Vụ án giả mạo chữ ký Thủ tướng chấn động Trung Quốc
Vào khoảng 5 giờ 30 phút ngày 18 tháng 3 năm 1960, một người đàn ông trung niên mặc áo khoác len màu xám, dáng người cao gầy, nước da ngăm đen xuất hiện trong văn phòng của Chủ tịch Ngân hàng nhân dân Trung Quốc. Người này tự giới thiệu là người của Quốc vụ viện và cần đưa cho ông Chủ tịch ngân hàng một công văn khẩn của Văn phòng chủ tịch nước.
Lúc này, vị Chủ tịch ngân hàng đang đi công tác nên người thư ký đưa ông ta đến gặp Cục trưởng Vương, Cục trưởng Cục Kế hoạch của Ngân hàng. Cục trưởng Vương xem nội dung công văn và lập tức nghiêm túc thực hiện bởi vì đó là chỉ thị yêu cầu ngân hàng xuất tiền cho Văn phòng Chủ tịch nước có chữ ký phê duyệt của Thủ tướng Chu Ân Lai.
Nội dung công văn như sau:
“Thủ tướng: Văn phòng chủ tịch đã gọi điện cho Thủ tướng biết buổi thuyết giảng về Phật sống Tây Tạng sẽ được tổ chức vào lúc 9 giờ tối nay với sự có mặt của các phóng viên Trung Quốc và nước ngoài để làm một bộ phim tài liệu. Chủ tịch đã yêu cầu phân bổ một khoản kinh phí để sửa chữa đền chùa, như vậy mới thể hiện chính sách tự do dân tộc và tôn giáo của Chính phủ. Căn cứ vào tình hình trên, đề xuất phân bổ 150.000 đến 200.000 nhân dân tệ, liệu có được thông qua không?”
(Ngày 18 tháng 3 năm 1960)
Ở khoảng trống bên trái, có bút tích và chữ ký của Thủ tướng Chu Ân Lai: “Ngân hàng nhân dân Trung Quốc lập tức xuất khoản phân bổ 200.000 nhân dân tệ bằng tiền mặt”.
Bên phải chữ ký còn có một đoạn nhỏ phê chuẩn: “Để đề phòng các phóng viên tung tin sai sự thật:
1-Chúng tôi cần loại mệnh giá 10 nhân dân tệ tiền cũ đã lưu thông trên thị trường;
2- Mỗi bó tiền phải được đóng gói cẩn thận hơn và phải được chuyển đến khách sạn Dân Tộc trước 7 giờ tối giao cho ông Triệu Toàn Nhất thuộc Vụ Tôn giáo của Ủy ban công tác Tây Tạng”.
Cục trưởng Vương xem đi xem lại công văn và xác nhận đúng là chữ ký của Thủ tướng Chu Ân Lai nên vội ra lệnh cho cấp dưới chuẩn bị tiền nhưng sau đó Cục trưởng Vương cảm thấy sự việc có gì đó không đúng giống như chuyện “Tào Tháo giết Cái Hào và Trương Vân”, số tiền 200.000 tệ là rất lớn tại sao lại không thông qua Bộ Tài chính?
Đúng lúc này, nhân viên tổng đài lại gõ cửa nói rằng có người tự xưng là Văn phòng Thủ tướng cần gặp ông. Người ở đầu dây bên kia rất lịch sự hỏi Cục trưởng Vương đã nhận được công văn chưa và còn nói rằng Thủ tướng rất quan tâm đến tiến độ của nhiệm vụ này và yêu cầu phía ngân hàng phải cố gắng hết sức để hoàn thành đúng thời hạn. Cuộc gọi nhắc nhở này đã hoàn toàn xua tan mọi lo lắng và nghi ngờ của Cục trưởng Vương.
Một lần nữa Cục trưởng Vương lại truyền đạt tầm quan trọng của nhiệm vụ này cho cấp dưới của mình. Không lâu sau, bốn nhân viên ngân hàng nhân dân Trung Quốc khiêng hai bao tải đựng đầy tiền lên xe đi thẳng đến khách sạn Dân Tộc. Ở tiền sảnh khách sạn, một người đàn ông đứng lên từ chiếc ghế sô-pha tự xưng là Triệu Toàn Nhất, người của Ủy ban công tác Tây Tạng, ông ta cũng lấy ra một lá thư có đóng dấu “Văn phòng Thủ tướng Chính phủ” có nội dung:
“Tôi giới thiệu đồng chí Triệu Toàn Nhất là cán bộ Vụ Tôn giáo của Ủy ban công tác Tây Tạng đến ngân hàng để nhận khoản tiền phân bổ 200.000 nhân dân tệ”.
