Vụ án giao đất 'vàng' số 8-12 Lê Duẩn: Ông Nguyễn Thành Tài chịu trách nhiệm chính
Đại diện VKSND TP HCM đề nghị tòa phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, từ 8-9 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí
Chiều 17-9, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thành Tài cùng đồng phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí hơn 1.900 tỉ đồng bước sang phần tranh luận. Đại diện VKSND TP HCM nêu quan điểm và đề nghị mức hình phạt đối với các bị cáo.
Đất công về tay tư nhân
Đại diện VKS đề nghị tòa án phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài từ 8-9 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Cùng tội danh này, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Lavenue) bị đề nghị từ 7-8 năm tù. Tương tự, đại diện VKS đưa ra khung hình phạt từ 6-7 năm tù đối với bị cáo Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM; từ 5-6 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Hoài Nam, nguyên Bí thư Quận ủy quận 2; từ 3-4 năm tù giam đối với bị cáo Trương Văn Út, nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất thuộc Sở TN-MT TP.
Đại diện cơ quan công tố cáo buộc bị cáo Nguyễn Thành Tài cùng thuộc cấp giao khu nhà, đất ở địa chỉ số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP HCM) trái luật gây thất thoát, lãng phí hơn 1.900 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Tài ký nhiều văn bản vi phạm pháp luật với mục đích chuyển quyền sở hữu khu đất số 8-12 Lê Duẩn từ sở hữu nhà nước sang sở hữu doanh nghiệp tư nhân. Lê Thị Thanh Thúy dùng tình cảm cá nhân tác động đến nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP. Từ đó, bị cáo Tài ưu ái, tạo điều kiện giúp Thúy góp vốn đầu tư dự án xây dựng khách sạn 5 sao trên khu đất "vàng". Vì mối quan hệ cá nhân, mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự án nên bị cáo Tài ký nhanh, ký nhiều văn bản chỉ đạo trái quy định. "Những việc làm trên để lại hậu quả nặng nề - đất thuộc quyền sở hữu nhà nước dễ dàng về tay doanh nghiệp tư nhân; khiến nhà nước lãng phí, thất thoát hơn 1.900 tỉ đồng. Bị cáo phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án" - người thừa hành quyền công tố tại tòa nhấn mạnh.
Riêng bị cáo Thúy không thừa nhận hành vi lợi dụng mối quan hệ với ông Nguyễn Thành Tài. Tuy nhiên, bị cáo này thú nhận bản thân ký một số văn bản trái luật trong quá trình góp vốn, triển khai dự án. Vì thế, cơ quan công tố đủ căn cứ kết luận bị cáo Thúy vi phạm pháp luật. Nữ bị cáo là đồng phạm với vai trò xúi giục, là người hưởng lợi từ văn bản trái pháp luật mà bị cáo Tài ký ban hành. Do đó, bị cáo chịu trách nhiệm gần tương đương với bị cáo Tài. Những bị cáo khác có trình độ, năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý đất đai nhưng cũng vẫn mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng.
Chưa gây thiệt hại (!?)
Đối đáp cơ quan công tố, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài cho rằng quyết định chấp nhận doanh nghiệp (do bị cáo Lê Thị Thanh Thúy điều hành) đầu tư vào dự án xuất phát từ đề xuất Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP HCM (Công ty QLKDN). Đây là đơn vị nhận nhiệm vụ tìm kiếm đối tác, phát triển dự án trên khu đất "vàng" số 8-12 Lê Duẩn. Công ty QLKDN thông báo tình trạng thiếu vốn cũng như đề xuất UBND TP chấp thuận việc bà Thúy rót vốn vào dự án.
Nhận đề xuất trên, bị cáo Tài có đề nghị Sở TN-MT TP, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, tham mưu giải pháp. Bị cáo Tài ký văn bản chấp thuận đề xuất của Công ty QLKDN vì cơ quan tham mưu không những không phản đối mà còn đồng tình với nội dung đề xuất. Từ đó, luật sư khẳng định bị cáo Tài bị động suốt quá trình chỉ đạo, đôn đốc dự án. "Những quyết sách do bị cáo Tài đưa ra, chỉ đạo thực hiện chưa gây thiệt hại cho nhà nước trên thực tế" - luật sư nói thêm.
Đối với vấn đề thiệt hại trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thành Tài trần tình bị cáo ký quyết định cho thuê đất 50 năm. Vì vậy, nhà nước không mất quyền sở hữu khu đất ở địa chỉ số 8 Lê Duẩn. Thời điểm giao đất, doanh nghiệp đã nộp tiền vào ngân sách. Về khu đất ở địa chỉ số 8 Lê Duẩn, bị cáo Tài giải thích rằng thiệt hại chưa xảy ra.
Trái lại, đại diện VKSND TP nhận thấy vụ án chưa xảy ra thiệt hại trên thực tế vì cơ quan chức năng kịp thời phát hiện sai phạm, ngăn chặn và thu hồi tài sản. Về vấn đề trên, cơ quan công tố giữ nguyên đề nghị tòa án thu hồi tài sản, trả lại cho nhà nước.
Hôm nay (18-9), đại diện cơ quan công tố bắt đầu đối đáp với luật sư.
Buông lỏng quản lý tài sản công
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra nhận thấy đơn vị quản lý đất đai, công sản còn buông lỏng trong kiểm tra, giám sát, hậu kiểm. Mặt khác, quy định pháp luật tồn tại nhiều kẽ hở, từ đó không ít cá nhân lợi dụng, "lách" luật bằng cách liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân. Họ cố tình áp dụng không đúng quy định về quản lý, sử dụng nhà, đất công sản; từng bước chuyển quyền sở hữu tài sản nhà nước vào tay tư nhân. Không chỉ vụ án nói trên, tình trạng như vậy xảy ra ở rất nhiều nhà, đất công sản khác trên địa bàn TP HCM.