Vụ án Gang thép Thái Nguyên: 830 tỷ đồng chưa phải là thiệt hại thực tế của TISCO
Sáng 13/4, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) tiếp tục với phần xét hỏi những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tòa hỏi đại diện ủy quyền của Bộ Công thương về hợp đồng EPC số 01 ký giữa TISCO và nhà thầu Trung Quốc MCC. Vị này cho biết, căn cứ vào báo cáo của Tổng công ty Thép Việt Nam, TISCO, Bộ Công thương tổng hợp để trình lên Chính phủ.
“Căn cứ vào đâu Bộ Công thương giới thiệu Vinaincon làm nhà thầu phụ hợp đồng”?, chủ tọa hỏi tiếp. Đại diện Bộ Công thương cho biết, ông không nắm chi tiết. Những người ký hồ sơ liên quan đã nghỉ hưu. Thứ trưởng Lê Dương Quang đã nghỉ hưu từ năm 2014. Về hậu quả dự án, Bộ không có ý kiến gì.
Còn theo đại diện của TISCO, Công ty đang đàm phán yêu cầu MCC tiếp tục triển khai hợp đồng. Số tiền 830 tỷ đồng là thiệt hại thực tế mà công ty phải trả cho Vietinbank và VDB.
“Nhưng với 830 tỷ đồng chưa phải là thiệt hại thực tế của TISCO. TISCO đề nghị xem xét lại khoản tiền này”, đại diện TISCO cho biết.
Vị này trình bày thêm: "Số tiền lãi thực tế phải căn cứ hợp đồng tín dụng và thời gian đáo hạn vẫn còn có nghĩa chúng tôi vẫn đang vay thông thường, phải trả lãi”.
“Tôi không trốn tránh trách nhiệm”
Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư là hơn 3.800 tỷ đồng và các sai phạm xảy ra tại gói thầu dây chuyền luyện kim Lưu Xá.
Cáo buộc cho rằng, khi thực hiện hợp đồng EPC, nhà thầu MCC vi phạm tiến độ thi công, chưa hoàn thành thiết kế các hạng mục, không đặt hàng chế tạo máy móc thiết bị, không triển khai thi công mà rút hết người về nước. Mặc dù vi phạm hợp đồng nhưng MCC vẫn yêu cầu tăng giá hợp đồng.
Các bị cáo Trần Trọng Mừng, Tổng giám đốc TISCO – chủ đầu tư và Mai Văn Tinh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) - cấp quyết định đầu tư đã không xem xét chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng. Các bị cáo tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh cơ cấu đầu tư, trong đó có dự phòng cho phần c hợp đồng tăng thêm 15,57 triệu USD; ký phụ lục điều chỉnh với MCC thống nhất tách phần c ra khỏi hợp đồng EPC, ký hợp đồng thầu phụ với Vinaincon theo đơn giá. TISCO trực tiếp nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu phụ, tự chịu mọi rủi ro, làm phá vỡ nguyên tắc hợp đồng trọn gói EPC.
Sai phạm trên dẫn đến hậu quả dự án bị kéo dài, đội vốn và gây thất thoát cho nhà nước số tiền 830 tỷ đồng (số tiền lãi mà TISCO đã trả cho 2 ngân hàng).
Bị cáo Hoàng Ngọc Diệp – cựu thành viên HĐQT TISCO cho rằng, Viện kiểm sát truy cứu bị cáo tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chưa đúng. Bị cáo trình bày, trước khi đặt bút ký tờ trình 450 điều chỉnh cơ cấu đầu tư, bị cáo có suy nghĩ vào giai đoạn năm 2008, trước tình hình suy thoái kinh tế thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 09 tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhưng không điều chỉnh gói thầu quốc tế.
“Các anh em có nghiên cứu văn bản, tách phần C hợp đồng để phù hợp với phần được điều chỉnh. Tôi tin tưởng vào tính toán của các anh em”, bị cáo Diệp khai. Bị cáo khai nhận, trong tờ trình thì tổng mức đầu tư không thay đổi, thời gian thực hiện đến hết quý I/2011 là thực hiện xong. Nếu đạt được điều đó là “cứu cánh” cho dự án.
“Dự án hoàn thành tốt đẹp không nói làm gì nhưng đến nay bị tạm dừng, gây thiệt hại lớn cho TISCO, bị cáo nhận thức trách nhiệm của mình như nào?”, chủ tọa hỏi. Bị cáo Diệp nói: “Hiện trạng dự án rất đau xót… Chúng tôi rất xót xa”.
Trả lời Viện kiểm sát, bị cáo Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TISCO, kế nhiệm ông Trần Trọng Mừng) cho biết, suy thoái kinh tế năm 2008 tác động rất lớn đến doanh nghiệp và các dự án, đặc biệt là biến động nguyên vật liệu xây dựng. Bị cáo nhận nhiệm vụ từ ngày 1/7/2009. Tất cả việc đàm phán, đề nghị, những chủ trương tháo gỡ khó khăn đã được các cấp và những người tiền nhiệm của bị cáo thực hiện hết rồi.
“Tôi không trốn trách nhiệm”, bị cáo nói thêm.