Trân trọng! Ngân hàng nhân dân Trung Quốc”.
Sau đó Triệu Toàn Nhất xé một tờ giấy trong cuốn sổ ghi giấy biên nhận số tiền và đi khỏi khách sạn đi với hai bao tải đầy tiền.
Vài ngày sau, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc liên lạc với Văn phòng Thủ tướng hỏi về khoản tiền và mới biết Ngân hàng đã bị lừa!
Vụ án làm chấn động cả Trung ương. Thủ tướng Chu Ân Lai khi ấy đã vô cùng bực tức và chỉ thị cho Bộ Công an phải nhanh chóng giải quyết vụ việc. Bộ Công an đã triển khai công tác điều tra vụ án đến các cơ quan công an trong cả nước, đây là cuộc tổng động viên toàn quốc chưa từng có kể từ khi thành lập nước Trung Hoa mới.
Khắp cả nước từ đông bắc đến tây nam, từ vùng thảo nguyên Tây Tạng đến các vùng ven biển, mọi miền đất nước đều biết: “Người đàn ông hơn 30 tuổi, dáng người trung bình, mặt tròn, nước da hơi ngăm đen, nói giọng miền bắc có bí danh là Triệu Toàn Nhất đã giả mạo chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai và lừa ngân hàng nhân dân Trung Quốc lấy 200.000 nhân dân tệ”.
Sở Công an thành phố Bắc Kinh đã thành lập ban chuyên án do đích thân giám đốc Phùng Cơ Bình chỉ huy. Quá trình điều tra để phá án không khó khăn lắm vì tên Triệu Toàn Nhất này để lại rất nhiều manh mối, chính hắn là người đến ngân hàng nhân dân Trung ương đưa công văn rồi sau đó lại đến khách sạn Dân Tộc nhận tiền.
Khi các điều tra viên tập trung điều tra manh mối từ chiếc phong bì và giấy tờ công văn thì phát hiện rằng chiếc phong bì mà mà tên tội phạm sử dụng để chứa công văn đúng là phong bì của Quốc vụ viện đã sử dụng. Con dấu vuông nhỏ “Văn phòng Thủ tướng” được khắc bằng sáp rồi đóng bằng mực dấu. Tờ giấy công văn có 15 dòng kẻ ngang là giấy được dùng trong các cơ quan lớn, còn tờ giấy biên nhận được xé ra từ một cuốn sổ bìa đen.
Căn cứ vào loại giấy của cuốn sổ thì nó được in ở nhà máy văn phòng phẩm Hằng Xương nhưng việc in ấn loại sổ này đã ngừng từ tháng 3 năm 1952. Tờ giấy kẻ ngang mà Triệu Toàn Nhất sử dụng không có bán trên thị trường mà là do cơ quan tự chế. Ngay sau đó các điều tra viên đã tìm ra chiếc phong bì của Quốc vụ viện được Quốc vụ viện dùng để gửi tài liệu cho Bộ Ngoại thương. Tại Văn phòng Bộ Ngoại thương, nhân viên nhanh chóng tìm thấy một số lượng lớn loại giấy kẻ ngang 15 dòng. Hóa ra đây là một trong những loại giấy chính thức được Bộ Ngoại thương thường sử dụng.
Theo những manh mối này, công an nhanh chóng xác định người phạm tội là nhân viên của Bộ Ngoại thương và đối tượng được đưa vào tầm ngắm là Vương Trác, cán bộ Cục Xuất khẩu. Ngày xảy ra vụ án, Vương Trác đã xin nghỉ phép với lý do đưa mẹ đến bệnh viện Tích Thủy Đàm khám bệnh nhưng khi công an đến điều tra thì hôm đó mẹ hắn không hề đến bệnh viện.
Vương Trác 36 tuổi, người huyện Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh; sống tại nhà số 3, phố Kiều Nam, Bắc Kinh. Năm 1948 hắn tốt nghiệp khoa Kinh tế Trường đại học Đông Bắc và làm nhân viên thu tiền kiêm kế toán ở Tòa án hình sự đặc biệt Bắc Bình hơn một tháng. Tháng 4 năm 1949, hắn đăng ký theo học tại Đại học cách mạng nhân dân Hoa Bắc và nhập ngũ vào tháng 8 năm đó. Tháng 2 năm 1950, hắn từ Thiểm Tây về Bắc Kinh. Năm 1951 hắn tự xin vào làm việc tại Tổng công ty xuất nhập khẩu Trung Quốc và đến tháng 9 năm 1952 được điều động đến làm việc tại Cục Xuất khẩu, Bộ Ngoại thương.
