Vụ Bản đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Vụ Bản đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực thực hiện đổi mới bộ giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản. Nhờ đó, giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi thủy sản tăng từ 1.219,7 tỷ đồng năm 2010 lên 1.952,7 tỷ đồng năm 2018... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Vụ Bản đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực thực hiện đổi mới bộ giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản. Nhờ đó, giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi thủy sản tăng từ 1.219,7 tỷ đồng năm 2010 lên 1.952,7 tỷ đồng năm 2018; giá trị sản phẩm bình quân 1ha đất canh tác tăng từ 74,7 triệu đồng/ha năm 2010 lên 98,8 triệu đồng/ha năm 2018.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn xã Vĩnh Hào.

Để tạo thuận lợi cho việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, toàn huyện đã quy hoạch được 1.253 vùng sản xuất tập trung có quy mô từ 5ha trở lên, trong đó có 384 vùng trồng lúa hàng hóa, 381 vùng trồng lúa năng suất cao, 17 vùng trồng lúa giống, 198 vùng trồng rau màu... Hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, tạo tiền đề cho việc liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Năm 2018, huyện có 86 cánh đồng lớn sản xuất lúa, màu hàng hóa với diện tích 4.000ha áp dụng phương thức “3 cùng”: cùng giống, cùng thời vụ, cùng áp dụng quy trình thâm canh, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, thu hoạch nên hiệu quả kinh tế tăng từ 4,5-5 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Sản phẩm ở các cánh đồng lớn hàng vụ gồm: 18 nghìn tấn lúa, 1.500 tấn rau, củ, quả được tiêu thụ ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Trên địa bàn huyện đã hình thành 8 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa chất lượng cao giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân với các hợp tác xã và hộ nông dân, quy mô 100ha lúa chất lượng cao, sản lượng thu mua trên 400 tấn/vụ, hiệu quả kinh tế tăng 10% so với sản xuất lúa đại trà; chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa Hương thơm giữa Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương và Hợp tác xã Nông nghiệp Trung Thành, xã Trung Thành với diện tích 15 ha/vụ, sản lượng thu mua trên 70 tấn, hiệu quả kinh tế tăng 10% so với phương thức sản xuất truyền thống; chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ ngô ngọt giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Dương với Hợp tác xã Nông nghiệp Bảo Xuyên, quy mô 30ha, sản lượng thu mua 400 tấn, hiệu quả tăng gấp 2 lần so với sản xuất ngô đại trà; chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ khoai tây giống quy mô 100ha tại các xã: Thành Lợi, Đại Thắng, Liên Bảo, Liên Minh do các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện, hàng năm sản xuất và tiêu thụ trên 1.000 tấn khoai tây giống, hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với sản xuất lúa... Lĩnh vực trồng trọt của các địa phương đã từng bước chuyển dịch theo hướng chuyển từ coi trọng số lượng sang chất lượng và giá trị; cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa; sản lượng lương thực bình quân đạt 97 nghìn tấn/năm; sản lượng lúa hàng hóa chất lượng cao tăng từ 45% năm 2010 lên 70% vào năm 2018. Bên cạnh đó, huyện chú trọng đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng cơ giới hóa 100% khâu làm đất; khâu thu hoạch đạt 99%; khâu gieo sạ khoảng 85%; phối hợp khảo nghiệm và lựa chọn bổ sung vào cơ cấu nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao từ 60% diện tích năm 2015 tăng lên 85% diện tích năm 2018, các giống lúa nhiễm sâu bệnh nặng trong vụ mùa được thay thế một phần bằng các giống kháng sâu bệnh, do đó năng suất, chất lượng và giá trị được nâng cao, hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10% so với trước đây. Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp được đổi mới tích cực, trong đó có 35 hợp tác xã nông nghiệp đã chuyển đổi và tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, thành lập mới 4 hợp tác xã chuyên ngành. Đến nay, các hợp tác xã đều hoạt động hiệu quả, sản xuất, kinh doanh có lãi; năm 2018, bình quân mỗi hợp tác xã lãi 68,6 triệu đồng. Cùng với trồng trọt, huyện cũng chỉ đạo chú trọng phát triển chăn nuôi chuyển từ nhỏ lẻ, tận dụng sang công nghiệp, bán công nghiệp tập trung quy mô vừa, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Toàn huyện có 28 trang trại được UBND huyện cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chí trang trại theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các trang trại đều nằm trong vùng quy hoạch của xã, thị trấn với đối tượng nuôi chủ yếu là gà thịt, quy mô bình quân 9.000 con/lứa; gà đẻ trứng quy mô bình quân 12 nghìn con/lứa; lợn thịt quy mô bình quân 420 con/lứa; thỏ quy mô bình quân 10 nghìn con/lứa. Năm 2018, giá trị sản xuất bình quân đạt trên 6 tỷ đồng/trang trại. Hợp tác xã Long Phú, xã Hợp Hưng xây dựng chuỗi sản xuất chăn nuôi thỏ quy mô trên 1.000 con thỏ bố mẹ, trên 10 nghìn con thỏ thương phẩm/lứa, hàng năm ký hợp đồng và xuất bán cho Công ty Nippong Zoki (Nhật Bản) trên 50 tấn thỏ, thu lãi từ 1-1,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15-16 lao động, với thu nhập 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã Vạn Xuân Trường xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, thịt gà sạch cung cấp cho các cửa hàng bán sản phẩm nông sản sạch tại thành phố Nam Định, hàng năm sản xuất, tiêu thụ 150 tấn sản phẩm thịt gà sạch, lợn sạch. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngũ Hải xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô 4.500 con/năm; hàng năm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tiêu thụ trên 560 tấn thịt hơi. Mô hình sản xuất thịt lợn sạch, gà sạch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Khang, quy mô 200 con lợn/lứa và 2.000 con gà/lứa; sản phẩm đạt 65 tấn thịt lợn hơi/năm và 15 tấn thịt gà hơi/năm cung cấp cho thị trường thành phố Hà Nội. Ngoài ra trên địa bàn huyện có 16 trang trại gà thịt, gà đẻ trứng nuôi theo công nghệ chuồng khép kín, quy mô đàn từ 10-20 nghìn con/lứa, thị trường tiêu thụ tại thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận… Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Trên địa bàn huyện có 21 trang trại chăn nuôi khép kín với công nghệ tiên tiến như các trang trại nuôi lợn thịt, gà thịt, gà đẻ trứng, trang trại ba ba, nuôi thỏ… Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm từ 80% năm 2010 xuống còn dưới 10% năm 2018. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm tăng nhanh, năm 2018 đạt 14.062 tấn, tăng 4.384 tấn so với năm 2010. Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt từng bước được áp dụng trong chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện có 3 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt. Các công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến như công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi sinh học… được áp dụng nhanh trong các trang trại, gia trại. Nhờ đó đã giảm thiểu phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nâng cao được hiệu quả chăn nuôi. Trong kinh tế thủy sản, hình thành nhiều vùng nuôi thủy sản tập trung ven sông Sắt, sông Đào… Ông Lương Văn Cường, xã Hợp Hưng đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi ba ba quy mô diện tích 12ha; hàng năm sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 200 nghìn con giống và trên 50 tấn ba ba thịt, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động. Không chỉ xuất hiện nhiều mô hình, con nuôi mới, hình thức nuôi cũng chuyển dần từ quảng canh sang thâm canh, hình thành 42 vùng nuôi tập trung. Nhờ đó năm 2018, tổng sản lượng thủy sản của huyện đạt 3.700 tấn, tăng 4,5% so với năm 2015.

Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh, phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, mô hình khác có thị trường và hiệu quả hơn, phấn đấu đến năm 2020 chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả 600ha đất lúa sang các cây trồng khác hoặc mô hình kết hợp lúa - cá theo quy hoạch. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; các quy trình kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sâu bệnh. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng chăn nuôi tập trung theo quy hoạch với mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại tại các vùng xa khu dân cư; chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng ưu tiên phát triển nuôi thủy sản hàng hóa./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/201909/vu-ban-day-manh-tai-co-cau-nong-nghiep-2532787/