Vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam: làm giả hàng nghìn hồ sơ kiểm định
Việc nhận hối lộ của người đến đăng kiểm phương tiện đã xảy ra từ lâu tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) khối V thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) quản lý...
Từng nhận hối lộ, được bật “đèn xanh”… nhận tiếp
Tại TTĐK 50-06V, do Nguyễn Thanh Long làm Giám đốc từ giai đoạn tháng 8/2018 - 10/2022, đã có chủ trương để đăng kiểm viên nhận hối lộ bỏ qua lỗi, khiếm khuyết của phương tiện khi đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm. Tiền nhận hối lộ được chia cho lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên và chung chi cho Cục trưởng Cục ĐKVN Trần Kỳ Hình.
Đến khi Đặng Việt Hà lên làm Cục trưởng, giai đoạn từ tháng 4/2022 - 10/2022, cũng như các TTĐK khối V khác, TTĐK 50-06V nộp tiền cho Hà theo số lượng phương tiện đến TTĐK. Do đó, Ban Giám đốc TTĐK cùng các đăng kiểm viên thống nhất… tiếp tục nhận tiền của chủ phương tiện, doanh nghiệp, cá nhân và môi giới để bỏ qua các lỗi vi phạm “không đạt” của phương tiện, hoặc nhận tiền rồi hợp thức hóa hồ sơ để đăng kiểm “đạt”. Số tiền TTĐK 50-06V nhận hối lộ là 18,845 tỷ đồng.
Tiền hối lộ nhận được Nguyễn Thanh Long đưa Trần Kỳ Hình 251.950.000 đồng, Đặng Việt Hà 300.977.500 đồng, còn lại chia cho Ban Giám đốc, đăng kiểm viên… theo quy ước. Do Nguyễn Thanh Long đưa ra chủ trương nhận hối lộ và thực hiện chủ trương của Đặng Việt Hà, nên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “nhận hối lộ” tại TTĐK 50-06V là 18.845.000.000 đồng, Long hưởng lợi bất chính 1.179.400.000 đồng.
Đối với Nguyễn Doãn Hồng - Phó Giám đốc TTĐK, chịu trách nhiệm số tiền nhận hối lộ 9.641.300.000 đồng, hưởng lợi 620,5 triệu đồng. Còn Phó Giám đốc Nguyễn Thành Long, chịu trách nhiệm số tiền 1,584 tỷ đồng, hưởng lợi 79,2 triệu đồng; và tiền nhận hối lộ tại TTĐK 50-07V là 3.420.900.000 đồng, hưởng lợi 392,9 triệu đồng; tổng số tiền Nguyễn Thành Long nhận hối lộ hơn 5 tỷ đồng, hưởng lợi 472 triệu đồng.
Các bị cáo là đăng kiểm viên bậc cao, đăng kiểm viên tại TTĐK 50-06V dù chỉ thực hiện 1 công đoạn trong chuyền, chỉ bỏ lỗi ở công đoạn của mình, số tiền nhận được các đăng kiểm viên nộp chung để cuối ngày, cuối tuần hoặc cuối tháng chia nhau, nên phải chịu trách nhiệm chung về số tiền nhận hối lộ tại TTĐK từ 6-6,3 tỷ đồng/bị cáo.
Trong đó, Nguyễn Văn Sang hưởng lợi 425 triệu đồng; Nguyễn Việt Thái Anh hưởng lợi 421.350.000 đồng; Bùi Minh Triết hưởng lợi 453.950.000 đồng; Nguyễn Đình Khởi hưởng lợi 456 triệu đồng; các bị cáo cùng hưởng lợi số tiền như nhau 413,6 triệu đồng là Phạm Hải Sơn, Võ Văn Mẫn, Nguyễn Phước Long.