Điều tra viên tiến hành thẩm định các bút tích của Vương Trác và thấy rằng nét bút của hắn và nét bút viết trong công văn giả mạo là hoàn toàn giống nhau. Mặt khác ảnh chụp của hắn được các nhân viên ngân hàng xác nhận chính hắn là người đã đến ngân hàng đồng thời cũng là người nhận tiền ở khách sạn Dân Tộc. Khi chứng cớ đã đầy đủ, lệnh bắt Vương Trác được thi hành vào ngày mùng 3 tháng 4, quá trình bắt giữ hắn diễn ra thuận lợi, số tiền thu được ở nhà hắn là 192.000 tệ, còn 8.000 tệ đã bị hai mẹ con hắn tiêu hủy.
Trên thực tế, từ lâu Vương Trác đã có ý tưởng làm việc xấu. Trong lễ hội mùa xuân năm 1950, một lần đến hội trường Bộ Công an để xem biểu diễn xiếc khi nhìn thấy đề tự và chữ ký của Thủ tướng Chu Ân Lai ở trên tường hắn đã lấy một mảnh giấy và sao lại.
Khi về nhà hắn tập viết chữ ký của Thủ tướng nhiều lần, nói một cách khác là ngay từ 10 năm trước, Vương Trác đã bắt đầu chuẩn bị kế hoạch gây án. Tháng 3 năm 1959, Thủ tướng Chu Ân Lai đích thân sắp xếp kế hoạch công tác ngoại thương cho các tỉnh, các bộ và hắn đã muốn lợi dụng danh nghĩa Thủ tướng để trục lợi. Trong thời gian làm việc ở Cục Xuất khẩu, Bộ Ngoại thương, hắn nhiều lần tiếp xúc với các văn bản của Thủ tướng Chính phủ và thấy rằng cả Bộ ngoại thương và ngân hàng đều chấp hành rất nghiêm túc, rất nhanh nên hắn nảy ra ý định giả mạo chữ ký của Thủ tướng Chu Ân Lai để lừa ngân hàng một khoản tiền lớn.
Khi làm giả công văn, giấy giới thiệu và các tài liệu để lừa bịp, Vương Trác đã suy nghĩ rất kỹ càng rồi từng bước sắp đặt, trong công văn hắn còn cố tình thiết kế “cuộc gọi từ Văn phòng Chủ tịch” vì hắn cho rằng chỉ thị của Văn phòng Chủ tịch thì không ai nghi ngờ hoặc hỏi han gì nữa.
Hắn chủ ý chỉ lấy loại tiền 10 tệ tiền cũ đang lưu hành vì tờ tiền 10 tệ là tờ tiền mệnh giá lớn nhất thời bấy giờ và những tờ tiền cũ số seri không thứ tự nên rất khó bị chú ý khi lưu thông. “Phải giao tiền ở khách sạn trước 7 giờ tối”, thời gian và địa điểm này cũng được hắn thiết kế cẩn thận. Vương Trác đặc biệt chọn giao tiền vào lúc 6 giờ ngày thứ 6 vì lúc này nhân viên ngân hàng vội xuống ban nên buông lỏng cảnh giác và thời điểm nhập nhẹm tối hắn chở tiền đi không ai để ý.
Sau khi lấy được tiền Vương Trác đã dùng xe đạp chở hai bao tải tiền nặng gần 200 kg trở về nhà. Nhưng sau khi về nhà hắn thấy mình không thể tiêu được khoản tiền này vì công an đang ráo riết truy tìm, điều tra vụ án này. Để tiêu hủy chứng cứ, Vương Trác đành phải đốt bỏ tiền, vì vậy, vào các ngày 24, 27 và 28 tháng 3 năm 1960 hắn cùng với bà mẹ làm một cái lò ở sân và tiến hành đốt bớt tiền từ chập tối cho đến tận sáng sớm hôm sau nhưng khi Vương Trác chưa kịp đốt hết số tiền đó thì hắn đã bị bắt. Ngày 28 tháng 7 năm 1960, Tòa án nhân dân Bắc Kinh kết án tử hình Vương Trác vì tội lừa đảo phản cách mạng, mẹ của hắn bị kết án 15 năm tù vì tội che giấu và tiếp tay cho kẻ lừa đảo phản cách mạng.