Vụ án dân sự hy hữu ở Hà Tĩnh: Giám định ADN để tìm huyết thống cho... bò!
Vụ án dân sự 'Tranh chấp vật nuôi' dưới đây đã trở thành câu chuyện hy hữu trong lịch sử tố tụng ở Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Nguyên đơn là ông D.Đ.H (SN 1977, trú xã Lưu Vĩnh Sơn, người đứng góc trái) và bị đơn là ông H.S.C (SN 1951, trú xã Thạch Xuân, người đứng góc phải).
Phiên tòa dân sự “Tranh chấp vật nuôi” diễn ra vào chiều 18/8 tại TAND huyện Thạch Hà thu hút sự quan tâm của người dân địa phương. Nguyên đơn là ông D.Đ.H (SN 1977, trú xã Lưu Vĩnh Sơn) và bị đơn là ông H.S.C (SN 1951, trú xã Thạch Xuân, Thạch Hà).
Gia đình ông H. có tất cả 9 con bò, được nuôi thả ở khu vực Đá Dóc (thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn). Chiều tối 7/5/2020, sau khi lùa bò về, ông D.Đ.H. thấy thiếu mất 3 con (2 bò cái và 1 con bê). Thời điểm bị mất, một con bò đã mang thai gần 9 tháng. Đến ngày 12/5/2020, con trai ông H. là D.C.Q tìm thấy 3 con trong số đàn bò của ông H.S.C. có nhiều điểm tương đồng với vật nuôi của mình đã mất nên gọi điện báo cho gia đình.
Quá trình hòa giải sau đó không thành, ông H. làm đơn khởi kiện lên TAND huyện Thạch Hà; buộc ông C. trả lại 4 con bò gồm: 2 con bò cái, 1 me đực và 1 me cái (được sinh ra trong thời gian ông C. nuôi giữ, khoảng đầu tháng 6/2020).
Tổng giá trị 4 con vật được định giá gần 39,9 triệu đồng.
Lời khai của nguyên đơn D.Đ.H trong biên bản tiếp cận công khai chứng cứ, biên bản hòa giải và tại phiên tòa về đặc điểm của con 3 vật nuôi hoàn toàn trùng khớp, thống nhất.
Tại phiên tòa, ông H. đã trình bày cụ thể về thời điểm, số lượng mất, đặc điểm nhận dạng... của vật nuôi hoàn toàn trùng khớp với các biên bản làm việc từ trước. Trong đó, xuất hiện một chi tiết vô cùng “đắt giá”, lỗ tai bên phải của 1 trong 2 con bò cái có bấm một lỗ tròn và cắt thẳng xuống theo chiều tai dài 4-5cm. Vết tích này do ông H. dùng ghim sách vở gắn với ống kim loại bấm để đánh dấu.
Về phía ông C., bị đơn lý giải do con trai ông lấy dao lam cạo sạch ổ giòi trên tai khiến bò quật mạnh, bị vấp lưỡi lam dẫn đến rách tai. Song, qua đối chiếu với các biên bản và tham vấn cơ quan chuyên môn về thú y cho thấy, cơ chế hình thành lỗ tròn do chủ động bấm lỗ và cắt tai. Đặc điểm này hoàn toàn trùng khớp với lời khai của ông H.
Các vết tích đặc trưng như lỗ tròn trên tai con bò cái thứ nhất, vết sẹo trên vai con me đực đều được ông H. phản ánh rõ ràng, cụ thể
Ngoài ra, ông C. không phản ánh được vết sẹo trên vai con me đực nhưng ông H. lại nhớ rất rõ chi tiết này. Và theo kết quả thẩm định, vai trái con vật có sẹo dài 6 cm. Hội đồng xét xử nhận định: Chỉ chủ nhân thực sự mới có thể phản ánh chính xác. Giả sử, nếu 3 con bò này là của ông C. và đang được bị đơn nuôi giữ, chắc chắn ông H. không thể biết được đặc điểm cụ thể của từng con vật.
Lời khai của phía bị đơn còn cho thấy “tiền hậu bất nhất” giữa số lượng, thời điểm, đặc điểm đàn bò. Tại biên bản, ông C. liên tục thay đổi lời khai về nguồn gốc của 2 con me. Tuy nhiên, quá trình xem xét các hồ sơ, tài liệu, Hội đồng xét xử nhận thấy, giữa lời khai của bị đơn với độ tuổi thực tế của 2 con me có sự mâu thuẫn.
Bị đơn H.S.C. liên tục đưa ra các lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình...
Tòa án và nguyên đơn D.Đ.H. cũng ra đề nghị áp dụng phương pháp truyền thống: đưa 2 đàn bò của 2 gia đình ra hai bãi trống và 4 vật nuôi về đàn nào, sẽ xác định quyền sở hữu của người đó. Tuy nhiên, ông H.S.C không đồng tình với cách giải quyết này dù bản thân có lợi thế hơn (do nuôi giữ 4 con trong thời gian gần đây) và đưa ra phương án... giám định ADN.
Để xác định “chính chủ” của đàn bò, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu từ bò cái được ông C. nuôi giữ (ký hiệu M1) và con me của nhà ông H. (ký hiệu M2) để giám định. Tại kết luận số 17 ngày 16/7/2020 của Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT Việt Nam) đã khẳng định: Mẫu bò M1 có quan hệ huyết thống mẹ con với mẫu bò M2 với xác suất hơn 99%.
Từ đó, có đủ cơ sở khẳng định 3 con bò đang tranh chấp thuộc sở hữu của nguyên đơn. Ngoài ra, bị đơn đã xác nhận me cái (sinh đầu tháng 6) do 1 trong 2 con bò cái đẻ ra nên đương nhiên, vật nuôi này được công nhận là tài sản của ông H.
... tuy nhiên, những lời khai của ông C. “tiền hậu bất nhất” và không thuyết phục được Hội đồng xét xử lẫn người tham dự phiên tòa.
Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn H.S.C. trả lại tài sản cho ông D.Đ.H. Trường hợp bị đơn làm mất hoặc gây thiệt hại đối với 1 trong 4 vật nuôi, phải đền bù bằng tiền trị giá tương ứng với mỗi con bị mất.
Nguyên đơn có nghĩa vụ trả cho bị đơn hơn 2,4 triệu đồng tiền công chăn dắt. Ngược lại, ông C. đưa cho ông H. 7,5 triệu đồng chi phí giám định. Như vậy, tổng số tiền ông C. buộc phải trả là hơn 5 triệu đồng.
Kết thúc phiên xử, Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D.Đ.H, buộc bị đơn H.S.C. phải trả lại tài sản.
Tranh chấp trâu bò là vụ án vô cùng phức tạp, khó giải quyết do vật nuôi không có đặc điểm nhận dạng cụ thể và thường được chăn thả tự do. Bên cạnh đó, trâu bò là tài sản có giá trị kinh tế cao và dù chi phí giám định ADN không hề rẻ nhưng tâm lý "được mất“ vẫn khiến nhiều người bất chấp.
Để hạn chế các vụ án tranh chấp vật nuôi, về phía chính quyền địa phương cần siết chặt quản lý, vận động các gia đình đánh dấu đặc điểm nhận dạng trâu bò; đồng thời, quan tâm làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở...”.