Vụ án làm sáng tỏ định kiến nhằm vào người bạch tạng ở Malawi
Một phiên tòa xét xử thu hút sự chú ý đặc biệt ở Malawi trong tuần này là 12 đối tượng gồm một linh mục Công giáo, một sĩ quan cảnh sát và 10 người khác bị tuyên án tù vì gây ra vụ sát hại một người đàn ông mắc bệnh bạch tạng vào năm 2018.
MacDonald Masambuka, một thanh niên 22 tuổi bị bệnh bạch tạng ở quận Machinga phía Nam Malawi, mất tích vào ngày 9-3-2018. Ba tuần sau, thi thể của anh được tìm thấy trong tình trạng không còn nguyên vẹn. Sau đó, có thông tin nổi lên rằng một nhóm đối tượng đã có ý định bán các bộ phận thi thể của nạn nhân để kiếm lời.
Masambuka được cho là bị dụ ra khỏi nhà rằng sẽ tìm vợ cho anh. Phải mất 4 năm để công lý được thực thi kể từ ngày mà Masambuka bước vào “bẫy chết chóc”, như lời thẩm phán Dorothy NyaKaunda Kamanga nói tại tòa. Bà Kamanga đã đưa ra phán quyết tại thành phố Blantyre, phía Nam thành phố Blantyre, cách Thủ đô Lilongwe khoảng 300km (180 dặm) về phía đông nam. Đây là lần đầu tiên phiên tòa xét xử vụ án sát hại người mắc chứng bệnh bạch tạng có tới 12 bị cáo liên quan. Một trong những kẻ đồng phạm là anh ruột của nạn nhân.
Công tố viên bang Malawi Pilirani Masanjala đã ca ngợi rằng, bản án thiết lập một tiền lệ đầy hứa hẹn. Ông Masanjala nói: “Về mặt tư pháp, nó đảm bảo rằng tất cả những người liên quan đến những loại tội ác tày trời này sẽ phải đối mặt với luật pháp. Đó là một dấu hiệu tốt cho chúng tôi với tư cách là các cơ quan thực thi pháp luật”. Tổ chức Ân xá Quốc tế hoan nghênh phán quyết đối với 12 đối tượng nhưng nhấn mạnh rằng, hệ thống tư pháp hình sự của Malawi “phải được củng cố để các vụ việc này được điều tra kỹ lưỡng, độc lập, minh bạch, hiệu quả và thủ phạm phải chịu trách nhiệm cho những tội ác mà chúng gây ra”.
Mắc bệnh bạch tạng đôi khi đồng nghĩa với bản án tử hình ở một số vùng của châu Phi cận Sahara, nơi theo tạp chí y khoa The Lancet, cứ 5.000 người thì có 1 người sinh ra với tình trạng da này. Từ ngày sinh ra, những người mắc bệnh bạch tạng phải ẩn mình trong bóng tối. Họ bị chế giễu vì làn da trắng mỏng manh, bị tẩy chay khỏi cuộc sống cộng đồng và bị ngược đãi. Đến mức cực đoan, họ có thể bị xua đuổi, bị sát hại để lấy một vài bộ phận thân thể vì tin rằng, chúng gắn với yếu tố ma thuật hay khả năng chữa bệnh. Thậm chí, những điều mê tín dị đoan về những người mắc bệnh bạch tạng còn dẫn đến việc sát hại trẻ em mới 2 tuổi. Mà tội của họ là gì? Đơn giản là cơ thể họ không có khả năng sản xuất melanin bẩm sinh.
Trên khắp châu Phi, các cuộc tấn công đặc biệt phổ biến ở Malawi, Zambia, Zimbabwe, Nam Phi, Tanzania... Nhưng các chiến dịch công khai và việc ngày càng nhiều người mắc bệnh bạch tạng giữ các vị trí có ảnh hưởng và lãnh đạo đang bắt đầu thay đổi quan niệm xã hội. Đơn cử, ông Abdallah Possi, Đại sứ Tanzania tại Đức và anh trai đều sinh ra với làn da bạch tạng. Ngoài ngoài khía cạnh xã hội, họ cũng chịu một số rủi ro sức khỏe nhất định, như xu hướng mắc ung thư da cao hơn. Ông Possi nói rằng, có những lúc ông bị kỳ thị, phân biệt đối xử và thậm chí là bạo lực nhưng may mắn là luôn được gia đình ủng hộ. Ông cũng lý giải rằng, một số điều mê tín dị đoan có thể không phải do tín ngưỡng huyền bí cổ xưa mà là biểu hiện của sự nghèo đói tàn khốc ở một số vùng của Tanzania. “Tất nhiên, có người tin rằng nếu có các bộ phận cơ thể người bạch tạng, họ có thể trở nên giàu có. Nhưng hãy lưu ý về định nghĩa sự giàu có: Có nơi nhà được lợp mái tôn cũng được coi là rất giàu”, Đại sứ Abdallah Possi nói.