Vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại Kiến Xương, Thái Bình: Cần xem xét tội danh một cách thận trọng
Ngoài dấu hiệu tạo lập lại hồ sơ chứng cứ vụ án 'tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy' xảy ra vào tối ngày 12/04/2022 thôn Đoài, xã Hòa Bình (Kiến Xương, Thái Bình). Việc xác định tội danh các bị cáo Vũ Ngọc Duy, Vũ Đức Cương, Mai Ngọc Thùy cũng là vấn đề cần phải xem xét lại một cách thấu đáo.
Yếu tố “người khác” trong vụ án có bị bỏ qua?
Phân tích về hành vi của các bị cáo, luật sư Trần Hồng Lĩnh, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hải Phòng nhận định rằng: Bản án sơ thẩm của TAND huyện Kiến Xương đã xác định Duy, Cương, Thùy có hành vi bàn bạc, thống nhất cùng nhau tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, Duy đã cùng Cương bàn bạc, khởi xướng rủ Thùy mua ba viên ma túy kẹo về cùng sử dụng mỗi người một viên tại quán Karaoke Biên Thủy; Duy và Cương trả tiền phòng hát, tiền cho ba nhân viên phục vụ, còn Thùy trả tiền mua ba viên ma túy kẹo.
Như vậy, Duy, Cương, Thùy cùng thống nhất mua ba viên ma túy kẹo về tự sử dụng cho mình chứ không phải sử dụng cho người khác, không phải đưa vào cơ thể người khác.
Theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT tại điểm a mục 6.1 quy định: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong các hành vi: Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; điểm a mục 6.2 quy định: Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
“Theo quy định này thì trường hợp của Vũ Ngọc Duy, Vũ Đức Cương, Mai Ngọc Thùy không phải là người nghiện ma túy, mới vi phạm lần đầu nên càng được áp dụng quy định không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, luật sư Lĩnh nhận định.
“Ở đây, tôi xin nhấn mạnh hai từ “người khác”, bởi không riêng gì “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là phải đưa ma túy vào cơ thể người khác mới cấu thành tội phạm mà tất cả các tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự đều nhằm vào người khác mới cấu thành tội phạm.
Vì vậy, trường hợp Vũ Ngọc Duy, Vũ Đức Cương, Mai Ngọc Thùy cùng thống nhất mua 03 viên ma túy kẹo về cùng sử dụng cho mình (đưa vào cơ thể mình), chứ không sử dụng đưa vào cơ thể người khác nên không cấu thành tội phạm.
Luật sư Lĩnh nói thêm, trong vụ án này, xét một cách khách quan, Duy, Cương, Thùy chỉ có thể bị xử lý về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Thực tế, trước khi đề nghị truy tố tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Công an huyện Kiến Xương đã ra quyết định xử phát hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Thế nhưng sau đó lại đề nghị truy tố hình sự. Vậy là, một hành vi đang bị xử lý bằng hai hình thức. Điều này trái với quy định của pháp luật.
Xác định được “người thụ hưởng” thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Tại phiên xét xử sơ thẩm tại TAND huyện Kiến Xương, HĐXX đã nhận định rằng: “Hành vi của Duy là người khởi xướng rủ Cương sử dụng ma túy. Duy và Cương cùng bạc bạc rủ Thùy, Thùy là người thực hành tích cực, cung cấp ma túy và cùng Duy, Cương sử dụng. Bị cáo Duy và Cương là người bàn bạc thống nhất về việc trả tiền thuê địa điểm để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.
Như vậy, theo nhận định của HĐXX sơ thẩm thì Thùy là người thực hành tích cực trong vụ án này. Tuy nhiên, hiện nay, việc xác định tội danh và đồng phạm trong các vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn nhiều vướng mắc khi xác định yếu tố “người khác” hoặc “người thụ hưởng”.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Trung Hoan qua kinh nghiệm giải quyết án Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đã đánh giá rằng: Thực tiễn ở địa phương cho thấy có nhiều quan điểm đánh giá chứng cứ khác nhau để xác định các yếu tố “người khác” hoặc “người thụ hưởng” trong tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Theo cách hiểu thông thường thì cụm từ “người khác” được hiểu là “cá thể” độc lập với nhau.
Hiện nay vẫn đang có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này:
Quan điểm thứ nhất: yếu tố “người khác” được hiểu là cá nhân này với cá nhân khác nên có nhiều vụ án chỉ cần các đối tượng cùng thực hiện hành vi bố trí, sắp xếp con người, phương tiện, dụng cụ hoặc cung cấp chất ma túy để người khác sử dụng hoặc cùng nhau sử dụng ma túy (hành vi tổ chức cho nhau sử dụng ma túy) vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quan điểm thứ hai cho rằng yếu tố “người khác” phải là người khác so với nhóm người thực hiện hành vi phạm tội (khác với chủ thể của hành vi phạm tội) tức là “người thụ hưởng”. Thực tiễn xét xử từ năm 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến nay đã chứng minh, các đối tượng thực hiện hành vi tổ chức cho nhau sử dụng trái phép chất ma túy (mỗi người góp một phần hoặc thực hiện một trong chuỗi các hành vi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và coi đây là trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy (hành vi này đã được bãi bỏ khi Thông tư liên tịch số 08/2015 ngày 14/11/2015 của Bộ Công an, Viện kiểm sát tối cao, Tòa án tối cao, Bộ Tư pháp sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 17/2007). Và theo đó, chỉ những vụ án nào các cơ quan tiến hành tố tụng xác định được “người thụ hưởng” thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng khác.
Chuyên gia Luật hình sự và tố tụng hình sự - Tiến sĩ Hoàng Tuyết Nhung đã đưa ra phân tích và đánh giá việc xác định tội danh rằng: Thực tiễn giải quyết loại án này cho thấy có nhiều quan điểm đánh giá chứng cứ khác nhau để xác định các yếu tố “người khác” hoặc “người thụ hưởng” trong tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Theo cách hiểu thông thường thì cụm từ “người khác” được hiểu là “cá thể” độc lập với nhau.
Các yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự khi đánh giá, phân loại vai trò các đối tượng phạm tội. Việc phân loại các đối tượng, xác định vai trò chủ mưu, chỉ huy, phân công điều hành, người thực hành, người giúp sức, người thụ hưởng trong tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý người phạm tội, tránh oan, bỏ lọt tội phạm.
Thực tiễn xử lý tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” ở địa phương cho thấy, bên cạnh trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự do yếu tố nhân thân thì trường hợp “tổ chức cho nhau sử dụng trái phép chất ma túy” (không có người thụ hưởng) thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc trường hợp các đối tượng là những người giúp sức có vai trò thứ yếu trong việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng được xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, quá trình điều tra, Điều tra viên cần chú ý làm rõ hành vi khách quan, nhân thân của từng nhóm đối tượng trong tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” để cá thể hóa trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính của các đối tượng liên quan.