Vụ ẩu đả giữa cô gái Việt Nam và phụ nữ Hàn Quốc: Người nước ngoài có thể bị xử lý thế nào?

Phía Công ty Hàn Quốc có nhân viên liên quan đến vụ xô xát đã chính thức lên tiếng xin lỗi, cam kết xử lý nghiêm người vi phạm và phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam để làm rõ sự việc.

Những ngày qua, vụ việc xô xát giữa hai cô gái người Việt Nam và hai vị khách người Hàn Quốc tại một quán photobooth trên địa bàn phường Mễ Trì, Hà Nội đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận.

Nguyên nhân được cho là do mâu thuẫn khi sử dụng dịch vụ chụp ảnh, nhóm khách Hàn Quốc nhiều lần hối thúc nhóm khách Việt Nam rời phòng chụp dù chưa hết giờ, dẫn đến lời qua tiếng lại, sau đó xảy ra xô xát.

Phía Công ty Hàn Quốc có nhân viên liên quan đến vụ việc này cũng đã chính thức lên tiếng xin lỗi, cam kết xử lý nghiêm người vi phạm và phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam để làm rõ sự việc.

Hình ảnh vụ xô xát. Ảnh cắt từ clip trên MXH

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, bản chất vụ việc là hành vi xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của người khác, có dấu hiệu bạo lực nơi công cộng. Trong trường hợp mức độ thương tích nhẹ, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, vụ việc sẽ bị xử lý theo hướng vi phạm hành chính.

Theo điểm c, khoản 1, Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người nước ngoài vi phạm hành chính trong lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác.

Khoản 1 Điều 2 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định rõ: Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

Theo điểm a, khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác, dù không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vẫn có thể bị xử phạt hành chính từ 5 đến 8 triệu đồng.

Ngoài trách nhiệm hành chính, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về phạm vi áp dụng pháp luật đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Khi hành vi vi phạm xảy ra tại Việt Nam, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng.

Bên cạnh đó, Điều 687 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Nếu không có thỏa thuận khác giữa các bên, pháp luật của nơi xảy ra hậu quả thiệt hại sẽ được áp dụng đối với các tranh chấp liên quan đến bồi thường ngoài hợp đồng.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, nếu có dấu hiệu hành vi xâm phạm sức khỏe và trật tự công cộng, người nước ngoài hoàn toàn có thể bị xử lý theo pháp luật Việt Nam và bị trục xuất nếu vi phạm.

"Vụ việc cũng đặt ra yêu cầu về bảo vệ danh dự, quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam, đồng thời cần xử lý minh bạch để tránh hiểu lầm trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước", luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-au-da-giua-co-gai-viet-nam-va-phu-nu-han-quoc-nguoi-nuoc-ngoai-co-the-bi-xu-ly-the-nao-169250717164403225.htm