.
Ngày 16/9/2020, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án "Cố ý gây thương tích". Hội đồng xét xử đã ra Bản án phúc thẩm số 706/2020/HS-PT quyết định "không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Bùi Văn Nam và giữ nguyên bản án sơ thẩm".
Sau hai phiên tòa xét xử, bị cáo Bùi Văn Nam đã liên tục gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng kêu oan vì cho rằng có nhiều điểm ''bất thường'' trong quá trình giám định thương tật.
Theo đó, bị cáo Nam nhận thức hành vi của mình là không đúng. Nhưng bị cáo Nam cho rằng nội dung yêu cầu giám định thương tật và Bản kết luận trưng cầu giám định thương tật của Trung tâm Pháp y Hà Nội kết luận chị T. bị tổn hại sức khỏe ở mức 33% sau hơn 3 tháng xảy ra sự việc có nhiều chi tiết mâu thuẫn với vết thương ban đầu và hiện tại, dẫn đến hồ sơ vụ án bị làm sai lệch.
Kết luận giám định pháp y thương tật của Trung tâm Pháp y Hà Nội cũng mâu thuẫn với kết luận của Bệnh viện mắt Trung ương (là Bệnh viện được Trung tâm Pháp y Hà Nội chỉ định chị T. đến khám).
Cụ thể, theo kết quả khám ngày 25/03/2019, tại Bệnh viện mắt Trung Ương, chị T. đã được Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh chẩn đoán và kết luận: Hình ảnh vỡ xương sàn 1/3 trong hốc mắt trái. Thế nhưng, trong kết luận của Trung tâm Pháp y Hà Nội lại cho rằng chị T. gãy xương sàng trái.
Theo Thông tư 20/2014/TT-BYT, xương sàn và xương sàng là hai xương khác nhau, có tỷ lệ thương tích khác nhau. Vỡ xương sàn 1/3 trong ổ mắt có tỷ lệ thương tật từ 5% đến 7%. (Mục 1, phần XIV, chương 11, bảng 1, phụ lục thông tư 20/2014/TT-BYT).
Hơn nữa, theo kết quả chụp X- Quang cắt lớp, tại vị trí vỡ xương vẫn đang bị phù nề nên đây là tổn thương mới (phù nề chỉ xảy ra khi mới bị tổn thương hoặc bị nhiễm trùng) nên không thể cho là vết thương xảy ra cách đây 3 tháng được. Trung tâm giám định kết luận theo lời khai của chị T., không phải theo kết luận chụp X-Quang/CT của bệnh viện.
Với những mâu thuẫn nêu trên, ngày 24/05/2019, bị cáo Nam đã làm đơn đề nghị giám định lại thương tật gửi Cơ quan CSĐT quận Bắc Từ Liêm và Viện Kiểm sát nhân dân quận Bắc Từ Liêm.
Ngày 18/09/2019, Viện kiểm sát nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định số 13/QĐ-VKSBTL trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm yêu cầu cho chị T. đi giám định lại thương tật.
Ngày 31/10/2019, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra Quyết định dẫn giải người bị hại là chị T. đến Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để tiến hành giám định lại. Tuy nhiên, chị T. không thực hiện theo quyết định này vì lí do đang nuôi con nhỏ.
Sau gần 05 tháng kể từ ngày có quyết định trưng cầu giám định lại, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm mới ban hành văn bản đề nghị Trung tâm Pháp y Hà Nội giải thích về kết luận giám định mà chính cơ quan này đang yêu cầu giám định lại.
Tuy nhiên, theo Luật sư Giang Văn Quyết (Giám đốc Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật): "Việc yêu cầu giải thích kết luận giám định này là không phù hợp với thủ tục, trình tự yêu cầu giám định lại. Khoản 1, Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định rõ: Căn cứ để trưng cầu giám định là tính thiếu chính xác của kết luận giám định. Khi kết luận giám định bị nghi ngờ về tính chính xác, khách quan thì không cần thiết phải giải thích kết luận nữa mà buộc phải trưng cầu giám định lại. Văn bản giải thích kết luận giám định không thể thay thế cho kết luận giám định đã bị nghi ngờ về kết quả".
Luật sư Giang Văn Quyết cũng cho biết, trong vụ án này Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm chưa ban hành Quyết định thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 02. Đồng nghĩa với việc, Quyết định trưng cầu giám định lại vẫn còn hiệu lực pháp luật cho đến khi vụ án được đưa ra xét xử.
Được biết, bị cáo Bùi Văn Nam đã có đơn tố giác gửi tới Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 2/2/2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Giấy báo số 114/BT-VKSTC-V6 thông báo về việc nhận đơn tố giác của ông Bùi Văn Nam với nội dung tố giác: “Kết luận giám định thương tích của chị T. là không có cơ sở, có nhiều mâu thuẫn nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn bất chấp quy định của pháp luật, vội vàng tuyên án, tước đi quyền chính đáng của bị cáo và cho rằng N. V. Q. - Điều tra viên thụ lý vụ án đã bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án những tài liệu chứng cứ quan trọng dẫn đến việc giải quyết vụ án không khách quan”. Đơn tố giác của ông Bùi Văn Nam đã được chuyển đến Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.