Nhận hối lộ, giả chữ ký để nghiệm thu “khống” gần 1.000 xe
Tương tự, tại TTĐK 50-07V, lãnh đạo và đăng kiểm viên cũng thực hiện chủ trương của Giám đốc Ngô Ngọc Sơn nhận tiền hối lộ và thực hiện chủ trương của Đặng Việt Hà là phải chung tiền cho Hà dựa trên phương tiện đăng kiểm. Số tiền nhận hối lộ tại TTĐK này là 13.260.600.000 đồng, được chia cho Ban Giám đốc, đăng kiểm viên, nhân viên và nộp cho Trần Kỳ Hình 680 triệu đồng, Đặng Việt Hà 357 triệu đồng. Ngoài ra, TTĐK 50-07V cũng có hành vi “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” để hợp thức hóa hồ sơ kiểm định.
Với vai trò là Giám đốc TTĐK 50-07V, Ngô Ngọc Sơn chịu trách nhiệm chính đối với toàn bộ sai phạm đây. Về chủ trương nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi khi kiểm tra phương tiện, Sơn thống nhất với Trần Hữu Thông, Nguyễn Hồng Quang (cả 2 là Phó Giám đốc TTĐK) cùng đăng kiểm viên. Số tiền từ mỗi loại xe do đăng kiểm viên nhận, cuối mỗi ngày trưởng chuyền thống kê để cuối tuần chia nhau. Mỗi ngày mỗi chuyền phải trích 2 triệu đồng, mỗi tháng 40 triệu đồng đưa cho Sơn chung chi cho Cục trưởng Cục ĐKVN, số còn lại chia nhau.
Do đó, Sơn, Thông, Quang chịu trách nhiệm về việc nhận hối lộ tại TTĐK là 13,260 tỷ đồng; trong đó, Sơn hưởng lợi bất chính 800 triệu đồng, Thông hưởng 695 triệu đồng và Quang hưởng 720 triệu đồng. Các bị cáo là đăng kiểm viên bậc cao kiêm trưởng chuyền chịu trách nhiệm về hành vi nhận hối lộ tại TTĐK từ 2 - 4,8 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hàng trăm triệu đồng, gồm: Diệp Hồng Đoàn (1,548 tỷ đồng), Dương Minh Phú (288 triệu đồng), Hoàng Văn Hạng (245 triệu đồng), Vũ Ngọc Nhân (244 triệu đồng), Phạm Phúc Lợi (240 triệu đồng), Đậu Đức Vũ (174 triệu đồng), Phạm Ngọc Hoan (211 triệu đồng).
Ngoài ra, trong công tác nghiệm thu xe cải tạo, các bị cáo bị xét xử thêm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, vì ký giả chữ ký đại diện cơ sở thi công trong “Biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo” để hoàn tất hồ sơ nghiệm thu khống và nhận tiền, gồm: Phạm Phúc Lợi (19 hồ sơ), Diệp Hồng Đoàn (283 hồ sơ), Đậu Đức Vũ (288 hồ sơ), Phạm Ngọc Hoan (264 hồ sơ).
Ngoài tội “Nhận hối lộ”, còn bị xét xử tội khác
Tại TTĐK 50-06V, ngoài việc nhận hối lộ, các bị cáo còn “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” để hợp thức hóa hồ sơ kiểm định.
Giám đốc Nguyễn Thanh Long mua của Lương Duy Tựu 221 bộ hồ sơ khống gồm “Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo” và “Văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo” trên giấy A4 trắng, rồi chỉ đạo Nguyễn Đình Khởi in nội dung lên các tờ giấy để hợp thức hóa 221 phương tiện. Do đó, Long còn bị xét xử tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; còn Khởi cũng bị xét xử thêm 2 tội danh như Long.
Đối với Nguyễn Doãn Hồng sử dụng 185 hồ sơ giả để hợp thức hóa nghiệm thu phương tiện cải tạo, bị xét xử tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Cùng tội danh với Hồng, còn có các bị cáo: Nguyễn Văn Sang (36 hồ sơ); Nguyễn Việt Thái Anh (21 hồ sơ); Bùi Minh Triết (109 hồ sơ).