Vụ án dâm ô các bé gái ở Trung tâm hỗ trợ xã hội: Cần biện pháp mạnh
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam đối với Nguyễn Tiến Dũng (48 tuổi, cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trụ sở trên đường Nơ Trang Long) về hành vi 'Dâm ô với người dưới 16 tuổi'.
Nhiều nạn nhân lên tiếng
Chiều 15-11, chị L. (ngụ Nhà Bè) đưa con gái 14 tuổi đến Công an phường 13 trình báo về việc bị ông Dũng dâm ô. Công an phường 13 đã chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh thụ lý theo thẩm quyền.
Lãnh đạo Công an quận Bình Thạnh đã chỉ đạo đội điều tra tiến hành xác minh thông tin, thu thập chứng cứ. Ngoài làm việc với chị L, cơ quan điều tra còn làm việc với 2 người bạn của con chị L để củng cố chứng cứ.
Đến thời điểm này cơ quan điều tra đã xác minh có 3 bị hại. Chiều 17-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Dũng.
Tại cơ quan công an, Nguyễn Tiến Dũng đã thừa nhận có hành vi dâm ô với các bé gái tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Tất cả đều xảy ra trong ca trực tối do ông Dũng được phân công. Ông Dũng cho biết các bé xin thuốc lá, ông đã đồng ý cho thuốc với điều kiện được "sờ mó".
Hồ sơ của cơ quan Công an thể hiện, ngày 29-5, em Đ.T.K.A. (14 tuổi) được tổ công tác UBND phường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP Hồ Chí Minh) phát hiện sống lang thang, không nơi cư trú nên đưa em vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thành phố trên đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh.
Tại đây, K.A.. được bố trí ở tại phòng C2 cùng một số bé gái khác. Nhiều lần Nguyễn Tiến Dũng đến cửa sổ phòng C2 kêu K.A ra hỏi có hút thuốc lá không và đưa thuốc lá cho em hút.
Những ngày sau, Dũng tiếp tục đến phòng C2 kêu K.A. ra cho thuốc lá và yêu cầu: "Cho thầy sờ ngực đi, ngày nào thầy cũng cho thuốc hút". Thấy vậy, em K.A. hoảng sợ và bỏ chạy vào phòng.
Đến ngày 2-6, Dũng lại kêu K.A. ra cho thuốc lá rồi nắm cổ áo K.A. kéo xuống, sờ ngực nên em sợ hãi và khóc. Từ ngày 29-5 đến 28-6, K.A bị Dũng xâm hại 5 lần. Có lần Dũng nhậu say đến kêu K.A. sờ vào bộ phận sinh dục của Dũng. K.A. không thực hiện nên Dũng ép các bé gái khác trong phòng sờ.
Sau khi thỏa mãn, Dũng còn đe dọa chửi bới các bé gái ở đây. Sau khi hồi gia, một số em không dám nói với gia đình mình bị xâm hại.
Cuối tháng 6-2019, người thân của K.A. đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội bảo lãnh em hồi gia. Phát hiện em bị dâm ô trong thời gian ở trung tâm nên ngày 15-11, mẹ K.A. dẫn con gái đến Công an phường 13, quận Bình Thạnh trình báo sự việc. Nhiều bé gái khác ở trung tâm này cũng tố cáo bị Dũng xâm hại như em H.T.K.D. (13 tuổi, đã hồi gia), em N.N.K.N. (14 tuổi), em L.T.K.T. (13 tuổi)…
Ngày 30-10, Trung tâm công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP Hồ Chí Minh can thiệp hỗ trợ tâm lý cho bé N.N.K.N (14 tuổi) vì có biểu hiện bất ổn về tâm lý. Bé K.N. kể lại sự việc bị ông Dũng thực hiện hành vi dâm ô nhiều lần. Từ đó, cán bộ trung tâm này ghi nhận thêm có ít nhất 6 bé gái từ độ tuổi 14-15-16 tuổi bị ông Dũng dâm ô.
