Vụ án liên quan đến Cục Đăng kiểm Việt Nam: Nhiều bị cáo khai nhận hối lộ do áp lực về kinh phí hoạt động

Ngày 30/7, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo có hành vi sai phạm xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm khối tư nhân (khối D) trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm địa phương.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Trả lời xét hỏi, bị cáo Trần Việt Hùng, cựu Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-08D khai nhận, do áp lực trong việc duy trì kinh phí hoạt động của trung tâm nên đã đưa ra chủ trương nhận tiền để bỏ qua lỗi phương tiện cho các chủ phương tiện đến đăng kiểm. Bị cáo Hùng cũng cho biết, bị cáo chỉ nói miệng khi truyền đạt chủ trương nhận tiền này đến cấp dưới. Các đăng kiểm viên trực thuộc Trung tâm Đăng kiểm 50-08D đều thừa nhận hành vi phạm tội và số tiền phải chịu trách nhiệm.

Cáo trạng xác định, số tiền nhận hối lộ đối với hoạt động đăng kiểm định kỳ và nghiệm thu xe cơ giới cải tạo tại Trung tâm Đăng kiểm 50-08D là 271 triệu đồng. Trong quá trình mua trang thiết bị cho trung tâm, bị cáo Trần Việt Hùng còn nhận hối lộ 225 triệu đồng từ cựu Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nét để tạo điều kiện cho công ty trúng gói thầu cung cấp trang thiết bị đăng kiểm tại trung tâm. Tổng số tiền nhận hối lộ mà bị cáo Hùng phải chịu trách nhiệm là 496 triệu đồng. Quá trình điều tra, bị cáo Hùng đã nộp lại hơn 300 triệu đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, phần lớn các bị cáo tại Trung tâm Đăng kiểm 50-08D đã chủ động làm đơn tự thú, khai nhận hành vi phạm tội ngay khi cơ quan điều tra tiến hành điều tra. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội. Ngoài ra, 7 bị cáo của trung tâm này đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân ghi nhận cho các bị cáo được xem xét tình tiết giảm nhẹ là “Người phạm tội tự thú”, quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 và không tiến hành xét hỏi thêm.

Đối với Trung tâm Đăng kiểm 50-10D, cáo trạng xác định, trung tâm này đề ra chủ trương nhận tiền để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn của phương tiện với mức tiền từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy vào từng loại phương tiện; nếu gặp phương tiện quá cũ hoặc có lỗi nặng, có dấu hiệu cơi nới thùng thì thu từ 1 - 2 triệu đồng. Tỷ lệ ăn chia số tiền hối lộ này là 30% cho đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ, 70% còn lại do cựu Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Đảng trực tiếp quản lý.

Cơ quan tố tụng xác định tổng số tiền nhận hối lộ từ các chủ phương tiện đến đăng kiểm trong thời gian từ tháng 10/2017 đến ngày 5/12/2022 tại trung tâm 50-10D là 18,1 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Đảng cùng các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, Đảng khai khi đó bản thân chỉ nghĩ đây là tiền bồi dưỡng từ chủ phương tiện, không nghĩ là tiền nhận hối lộ.

Đáng lưu ý, trong những phiên thẩm vấn vừa qua, có nhiều bị cáo thừa nhận hành vi nhận tiền sai phạm nhưng cho rằng cách tính toán số tiền bị cáo phải chịu trách nhiệm như trong nội dung cáo trạng truy tố là chưa hoàn toàn chính xác. Nhiều bị cáo cho biết, bản thân được hưởng lợi số tiền thấp hơn số thể hiện trên cáo trạng, mong được Hội đồng xét xử xem xét lại.

Về vấn đề trên, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, các số liệu mà Viện đã cáo buộc với các bị cáo là dựa vào những số liệu thực tế đã thu thập được tại các trung tâm và nêu rất rõ trong cáo trạng. Số liệu cho đến hiện tại không có thay đổi gì, trừ trường hợp nào có sai sót hoặc có điều chỉnh thì Viện đã đính chính. Các bị cáo cũng đều thừa nhận số tiền hưởng lợi như cáo trạng đã quy kết, đều đã nộp lại số tiền mà bị cáo cho là mình hưởng lợi. Do vậy, đến thời điểm này Viện Kiểm sát không có căn cứ để xem xét lại số liệu đối với các bị cáo.

Bên cạnh đó, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, số tiền thu lợi bất chính được mỗi bị cáo là đăng kiểm viên tại các trung tâm đăng kiểm nhận từ chủ phương tiện để bỏ qua lỗi rồi gộp vào một khoản chung. Trưởng dây chuyền đăng kiểm tại mỗi trung tâm là người nhận, giữ đến cuối tuần mới chia. Do vậy, tất cả các bị cáo khi đã bị quy kết trách nhiệm hình sự đều phải chịu trách nhiệm chung cho số tiền mà các bị cáo khác cùng nhận. Còn trách nhiệm cụ thể về số tiền hưởng lợi đối với từng bị cáo, Viện Kiểm sát đã nêu rõ đối với mỗi bị cáo.

Đặc biệt, các bị cáo ở vai trò thực hiện nhiệm vụ tại các trạm đăng kiểm nhóm V (trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) có trách nhiệm cao hơn so với các bị cáo ở trạm đăng kiểm nhóm D (trung tâm đăng kiểm tư nhân) vì các bị cáo thực hiện, chịu trách nhiệm về công tác quản lý Nhà nước, được Nhà nước phân công nhiệm vụ. Ngoài ra, trong các trạm đăng kiểm nhóm V, rất nhiều bị cáo là Đảng viên nên vai trò trách nhiệm phải cao hơn nữa.

Như vậy, tính đến hiện tại, Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi được một nửa số bị cáo trong vụ án. Các bị cáo là ban giám đốc, đăng kiểm viên thuộc các trung tâm đăng kiểm khối V (trực thuộc Cục đăng kiểm) và những bị cáo là các công ty cải tạo xe cơ giới đã xét hỏi xong. Những ngày tiếp theo, Hội đồng xét xử tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo còn lại thuộc các trung tâm đăng kiểm khối tư nhân.

Tin, ảnh: Hồng Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phap-luat/vu-an-lien-quan-den-cuc-dang-kiem-viet-nam-nhieu-bi-cao-khai-nhan-hoi-lo-do-ap-luc-ve-kinh-phi-hoat-dong-20240730194747842.htm