Vụ anh chém cả nhà em trai: Kiểm điểm công an huyện Đan Phượng
Công an huyện, đội cảnh sát hình sự và cán bộ công an xã bị yêu cầu kiểm điểm liên quan vụ anh trai chém cả nhà em ở Đan Phượng.
Tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội chiều nay, nguyên Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho hay, thời gian qua, các vụ giết người, tội phạm nghiêm trọng đều xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân, kể cả mâu thuẫn tranh chấp đất đai…
Tuy nhiên, chưa thấy rõ ý này trong báo cáo của Giám đốc Công an TP và đề nghị có báo cáo rõ.
"Chúng ta cần làm gì, giải pháp nào để ngăn chặn tội phạm giết người nghiêm trọng này?", ông Nam chất vấn.
ĐB Duy Hoàng Dương đặt vấn đề, hiện nay có tình trạng người tâm thần gây án giết người, hành hung, gây thương tích. Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, và có giải pháp quản lý, ngăn chặn.
ĐB Đoàn Việt Cường đánh giá, ngày càng nhiều đối tượng hình sự là người ngoại tỉnh gây trọng án ở Hà Nội, điển hình là vụ việc giết xe ôm ở Bắc Từ Liêm...
Trả lời, Giám đốc Công an TP Hà Nội - Trung tướng Đoàn Duy Khương nêu, vụ án mạng tại huyện Đan Phượng (đối tượng Nguyễn Văn Đông dùng dao sát hại cả nhà em trai) là điển hình về chuyện phòng ngừa, trong đó có trách nhiệm của lực lượng công an, nhất là công an cơ sở.
"Chúng tôi đã yêu cầu công an huyện, đội cảnh sát hình sự và cán bộ công an xã kiểm điểm. Vì mâu thuẫn giữa 2 anh em không phải bột phát mà đã có thời gian kiện cáo, dân trong xóm đều biết.
Vậy trách nhiệm nòng cốt về tham mưu, của lực lượng công an ở đâu? Mâu thuẫn như thế, tổ hòa giải ở đâu, vai trò chỉ đạo của mặt trận thế nào, các đoàn thể ở đâu?
Trách nhiệm là của cả hệ thống cơ sở, nhưng chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của mình với vai trò nòng cốt trong việc tham mưu và tổ chức triển khai phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ chưa hiệu quả", tướng Khương nói.
Theo dõi chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự
Ông Khương cũng cho rằng, ngoài việc lưu ý đến các mâu thuẫn trong đời sống hàng ngày, cần chú ý đến các đối tượng ngáo đá, ngáo rượu.
“Chúng tôi đã phải tổ chức 3 cuộc hội thảo để đưa ra khái niệm thế nào là ngáo đá. Cần làm rõ khái niệm để chỉ đạo công an cơ sở khảo sát, rà soát và lên danh sách các trường hợp ngáo đá.
Hiện có khoảng 257 đối tượng ngáo đá, chúng tôi phấn đấu trước Tết Nguyên đán phải đưa hết số này vào trại cai nghiện. Nhưng đưa vào cũng khó vì hành lang pháp lý còn chưa đủ, chỉ có gia đình tự nguyện đưa đi thì mới được.
Tôi yêu cầu lãnh đạo phòng cảnh sát ma túy hàng ngày phải nhắn tin báo cáo cho tôi số lượng tăng giảm của người ngáo đá, vì đối tượng này hay gây ra thảm án, đặc biệt là gây án với người thân”, ông Khương nói thêm.
Liên quan đến người tâm thần gây án, ông Khương cho rằng, muốn đưa vào điều trị phải có kinh phí. Chính quyền không có đủ tiền để làm từ thiện; nhiều gia đình không đủ điều kiện vật chất; bệnh viện không đảm bảo được mãi.
“Đề nghị có kiến nghị HĐND TP về khoản kinh phí để đảm bảo cho người dân cuộc sống trong an ninh, an toàn”, Giám đốc Công an TP nêu ý kiến.
Về tội phạm hình sự là người ngoại tỉnh, ông Khương cho biết, Hà Nội và TP.HCM thu hút nhiều người dân ở nơi khác về học tập, sinh sống, kéo theo tội phạm cũng về đông.
“Trong quy định của Bộ Công an, các đối tượng khi di chuyển về Hà Nội đều có sự phối hợp theo dõi chặt chẽ nếu có tiền án, tiền sự. Còn đối tượng ngoại tỉnh mà chưa có tiền án tiền sự thì phải nắm bắt thông qua tạm trú tạm vắng”, lời ông Khương.