Vụ án Sài Gòn Đại Ninh: Điển hình về sự câu kết của các đối tượng trong và ngoài Nhà nước vì động cơ vụ lợi

Đại diện Viện kiểm sát nhận định, vụ án này là một điển hình sai phạm trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, có sự câu kết của các đối tượng trong và ngoài Nhà nước vì động cơ vụ lợi.

Sáng 17/1, sau hơn 1 ngày xét xử, phiên tòa xét xử 10 bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan chuyển sang phần tranh luận.

Đại diện Viện kiểm sát đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

 Đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội. Ảnh: Hồng Nguyên

Đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội. Ảnh: Hồng Nguyên

Theo đại diện Viện kiểm sát, các bị cáo trong vụ án đều là những người có trình độ, nhận thức pháp luật, nhận thức xã hội; có bị cáo giữ chức vụ lãnh đạo tại Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và Thanh tra Chính phủ, có bị cáo học hàm - học vị cao, nên có đầy đủ năng lực để nhận thức được những hành vi nào phù hợp với quy định của pháp luật, và những hành vi nào trái với quy định của pháp luật.

Khi thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật, gây ra hậu quả, thì cá nhân thực hiện hành vi, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, chỉ vì vụ lợi, vì động cơ cá nhân, các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội.

Quá trình thực hiện Dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh có nhiều vi phạm Luật Đất đai 2013 và Luật Đầu tư 2014 thuộc các trường hợp thu hồi đất, chấm dứt hoạt động của Dự án. Do vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi dự án theo Kết luận thanh tra số 929 ngày 12/6/2020 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí. Ảnh: Hồng Nguyên

Bị cáo Nguyễn Cao Trí. Ảnh: Hồng Nguyên

Mặc dù bị cáo Nguyễn Cao Trí biết Dự án Đại Ninh bị kiến nghị thu hồi nhưng vẫn thỏa thuận với bà Phan Thị Hoa về việc mua Dự án Đại Ninh thông qua việc mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh;

Đồng thời, Nguyễn Cao Trí lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với các bị cáo tại Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm thực hiện hành vi thay đổi, điều chỉnh trái pháp luật các quyết định đúng đắn của Nhà nước trong việc xử lý sai phạm, thu hồi Dự án Đại Ninh thành không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện Dự án để Nguyễn Cao Trí chuyển nhượng dự án và trục lợi.

Hành vi của các bị cáo đã gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, toàn bộ Dự án đáng lẽ được thu hồi cho Nhà nước, nhưng Nguyễn Cao Trí đã bán cho Công ty Thiên Vương, với giá trị thực tế là 27.600 tỉ đồng; trong đó, hưởng lợi bất chính 2.700 tỉ đồng. Ngoài ra, còn gây hậu quả khác cho xã hội, gây bức xúc dư luận.

 Bị cáo Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) được đề nghị từ 24 – 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ảnh: Hồng Nguyên

Bị cáo Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) được đề nghị từ 24 – 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ảnh: Hồng Nguyên

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, việc phát hiện, xử lý vụ án góp phần quan trọng trong việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, tội phạm tham nhũng, kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Vụ án này là một điển hình sai phạm trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, có sự câu kết của các đối tượng trong và ngoài Nhà nước vì động cơ vụ lợi.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo phạm tội và mức hình phạt cụ thể như sau:

Bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh) bị đề nghị xử phạt từ 3 - 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp với mức án 6 năm tù trước đó tuyên phạt Trí về tội “Chiếm đoạt tài sản”, buộc bị cáo Nguyễn Cao Trí phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án.

 Bị cáo Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng). Ảnh: Hồng Nguyên

Bị cáo Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng). Ảnh: Hồng Nguyên

Bị cáo Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) từ 7 - 8 năm tù; bị cáo Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng) từ 5 - 6 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.

 Bị cáo Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Hồng Nguyên

Bị cáo Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Hồng Nguyên

Các bị cáo Lê Quốc Khanh (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II), Thanh tra Chính phủ) từ 4 - 5 năm tù; Bị cáo Hoàng Văn Xuân (cựu Thanh tra viên chính Cục II, Thanh tra Chính phủ) từ 3 - 4 năm tù; Bị cáo Nguyễn Ngọc Ánh (cựu Thanh tra viên chính, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng) từ 3 - 4 năm tù; bị cáo Nguyễn Nho Định (cựu Thanh tra viên Cục II, Thanh tra Chính phủ) từ 2 - 3 năm tù cùng về tội về tội “Nhận hối lộ”.

Các bị cáo Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) từ 24 - 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo;

Bị cáo Trần Bích Ngọc (cựu Vụ trưởng Vụ theo dõi công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I), Văn phòng Chính phủ) bị đề nghị xử phạt thời hạn tù bằng thời gian tạm;

Bị cáo Nguyễn Hồng Giang (cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ) từ 24 - 36 tháng tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Vũ Phương- Hồng Nguyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/vu-an-sai-gon-dai-ninh-dien-hinh-ve-su-cau-ket-cua-cac-doi-tuong-trong-va-ngoai-nha-nuoc-vi-dong-co-vu-loi-171696.html