Vụ án xảy ra tại Công ty Phú Việt Tín: Lần thứ 6 đưa ra xét xử sơ thẩm
TAND tỉnh Đồng Nai đã Quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Phú Việt Tín.
TAND tỉnh Đồng Nai vừa ra Quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín (gọi tắt là Công ty Phú Việt Tín)
Mòn mỏi chờ đợi phiên tòa
Trong vụ án này, các bị cáo gồm Nguyễn Thuận (SN 1974, quê Đồng Nai), Phùng Thanh Sơn (SN 1974, quê Quảng Trị, tạm trú tỉnh Đồng Nai), Đỗ Thị Thùy Trang (SN 1982, quê Đồng Nai). Họ bị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo Quyết định, vụ án sẽ được xét xử vào lúc 8 giờ ngày 25-7-2023 tại hội trường 1 – trụ sở TAND tỉnh Đồng Nai (số 40 đường Cách Mạng Tháng 8, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Thẩm phán chủ tọa là bà Đinh Thị Kiều Lương. Có nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo và luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên bị hại là Công ty Phú Việt Tín...
Như vậy, đây là lần thứ 6 TAND tỉnh Đồng Nai quyết định đưa vụ án ra xét xử. 5 lần trước đó HĐXX tuyên hoãn phiên tòa để trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ 175 hợp đồng đặt cọc, biên lai thu tiền và xác định chữ ký giả mà Nguyễn Thuận và đồng phạm đã thực hiện để chiếm đoạt tiền của Công ty Phú Việt Tín.
Theo cáo trạng, năm 2013, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định giao đất cho Công ty Phú Việt Tín để đầu tư xây dựng khu dân cư A1-C1 theo quy hoạch tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất. Đến năm 2017, Công ty Phú Việt Tín thực hiện giai đoạn 3 với tổng 590 nền đất.
Từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2018, Nguyễn Thuận đã trực tiếp chỉ đạo bán nền đất và ký hợp đồng mua bán với khách hàng hơn 580 nền đất, tổng số tiền hơn 590 tỉ đồng. Trong đó, khách hàng đã đặt cọc tổng cộng gần 467 tỉ đồng.
Nguyễn Thuận đã cho nộp vào tài khoản Công ty Phú Việt Tín hơn 230 tỉ đồng, còn lại hơn 235 tỉ đồng để ngoài sổ sách và Nguyễn Thuận giữ trực tiếp.
Sau đó, Nguyễn Thuận đã cấu kết với Sơn, Trang làm giả hợp đồng, phiếu thu, ký giả chữ ký khách hàng trên 175 hợp đồng và phiếu thu tiền với giá trị thấp hơn số tiền thực thu để chiếm đoạt hơn 6 tỉ đồng.
VKSND tỉnh Đồng Nai cáo buộc Nguyễn Thuận là chủ mưu; Sơn, Trang là người thực hiện hành vi giúp sức cho Thuận.
Lợi dụng lòng tin
Trước đó, Công ty Phú Việt Tín gửi đơn kiến nghị đến VKSND tỉnh Đồng Nai đề nghị thay đổi tội danh của bị cáo Nguyễn Thuận thành tội tham ô tài sản.
Trong đơn, Công ty Phú Việt Tín nêu rõ năm 2009, Nguyễn Thuận được Công ty Cao su Đồng Nai cử sang làm tổng giám đốc của Công ty Phú Việt Tín. Tuy nhiên, Nguyễn Thuận đã lợi dụng sự tin tưởng của công ty rồi làm giả hợp đồng, giấy tờ để chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Thuận đã tự ý bán đất nền giai đoạn 3 mà không có sự chấp thuận của Công ty Phú Việt Tín. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thuận cũng thừa nhận lập nhiều hợp đồng, phiếu thu để bán 175 nền đất với giá cao hơn giá quy định của công ty để hưởng gần 6 tỉ tiền chênh lệch.
Lời khai của Phùng Thanh Sơn và Đào Thị Thùy Trang cũng thể hiện do Thuận chỉ đạo nên mới lập nhiều hợp đồng, ký vào phiếu thu sai quy định.
Ngoài số tiền gần 6 tỉ đồng mà Thuận và đồng phạm chiếm đoạt được cáo trạng nêu, phía Công ty Phú Việt Tín cho rằng Nguyễn Thuận còn có hành vi làm giả các loại giấy tờ để chiếm đoạt tiền của công ty hơn 100 tỉ đồng.
Luật sư Nguyễn Hải Đức – Công ty Luật TNHH BDS (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định có đến 13 trường hợp có thể hoãn phiên tòa.
Đối với các trường hợp bắt buộc phải hoãn hoặc nhận thấy cần hoãn thì HĐXX sẽ quyết định hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, nếu cáo trạng đã nêu chính xác tội danh và chứng cứ đầy đủ thì tòa án bắt buộc đưa vụ án ra xét xử. Thời hạn đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án sẽ căn cứ vào Điều 277, Điều 279, Điều 286, Điều 287 của BLTTHS 2015.