Một số bé bị xâm hại tố cáo, nhiều tối ông Dũng đến phòng dụ các bé muốn hút thuốc lá, nước sôi ăn mì gói hoặc uống nước ngọt… thì cho ông ta sờ soạng, rồi hứa sẽ kêu người thân "lo" cho các em sớm về nhà.
Nhiều lần ông Dũng nhậu say còn thực hiện hành vi đồi bại này công khai trước mặt nhiều bé gái ở đây. Một số em sau đó có dấu hiệu bất ổn về tâm sinh lý. Sau khi được điều trị, các em đã kể lại việc bị ông Dũng xâm hại nhiều lần. Dũng thường thực hiện hành vi khoảng từ 21h đến 23h.
Chị Đ.T.H. (chị gái bé Đ.T.K.A.) cho biết cứ nghĩ gửi bé vào đó sẽ được dạy dỗ, ai ngờ lại xảy ra chuyện buồn. Bé K.A. bỏ học khi đang học lớp 5, sau đó theo chị gái đi học nghề nail.
Được một thời gian thì chán nên bỏ học và theo bạn bè đi chơi, người thân nói K.A. không nghe. Khi bé K.A. được đưa vào trung tâm, gia đình yên tâm cho rằng ở đây một thời gian bé sẽ có suy nghĩ lại để không chơi bời nữa. K.A. hồi gia, bé vẫn không nói gì chuyện bị Dũng xâm hại, cho đến khi sự việc vỡ lở...
Đơn vị chủ quản chậm xử lý?
Ngày 17-11, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội Võ Thị Thanh Kim đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với Nguyễn Tiến Dũng kể từ ngày 18-11 với lý do: "ông Dũng đã có hành vi dâm ô đối với đối tượng đang được quản lý tại Trung tâm".
Tại buổi họp báo chiều 18-11, nhiều phóng viên đặt câu hỏi đối với ông Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH).
Vấn đề được đặt ra là việc gia đình các nạn nhân tố cáo từ ngày 8-10, Trung tâm công tác xã hội giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên (nơi các bé được chuyển từ Trung tâm Hỗ trợ xã hội qua, sau khi bị Dũng dâm ô) cũng có báo cáo, nhưng Sở xử lý quá chậm. Việc này có thể tạo cơ hội cho Dũng tiếp tục xâm hại các bé khác. Liệu vụ việc có sự bao che hay không?
Bà Phụng cho biết, ngày 11-11 đi công tác về là bà lập tức kiểm tra vụ việc. "Tôi là người trực tiếp nhận tài liệu, kiểm tra thông tin, xuống hiện trường. Tôi thu thập thông tin và đề xuất gửi vụ việc cho cơ quan điều tra. Vì vậy, ở đây không phải việc bao che, che giấu tội phạm".
Theo bà Nguyễn Thành Phụng, Trung tâm Hỗ trợ xã hội đã có báo cáo Sở từ ngày 8-11. Sở đã rà soát nội bộ công tác tiếp nhận quản lý, thẩm tra đối chiếu các thông tin được cung cấp.
Trong quá trình xác minh, ngày 17-11, đoàn thanh tra thấy đã đủ cơ sở để khẳng định ông Dũng có hành vi dâm ô và sở đã có quyết định chỉ đạo giám đốc trung tâm đình chỉ cán bộ vi phạm. Sở đã phối hợp với Công an quận Bình Thạnh để điều tra xử lý đối với cá nhân vi phạm. "Chúng tôi không bao che tội phạm", bà khẳng định.
Việc phân công trực, quy định một ca trực luôn bố trí cán bộ trực lãnh đạo bao gồm giám đốc, phó giám đốc; số lượng trực hàng đêm là 11 người, riêng thứ 7, chủ nhật là 12 người. Việc bố trí ông Dũng trực đêm là theo phân công của đơn vị và lịch trực được công bố hàng tháng.
