Vụ án Công ty Ngọc Hưng kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Cần xử lý những mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật để đảm bảo tính khách quan của vụ án

Sau khi Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án khiếu kiện hành chính giữa Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (Công ty Ngọc Hưng) kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ngày 10/10/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị đã gửi bản kiến nghị đến Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Đà Nẵng với mong muốn cấp phúc thẩm xử lý những mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật của cấp sơ thẩm để đảm bảo tính khách quan của vụ án, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp.

Ảnh Minh Họa

Ảnh Minh Họa

Diễn biến vụ án

Sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm vụ án “Buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và TP. Đà Nẵng, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành Bản án hình sự phúc thẩm số 187/HSPT ngày 26/7/2019 (bản án hình sự phúc thẩm số 187) với phần xử lý vật chứng “Tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền 4.136.254.000 đồng; số vật chứng còn lại 59.690.076.000 đồng được chuyển cho Tổng cục Hải quan để xem xét, xử lý về hành vi vi phạm hành chính (VPHC) do Công ty Ngọc Hưng khai sai với thực tế về tên hàng”.

Ngày 24/10/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan lập biên bản VPHC số 01/BBVPHC với hành vi “Chứa chấp, mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có chứng từ hợp lệ trong địa bàn hoạt động hải quan” (sau gần 8 năm Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng lập biên bản khám xét hành chính lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng). Ngày 5/11/2019 Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 3241/QĐ-TTTV tịch thu tang vật VPHC toàn bộ số tiền 59.690.076.000 đồng của Công ty Ngọc Hưng.

Thấy quyền lợi bị xâm phạm, Công ty Ngọc Hưng đã khởi kiện vụ án hành chính tại TAND tỉnh với yêu cầu Hội đồng xét xử hủy bỏ Quyết định tịch thu tang vật VPHC số 3241/QĐ-TTTV ngày 5/11/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; hủy bỏ Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định tịch thu tang vật VPHC số 2878/QĐ-SĐXPHC ngày 4/11/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; yêu cầu Tổng cục Hải quan nhanh chóng trả lại số tiền 59.690.076.000 đồng; yêu cầu Tổng cục Hải quan bồi thường thiệt hại cho Công ty Ngọc Hưng theo quy định của Luật Bồi thường trách nhiệm nhà nước theo lãi suất ngân hàng 9%/năm từ ngày ban hành quyết định tịch thu đến ngày tòa án đưa vụ án ra xét xử.

Ngày 7/9/2023, TAND tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm vụ án. Sau phiên xét xử sơ thẩm, Bản án số 09/2023/HC-ST ngày 7/9/2023 (bản án hành chính số 09) của TAND tỉnh Quảng Trị đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Ngọc Hưng.

Tịch thu tang vật là mâu thuẫn với bản án đã có hiệu lực pháp luật

Quan điểm của Đoàn ĐBQH tỉnh là Tổng cục Hải quan lập biên bản VPHC đối với Công ty Ngọc Hưng về hành vi “Chứa chấp, mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có chứng từ hợp lệ trong địa bàn hoạt động hải quan” là trái với nội dung bản án hình sự phúc thẩm số 187.

Bản án hình sự phúc thẩm số 187 nêu rõ hành vi của Công ty Ngọc Hưng “khai sai với thực tế về tên hàng”, đồng thời khẳng định “chưa có đủ cơ sở kết luận Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung chỉ đạo nhân viên Công ty Ngọc Hưng làm giả bộ hồ sơ để nhập khẩu lô gỗ trắc vào Việt Nam và làm giả bộ hồ sơ để xuất khẩu lô gỗ này sang Hồng Kông (Trung Quốc)”.

Bên cạnh đó, Công văn số 1661/TCHQ-TXNK ngày 20/2/2014 của Tổng cục Hải quan gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) - Bộ Công an nêu rõ: “Trường hợp cụ thể doanh nghiệp Ngọc Hưng đã nộp thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu ngày 17/1/2012 số tiền 3.246.503.317 đồng theo Tờ khai nhập khẩu số 1505/NK/KD/B033 ngày 17/12/2011 và chứng từ ghi số thuế phải thu số 2560/ TBT ngày 17/12/2011 của cơ quan hải quan là đúng quy định pháp luật”.

Thực tế, Công ty Ngọc Hưng khi nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị đã khai báo hải quan số lượng 535,800m3 gỗ trắc các loại và khi xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc) lô gỗ này cũng đã khai báo số lượng 535,800m3 gỗ trắc. Hồ sơ nhập khẩu, xuất khẩu lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng đã được TAND cấp cao tại Đà Nẵng trong phiên xử phúc thẩm vụ án hình sự khẳng định là không có cơ sở kết luận là giả mạo và kết luận của bản án đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy, có nghĩa là lô gỗ trắc 535,800m3 này của Công ty Ngọc Hưng là hàng hóa không thuộc loại cấm nhập khẩu, xuất khẩu và đã khai báo hải quan.

Tổng cục Hải quan phải có trách nhiệm chứng minh Công ty Ngọc Hưng đã khai sai những mặt hàng gỗ nào trong số 535,800m3 đã nhập khẩu, xuất khẩu (bao gồm: 180,038 m3 gỗ trắc xẻ, 39,964 m3 gỗ trắc tròn và 315,456 m3 gỗ trắc tận dụng gốc, cành, ngọn) để làm căn cứ xử phạt VPHC theo quy định.

