Vụ án oan chấn động Na Uy: Người vô tội bỗng dưng bị ngồi tù hơn 20 năm
Tổng chưởng lý Na Uy Jorn Sigurd Maurud vừa bày tỏ rất lấy làm tiếc với trường hợp Viggo Kristiansen, 43 tuổi đã phải ngồi tù hơn 20 năm vì 'sự bất công đã gây ra'.
Vụ án đã gây chấn động Na Uy: vào tháng 5. 2000, thi thể của bé Stine Sofie Sorstronen 8 tuổi và Lena Slögedal Paulsen 10 tuổi được tìm thấy. Cơ quan điều tra kết luận 2 bé gái bị hãm hiếp và sát hại sau khi trở về từ hồ tắm ở khu giải trí Baneheia gần Kristiansand. Hai người đàn ông bị bắt sau đó là: Jan Helge Andersen và Viggo Kristiansen.
Mặc dù Kristiansen luôn phản đối những lời buộc tội nhưng anh ta đã bị kết án trong hai phiên tòa vào năm 2001 và 2002 với mức án tối đa vào thời điểm đó là 21 năm với khả năng bị giam giữ thêm dựa trên lời khai của đồng phạm Andersen.
Tuy nhiên, phiên xét xử lại vào năm ngoái đã làm dấy lên những nghi ngờ nghiêm trọng về lời khai của Andersen, người đã buộc tội nặng nề đối với người bạn Kristiansen và nhận mức án nhẹ hơn là 19 năm tù nhờ hợp tác với cảnh sát. Bằng chứng DNA phản bác các luận điểm về cáo buộc thủ phạm, và điện thoại di động của Kristiansen ở rất xa hiện trường vụ án vào thời điểm anh bị cáo buộc gây án.
Tổng chưởng lý Maurud nói với các nhà báo: Vụ án "để lại hậu quả bi thảm sâu sắc, đặc biệt là đối với Viggo Kristiansen, người đã thụ án hơn 20 năm tù, tước đi phần lớn thời gian cuộc đời của anh ta và những người thân của anh ta". Đồng thời, ông tuyên bố điều tra thêm đối với Andersen.
Mặc dù việc tuyên bố trắng án với Kristiansen vẫn còn đang chờ xử lý, nhưng đó chỉ là hình thức. Theo luật sư, thân chủ của mình có thể yêu cầu nhà nước Na Uy bồi thường số tiền tương đương hơn 3 triệu euro.
Giới lãnh đạo cảnh sát Na Uy và cảnh sát đặc khu tiến hành cuộc điều tra cũng xin được tha lỗi. Bộ trưởng Tư pháp Emilie Enger Mehl đã công bố một cuộc điều tra độc lập về sự thất bại có thể xảy ra của cảnh sát và cơ quan tư pháp. Bà Mehl khẳng định: Nếu Tòa phúc thẩm thực sự tuyên trắng án cho Kristiansen, vụ án sẽ là "một trong những vụ bê bối tư pháp lớn nhất”.