Vụ án tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D: Cựu giám đốc lãnh 7 năm tù về tội nhận hối lộ

Chỉ vì muốn có thêm thu nhập mà các bị cáo đã nhận hối lộ từ các chủ xe cơ giới đi đăng kiểm. Lòng tham nhất thời đã đẩy các bị cáo vào chốn lao tù, bỏ lại cha mẹ già, vợ và con thơ không nơi nương tựa.

Phiên tòa xét xử vụ án ngày 7-10. Ảnh: T.Tâm

Phiên tòa xét xử vụ án ngày 7-10. Ảnh: T.Tâm

Bài học đắt giá

Sau nhiều ngày nghị án, vào ngày 7-10, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt cựu Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D, chi nhánh Công ty TNHH Quốc Tuấn Trung (gọi tắt Trung tâm Đăng kiểm 60-04D, phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) Lương Minh Tú (43 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) 7 năm tù về tội nhận hối lộ.

Cùng tội danh nhận hối lộ, các bị cáo nguyên là đăng kiểm viên gồm: Lê Văn Lộc (45 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh); Trần Đức Duy (33 tuổi, ngụ phường An Bình, thành phố Biên Hòa); Lê Khánh Phương (42 tuổi, ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) bị tuyên phạt mức án từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tù/bị cáo.

8 bị cáo khác liên quan trong vụ án cũng bị tuyên phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù/bị cáo về tội nhận hối lộ. Ngoài ra, 3 bị cáo đưa hối lộ gồm: Lê Tiến Trung (44 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa); Võ Chí Giang (40 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa); Nguyễn Duy Khang (47 tuổi, ngụ phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) cũng bị tuyên phạt mức án từ 6-8 tháng tù/bị cáo và phạt bổ sung 20 triệu đồng/bị cáo.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, vào năm 2018, Trung tâm Đăng kiểm 60-04D có giấy phép hoạt động do Lương Minh Tú làm Giám đốc.

Vào năm 2022, Tú đã bàn bạc, chỉ đạo các đăng kiểm viên và nhân viên tại Trung tâm Đăng kiểm 60-04D nhận tiền của các chủ xe ô tô đến trung tâm đăng kiểm để dùng các thủ thuật bỏ qua các lỗi không đạt khi kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Với thủ đoạn này, trong năm 2022, các bị cáo đã nhận tổng cộng hơn 1,4 tỷ đồng của các chủ xe ô tô đi đăng kiểm.

Ngoài ra, trong năm 2022, các bị cáo còn nhận tiền hối lộ từ các bị cáo: Võ Chí Giang (nhân viên Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn); Lê Tiến Trung (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Vận tải Vỹ Khang); Nguyễn Duy Khang (nhân viên Công ty TNHH Vận tải Hà Nguyễn) từ 4-40 triệu đồng để được bỏ qua các lỗi kỹ thuật khi đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm 60-04D.

Tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận, để bỏ qua các lỗi không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, mức giá của từng loại xe cũng khác nhau. Cụ thể như, xe khách trên 40 chỗ thì giá 700 ngàn đồng/xe; đối với xe từ 10-24 chỗ thì giá 300 ngàn đồng/lượt xe; đối với xe từ 9 chỗ trở xuống thì không nhận tiền nhưng sẽ được chủ xe cho tiền cà phê 100-200 ngàn đồng/xe… Theo các bị cáo khai, một số trường hợp thì yêu cầu chủ xe chi tiền, cũng có lúc chủ phương tiện cho tiền uống nước.

Theo HĐXX, các bị cáo thực hiện hành vi vi phạm nhiều lần nhưng mỗi lần đều dưới mức quy định của điều luật và các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nên cần giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo để thể hiện sự khoan hồng và tính nhân đạo của pháp luật.

Vi phạm nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài

Tại phiên tòa xét xử, sự ân hận hiện lên từng khuôn mặt các bị cáo khi nhìn đến cha mẹ già, vợ và con thơ. Mỗi bị cáo kiếm tiền với mong muốn lo cho gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng không ngờ, trong phút sa chân đã đẩy cả gia đình vào cảnh khốn khó.

Từ ngày bị bắt, do bị bệnh nên đôi chân của bị cáo Tú rất yếu, không thể đi lại bình thường. Bản thân bị bệnh, lại rơi vào cảnh tù tội, để một mình vợ phải chăm lo 3 con nhỏ nên bị cáo Tú đã xin Hội đồng Xét xử (HĐXX) giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội trở về tiếp tục lo cho gia đình.

Các bị cáo khác cho rằng, bản thân làm công ăn lương nhưng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật nên đã phải vướng vòng lao lý. Trong phiên tòa xét xử, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội đúng như nội dung cáo trạng của VKSND tỉnh truy tố. Trong số đó, một số bị cáo đề nghị tòa xem xét tính toán lại số tiền cáo trạng buộc phải chịu trách nhiệm trong vụ án về tội nhận hối lộ và tiền hưởng lợi cá nhân. Các bị cáo mong HĐXX khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời, bởi phía sau các bị cáo còn có cha mẹ già, vợ và con nhỏ.

Trong phần tranh tụng tại tòa, đại diện VKSND tỉnh cho biết, các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của công tác đăng kiểm, kiểm định. Là một trong những nguyên nhân gây mất trật tự an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân, tạo dư luận xấu trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động đăng kiểm. Do đó, cần có mức án tương xứng, cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để răn đe, giáo dục.

Trong phần tuyên án, HĐXX cho rằng, các bị cáo đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, buông lỏng quản lý, giám sát, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về đăng kiểm; trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua trung gian nhận tiền hối lộ của các tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện, các đối tượng liên quan để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ.

Theo HĐXX, tội danh và khung hình phạt VKSND tỉnh đề nghị tương ứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo trong vụ án là có cơ sở, đúng pháp luật. Hành vi, tội danh phạm tội phù hợp theo các điểm, khoản, điều luật; vai trò, tính chất, mức độ phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị cáo.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202410/vu-an-tai-trung-tam-dang-kiem-xe-co-gioi-60-04d-cuu-giam-doc-lanh-7-nam-tu-ve-toi-nhan-hoi-lo-12c4523/