Trường hợp Tổng cục Hải quan cho rằng hành vi của Công ty Ngọc Hưng không phải là “hành vi khai sai với thực tế về tên hàng” như quyết định của bản án hình sự phúc thẩm số 187, mà hành vi của Công ty Ngọc Hưng là “ hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động hải quan” thì Tổng cục Hải quan phải kháng cáo bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Tổng cục Hải quan đã không kháng cáo bản án theo thủ tục giám đốc thẩm mà đã ban hành quyết định tịch thu tang vật, cố ý không chấp hành nội dung bản án có hiệu lực pháp luật.

Viện dẫn các căn cứ đã bị cấp có thẩm quyền bác bỏ

Theo Đoàn ĐBQH tỉnh, bản án hành chính số 09 đã căn cứ vào các nội dung trước đó đã bị TAND cấp cao bác bỏ trong bản án hình sự phúc thẩm số 187. Các căn cứ mà bản án hành chính số 09 viện dẫn để khẳng định Công ty Ngọc Hưng có “hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động hải quan” bao gồm hồ sơ nhập khẩu giả mạo; giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật không đúng quy định; lô gỗ không có nguồn gốc; vi phạm về chính sách nhập khẩu.

Tuy nhiên, những căn cứ nêu trên đã bị TAND cấp cao bác bỏ trong bản án hình sự phúc thẩm số 187. Về hồ sơ nhập khẩu, TAND cấp cao cho rằng: “Quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chưa làm rõ được vì sao chữ ký của ông KhămPhong và con dấu của Nhà máy Chế biến gỗ nội thất Lào trên bộ hồ sơ của Công ty Ngọc Hưng (hợp đồng kinh tế số 35/2011/HĐKT), nhưng lại không sử dụng kết luận giám định này mà tiếp tục thu thập mẫu chữ ký của ông KhămPhong và mẫu con dấu của Nhà máy Chế biến gỗ nội thất Lào năm 2016 để giám định. Từ đó căn cứ vào kết luận giám định số 5300/C54-P5 ngày 1/11/2017 làm chứng cứ để kết luận Trương Huy Liệu có hành vi nhập khẩu lô gỗ bằng hồ sơ giả là không đảm bảo tính khách quan”.

Về giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng: “Trường hợp Công ty Ngọc Hưng không xuất trình được giấy kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cấp, thì theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 26/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 của Chính phủ, hành vi này cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Sau đó, trạm kiểm dịch thực vật phải lấy mẫu để kiểm tra và nếu có đủ điều kiện thì cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng”.

Về nguồn gốc lô gỗ, bản án số 187 thể hiện: “theo tài liệu mô tả, ảnh chụp lô gỗ khi khám xét và khi giám định đều thể hiện trong toàn bộ lô gỗ, có một số kiện hàng không đóng dấu búa, nhưng cũng có một số kiện hàng đóng dấu búa. Do đó, chưa có cơ sở để cho rằng lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Lào về Việt Nam là không có nguồn gốc.”

Đối với chính sách nhập khẩu, theo công văn số 1328/BCT-XNK ngày 8/2/2013 của Bộ Công thương “Trường hợp gỗ từ các nước xuất khẩu sang Việt Nam, doanh nghiệp của nước xuất khẩu phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại và thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam do doanh nghiệp nước xuất khẩu chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của Việt Nam”. Đồng thời, Bộ Công thương khẳng định, gỗ trắc, gỗ giáng hương không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu hay buộc phải có giấy phép khi nhập, xuất khẩu...

Đặc biệt, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nhiều lần khẳng định trước Quốc hội: “Hội đồng xét xử không chấp nhận cáo trạng tuyên buôn lậu 614 khối mà chỉ chấp nhận là buôn lậu 78 khối. Lý do của việc này thì 535 khối đã được đóng thuế, được khai báo hải quan và theo công văn của Bộ Công thương và trình bày trước phiên tòa của Bộ Công thương thì doanh nghiệp Việt Nam không phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, tính đúng đắn của hồ sơ từ bên ngoài, việc ấy của doanh nghiệp bên ngoài chịu trách nhiệm.

Cho nên những hàng hóa đã khai báo hải quan, đã được đóng thuế thì coi là hợp pháp. Nhưng phần không khai báo là 78 khối bao gồm 23 khối mà sơ thẩm đã tuyên và 55 khối gỗ trắc không được khai báo hải quan, không được đóng thuế thì tòa tuyên buôn lậu và tịch thu. Đấy là kết quả phiên tòa.”

Mới đây nhất, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, ngày 28/10/2022, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã ban hành Công văn số 1350/YK-UBTP15, nội dung công văn thể hiện: “Bản án phúc thẩm chỉ quyết định chuyển số tiền 59.690.076.000 đồng của Công ty Ngọc Hưng cho Tổng cục Hải quan để xem xét, xử lý về hành vi VPHC do Công ty Ngọc Hưng khai sai với thực tế tên hàng theo quy định tại Nghị định 97 của Chính phủ và Thông tư 93 của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, sau khi xét xử phúc thẩm thì đã hết thời hiệu xử phạt VPHC theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý VPHC nhưng Tổng cục Hải quan vẫn quyết định tịch thu toàn bộ số tang vật của Công ty Ngọc Hưng là không đúng pháp luật”.

Từ những căn cứ trên, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Đà Nẵng căn cứ đầy đủ các quy định pháp luật và thực tế bản án hình sự phúc thẩm 187; những mâu thuẫn, nội dung không phù hợp, trái pháp luật của bản án hành chính số 09/2023 để xử lý vụ việc khi xem xét giải quyết ở cấp phúc thẩm.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ban-doc-phap-luat/vu-an-cong-ty-ngoc-hung-kien-tong-cuc-truong-tong-cuc-hai-quan-can-xu-ly-nhung-mau-thuan-trong-ap-dung-phap-luat-de-dam-bao-tinh-khach-quan-cua-vu-an/180961.htm