Vụ Bản phát triển sản xuất rau màu vụ xuân
Với mục tiêu nâng cao giá trị thu nhập trên từng diện tích canh tác, các cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con nông dân huyện Vụ Bản đang nỗ lực khắc phục khó khăn về thời tiết, sâu bệnh, tập trung phát triển sản xuất cây màu vụ xuân góp phần cải thiện đời sống và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Với mục tiêu nâng cao giá trị thu nhập trên từng diện tích canh tác, các cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con nông dân huyện Vụ Bản đang nỗ lực khắc phục khó khăn về thời tiết, sâu bệnh, tập trung phát triển sản xuất cây màu vụ xuân góp phần cải thiện đời sống và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán năm 2022, trên khắp cánh đồng màu của các thôn: Tiền, Tâm, Trung Nghĩa, Hổ Sơn... của xã Liên Minh, không khí sản xuất vụ xuân hết sức rộn ràng, khẩn trương. Chị Nguyễn Thị Thùy ở thôn Tiền cho biết: Sau khi được tham quan, học tập kinh nghiệm trồng rau theo công nghệ Nhật Bản ở một số địa phương trong tỉnh, tôi đã quyết định chuyển đổi sản xuất rau màu theo công nghệ Nhật Bản. Trên diện tích hơn 5 sào, sau khi hoàn tất việc dọn ruộng, chị Thùy đã bón bổ sung phân chuồng, rắc vôi bột cải tạo đất và xuống giống trồng su hào là loại rau đang được thị trường ưa chuộng. Không chỉ gia đình chị Thùy mà hầu hết các hộ dân ở vùng đồng màu như Liên Minh, Kim Thái, Liên Bảo, Thành Lợi, Tam Thanh… đều tích cực phát triển sản xuất cây màu vụ xuân để nâng cao thu nhập. Vụ xuân năm 2022, HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Kiệt, xã Liên Minh phấn đấu gieo trồng trên 80ha cây màu các loại; trong đó tập trung vào các giống cây khoai tây, su hào, xà lách, ngô ngọt, khoai lang... là những loại rau có thị trường tiêu thụ khá ổn định. Để đảm bảo sản xuất vụ xuân đạt kết quả cao, HTX đã phối hợp với Ban Nông nghiệp (NN) xã tổ chức hội nghị triển khai sản xuất vụ xuân; xây dựng kế hoạch làm đất, cung ứng các loại vật tư, phân bón, giống cây trồng chất lượng cho các hộ xã viên; sẵn sàng phương án tưới nước phục vụ gieo trồng cây màu của các đội sản xuất, bảo đảm toàn bộ diện tích cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tạo tiền đề giành năng suất cao. Tại xã Thành Lợi, vụ xuân năm nay, các đội sản xuất gieo trồng 30ha su hào, 15ha rau cải, 24ha khoai tây, 40ha hành, tỏi, rau mùi, xà lách... Để vận động phát triển sản xuất cây màu vụ xuân thuận lợi, UBND xã đã tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất trên cơ sở tham vấn cộng đồng rộng rãi và phù hợp với quy hoạch chung của huyện về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2020-2025. Xã chỉ đạo các thôn, đội có điều kiện, kinh nghiệm trồng rau màu chủ động lựa chọn những cây trồng phù hợp với tập quán canh tác của bà con, có thị trường tiêu thụ ổn định và hiệu quả kinh tế cao, tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, phong trào sản xuất cây màu vụ xuân theo hướng sản xuất hàng hóa đang phát triển khá đồng đều ở các xã, thị trấn của huyện Vụ Bản. Vụ xuân năm nay, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 1.000ha cây rau, màu các loại; trong đó cây lạc 750ha, khoai tây giống 20ha, còn lại là các loại rau màu khác. Theo chỉ đạo của huyện, đối với vùng đất chuyên màu, tập trung sản xuất các loại cây rau đậu ngắn ngày, có thể quay vòng 2-3 lứa/vụ, đó là: su hào, cải thìa, cải trắng, cải bó xôi, bắp cải, hành, tỏi... để phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa. Đối với chân ruộng 2 lúa, tập trung trồng các loại cây như: Bí xanh, cà chua, cải dầu, ngô ngọt... Để bảo đảm sản xuất cây màu vụ xuân phát triển ổn định, bền vững, huyện Vụ Bản chú trọng chỉ đạo phát triển công tác khuyến nông phục vụ sản xuất; tăng cường thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ các địa phương thực hiện kiên cố hóa kênh mương, làm thủy lợi nội đồng, xây dựng trạm bơm, cầu cống đảm bảo điều hành tưới tiêu nước đáp ứng yêu cầu sản xuất trong điều kiện khí hậu biến đổi phức tạp; hỗ trợ xây dựng hệ thống kho lạnh để bảo quản nông sản sau thu hoạch; xây dựng mô hình sản xuất giống cây trồng mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tập trung thực hiện các giải pháp tích tụ, tập trung ruộng đất, chỉnh trang đồng ruộng, hình thành những cánh đồng lớn thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông sản hàng hóa, hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò “dẫn dắt” của doanh nghiệp. Các HTX dịch vụ nông nghiệp chú trọng hướng dẫn, vận động nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm nông sản an toàn, phát triển bền vững. Ngoài cây trồng chủ lực là lạc và khoai tây, các địa phương trong huyện tiếp tục phát triển các loại cây trồng phục vụ chế biến xuất khẩu như: ngô ngọt, cà chua, dưa chuột bao tử… Diện tích trồng lạc chủ yếu là các giống có năng suất cao như L18, L23, Trạm Dầu 207. Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các HTX, tổ hợp tác xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sản xuất nông sản theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Huyện chỉ đạo Ban NN các xã, thị trấn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ NN huyện tăng cường tuyên truyền về sản xuất rau màu vụ xuân trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã; hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng và tổ chức tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ xuân cho các hộ nông dân; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, chỉ đạo và duy trì tốt hoạt động của hệ thống mạng lưới dự tính, dự báo sâu bệnh để phát hiện khuyến cáo kịp thời, hiệu quả; chú trọng hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có tính chọn lọc cao, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép lưu hành sử dụng; thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại; tổ chức cung ứng đầy đủ, kịp thời lượng phân bón cho các loại cây; hướng dẫn xã viên bón đạm, lân, ka-li phải đảm bảo cân đối, đủ lượng đối với từng giống cây trồng; không lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học để đảm bảo rau an toàn, sạch, bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải khi các-bon. Các HTX bám sát lịch thời vụ của bà con để xây dựng phương án tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất cũng như bảo vệ cây rau màu trong quá trình sinh trưởng, phát triển tốt để đạt năng suất cao; đồng thời xây dựng kế hoạch chống úng, hạn cho từng vùng cụ thể để đảm bảo sản xuất an toàn.
Sản xuất cây màu vụ xuân đang trở thành vụ sản xuất nông sản hàng hóa có hiệu quả cao của huyện Vụ Bản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và tạo nguồn lực góp phần xây dựng thành công huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu trong những năm tới./.
Bài và ảnh: Văn Đại