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, sau khi xảy ra vụ việc, Thường trực Đảng ủy - Ban giám đốc Sở đã họp và chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội phải kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan, đồng thời rà soát lại cán bộ, công chức và chấn chỉnh việc thực hiện các ca trực. Trung tâm phải kiểm điểm tập thể và kiểm điểm từng cá nhân trong ban giám đốc cũng như những cá nhân, tập thể có liên quan.
Về công tác giám sát các trung tâm bảo trợ, hỗ trợ xã hội trên địa bàn, ông Sơn cho biết sở cũng sẽ tiến hành họp lãnh đạo các trung tâm để đảm bảo các em được chăm sóc trong môi trường an toàn. "Chúng tôi cũng đã mời Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh vào cuộc ngay từ đầu với chúng tôi để đảm bảo tính khách quan và quan tâm tư vấn cho các cháu".
Ông Phạm Đình Lương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội cho biết Trung tâm chưa hề nhận được bất cứ một đơn tố nào liên quan đến hành vi dâm ô của ông Dũng cũng như cán bộ trung tâm.
"Khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo sở đã chỉ đạo kiểm điểm tập thể lãnh đạo trung tâm, từng cá nhân có liên quan, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các ca trực để xử lý. Đây là vụ việc đáng tiếc, mong rằng cơ quan điều tra nhanh chóng điều tra để làm rõ và xử lý nghiêm", ông Lương nói.
Lên tiếng để ngăn chặn nguy cơ
Ngày 18-11, trao đổi với PV chuyên đề ANTG, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho rằng, ông Dũng thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần, với nhiều người và phạm tội đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh. Do đó, cơ quan công an cần nhanh chóng điều tra làm rõ hành vi dâm ô của ông Nguyễn Tiến Dũng".
Cũng theo Luật sư Nữ, Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em sẵn sàng tiếp nhận các cháu để cho đi học nghề và giới thiệu việc làm, do đó, những bé nào muốn học nghề hãy liên hệ đến chi hội để được hỗ trợ.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2011 đến 2014, trên địa bàn thành phố có 691 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Từ năm 2015 đến tháng 6-2019, trên địa bàn thành phố có 782 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục (43 trẻ em trai, 739 trẻ em gái), trong đó có 695 trẻ bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều gia đình đã chọn cách im lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại nên chưa thống kê đầy đủ.
Trong tổng số vụ xâm hại trẻ em nêu trên, có 6 trẻ em tử vong; 6 trẻ em bị thương tật; 14 trẻ em bị rối loạn tâm thần; 86 trẻ em có thai, 9 trẻ em phải bỏ học và 661 trẻ em bị tác động khác về thể chất, tinh thần. Từ năm 2011 đến tháng 6-2019, gần 1.000 trẻ em bị xâm hại được trợ giúp pháp lý và số lượng trẻ em bị xâm hại thực hiện giám định tư pháp trên 1.500 trẻ.
Đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 144 vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đối với 148 đối tượng. Tuy nhiên, công tác đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều trường hợp sau khi phát hiện bị xâm hại, gia đình nạn nhân không tố giác vì sợ bị tai tiếng…
Khi mâu thuẫn phát sinh thì mới đi tố cáo nên cơ quan công an gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu hoặc đối tượng bỏ trốn. Một số trường hợp phát hiện trễ nên khi đưa trẻ đi giám định pháp y mất dấu vết… UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất việc thiết lập các đơn vị cảnh sát chuyên biệt về bảo vệ trẻ em.
Dư luận cũng đánh giá cao sự nỗ lực nhanh chóng vào cuộc của cơ quan công an ngay sau khi xảy ra sự việc đã bắt khẩn cấp đối tượng vào chiều 17-11 và khởi tố vụ án khởi tố bị can vào sáng 18-11. Vụ việc đang được cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ để xử lý người vi phạm.