Vụ án xảy ra tại Công ty Phú Việt Tín: Lần thứ 6 bị hoãn phiên tòa

Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, việc hoãn phiên tòa phải được công bố tại phiên tòa xét xử vì trước đó tòa án đã có quyết định triệu tập các bên liên quan

Không thông báo hoãn phiên tòa bằng văn bản

Ngày 30-6, TAND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm các bị cáo gồm: Nguyễn Thuận (SN 1974, quê Đồng Nai); Phùng Thanh Sơn (SN 1974, quê Quảng Trị) và Đào Thị Thùy Trang (SN 1982, quê Đồng Nai) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo Quyết định này, phiên tòa sẽ được xét xử công khai vào lúc 8 giờ ngày 25-7-2023, tại Hội trường 1 – trụ sở TAND tỉnh Đồng Nai (Số 40 đường Cách Mạng Tháng 8, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Nguyễn Thuận và đồng phạm tại phiên tòa xét xử sáng 20-4-2023

Nguyễn Thuận và đồng phạm tại phiên tòa xét xử sáng 20-4-2023

Tuy nhiên, đúng 8 giờ sáng nay, đại diện ủy quyền phía bị hại là Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín (gọi tắt là Công ty Phú Việt Tín) đến phiên tòa nhưng không thấy HĐXX, VKSND, Thư ký của TAND tỉnh Đồng Nai trong phiên tòa, các bị cáo cũng vắng mặt. Thấy lạ, phía Công ty Phú Việt Tín gọi điện cho Thư ký phiên tòa thì được thông báo: "Việc hoãn phiên tòa đã được báo với luật sư bị hại. Tôi đang đi công tác".

Như vậy, đây là lần thứ 6 vụ án xảy ra tại Công ty Phú Việt Tín bị hoãn, 5 lần trước phiên tòa hoãn tương tự không rõ lý do.

Theo luật sư Nguyễn Đình Anh Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), căn cứ vào Điều 297 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Tòa án hoãn các phiên tòa trong những trường hợp: Có một trong những căn cứ quy định tại các Điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này; cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa; cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại; cần định giá tài sản, định giá lại tài sản...

Trong đó có quy định "Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc thay đổi thì Chánh án tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa. Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa, gửi cho VKSND cùng cấp và những người vắng mặt trong phiên tòa 2 ngày, kể từ ngày ra quyết định.

"Như vậy, việc hoãn phiên tòa phải được công bố tại phiên tòa xét xử vì trước đó tòa án đã có quyết định triệu tập các bên liên quan. Nếu thẩm phán vắng mặt thì Chánh án tòa án có quyết định hoãn phiên tòa" – luật sư Dũng khẳng định.

Bị hại mong mỏi phiên tòa sớm kết thúc

Trước phiên tòa, Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín đã gửi đơn kiến nghị TAND và VKSND tỉnh Đồng Nai thay đổi tội danh bị cáo Nguyễn Thuận và đồng phạm từ tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Tham ô tài sản".

Trong đơn kiến nghị, Công ty Phú Việt Tín cho rằng từ thời điểm 0 giờ ngày 1-1-2018, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành thì việc cáo trạng nêu Nguyễn Thuận và đồng phạm có hành vi làm lại 10/175 hợp đồng đặt cọc để chiếm đoạt hơn 297 triệu đồng của công ty là chưa xác đáng. Theo nội dung trong cáo trạng, chính Nguyễn Thuận và đồng phạm đã làm lại 34 hợp đồng đặt cọc để chiếm đoạt số tiền của Công ty Phú Việt Tín hơn 1 tỉ đồng. Mặt khác, cáo trạng cũng không nêu ngày tháng năm về 21 hồ sơ mà Nguyễn Thuận đã lập để chiếm đoạt 500 triệu đồng của công ty.

Do đó, với số tiền chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng trong năm 2018, hành vi của Nguyễn Thuận và các đồng phạm đã đủ cấu thành tội "Tham ô tài sản" theo quy định tại khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, với khung hình phạt từ 20 năm tù đến tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, nhóm hành vi làm giả các hồ sơ để chiếm đoạt tiền của Công ty Phú Việt Tín xảy ra trước 0 giờ ngày 1-1-2018 không cấu thành tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999, mà cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999.

Nhóm hành vi của Nguyễn Thuận và đồng phạm xảy ra sau 0 giờ ngày 1-1-2018 đủ yếu tố cấu thành tội "Tham ô tài sản", bởi lẽ Nguyễn Thuận và đồng phạm chiếm đoạt tiền của Công ty Phú Việt Tín, là tài sản mà Nguyễn Thuận và đồng phạm có trách nhiệm quản lý.

"Chúng tôi cho rằng các bị cáo còn có 2 tình tiết tăng nặng như phạm tội có tổ chức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 BLHS 1999 và tại điểm a khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 và phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS 1999 và phạm tội 2 lần trở lên quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS 2015. Chúng tôi mong mỏi vụ án sớm kết thúc để trả lại quyền lợi cho công ty và khách hàng " – Công ty Phú Việt Tín nêu ý kiến.

Bài và ảnh: Hưng Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/vu-an-xay-ra-tai-cong-ty-phu-viet-tin-lan-thu-6-bi-hoan-phien-toa-20230725131447573.htm