VỤ BÁN RẺ 149 NỀN ĐẤT TẠI DỰ ÁN AN PHÚ TÂY: Lời khai của bị cáo Tề Trí Dũng
Không chỉ đổ cho thiếu kinh nghiệm, bị cáo Tề Trí Dũng còn lấp liếm vì quá tin vào sự tham mưu của cấp dưới nên mới xảy ra cớ sự
Ngày 19-9, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Tề Trí Dũng (SN 1981; cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận - viết tắt IPC) trong vụ bán rẻ 149 nền đất tại dự án An Phú Tây (huyện Bình Chánh, TP HCM), gây thất thoát cho nhà nước gần 127,7 tỉ đồng.
"Bị cáo không có kinh nghiệm"
Các đồng phạm của bị cáo Tề Trí Dũng trong vụ án là Trần Đăng Linh (SN 1979, nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC), Mai Văn Đường (SN 1956, nguyên Chủ tịch HĐTV IPC), Phạm Xuân Trung (SN 1977, nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC), Vũ Xuân Đức (SN 1973, nguyên thành viên HĐTV IPC), Hồ Thị Thanh Phúc (SN 1977, cựu Trưởng Phòng Phát triển kinh doanh IPC), Mai Bửu Tâm (SN 1987, cựu chuyên viên Phòng Phát triển kinh doanh IPC). VKSND TP HCM truy tố 7 bị cáo tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Cáo trạng thể hiện, IPC là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP HCM sở hữu 100% vốn điều lệ. Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (viết tắt Sadeco) là công ty con của IPC (tỉ lệ góp vốn 74,8%). Tháng 3-2016, Tổng Giám đốc IPC Tề Trí Dũng giữ chức Chủ tịch HĐQT Sadeco.
Cơ quan công tố nhận định bị cáo Tề Trí Dũng có vai trò chính, xuyên suốt toàn bộ các hành vi phạm tội. Tề Trí Dũng đã coi thường pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Tổng Giám đốc IPC để chỉ đạo cấp dưới thực hiện quy trình chuyển nhượng các nền đất tại dự án An Phú Tây cho các cá nhân, trong khi chủ sở hữu IPC là UBND TP HCM chưa cho phép. Đến khi được UBND thành phố cho phép bán các nền đất dự án này, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới bán 149/151 nền đất. Trong tháng 8 và 9-2016, Tề Trí Dũng với vai trò Tổng Giám đốc IPC đã ký 4 hợp đồng chuyển nhượng 99 nền đất có tổng diện tích gần 14.000 m2 với tổng trị giá 97,97 tỉ đồng cho 3 cá nhân. Từ tháng 3 đến tháng 5-2018, theo ủy quyền của Tề Trí Dũng, Trần Đăng Linh ký hợp đồng chuyển nhượng 38 nền đất với tổng diện tích 8.621,4 m2 với tổng trị giá 71,1 tỉ đồng cho một cá nhân; ký hợp đồng chuyển nhượng 12 nền đất với tổng diện tích 1.942,9 m2 với tổng trị giá 17 tỉ đồng cho một người khác.
VKSND nhận định có đủ căn cứ xác định bị cáo Tề Trí Dũng và các đồng phạm trong vụ án đã không kiểm tra giá bán của Sadeco, không thực hiện việc chuyển nhượng các nền đất theo giá thị trường mà trực tiếp chuyển nhượng 149 nền đất cho các cá nhân. Điều này không bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, gây thất thoát cho nhà nước số tiền gần 127,7 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Tề Trí Dũng khai thời điểm thuê công ty thẩm định giá là giữa năm 2016 (có thông qua HĐTV IPC nhưng không nhớ có ra nghị quyết về vấn đề này hay không). Mục đích thẩm định giá các nền đất là để xác định giá thị trường của các nền đất này nhằm phục vụ nhu cầu chuyển nhượng thu hồi vốn. Với tư cách tổng giám đốc IPC, bị cáo đã chỉ đạo cho Phòng Phát triển kinh doanh IPC thực hiện nên không biết đã thuê bao nhiêu công ty thẩm định, không biết công ty nào thẩm định và chi tiết việc triển khai thẩm định giá ra sao. Đến khi đọc cáo trạng, bị cáo mới biết tên của 2 công ty.
Bị cáo Tề Trí Dũng khai việc thẩm định và chuyển nhượng các nền đất trên được xem là bán hàng hóa của công ty nên không phải báo cáo UBND TP HCM - chủ sở hữu IPC. "Theo nhận thức của bị cáo cũng như những người liên quan đến việc tham mưu giá chuyển nhượng thì giá thị trường là giá mà các đơn vị thẩm định giá cung cấp, mặt khác, bản thân không có kinh nghiệm trong việc xác định giá đất đồng thời hoàn toàn tin tưởng vào sự tham mưu của những thành viên khác của công ty. Bị cáo có thiếu sót là thiếu kiểm tra thực tế, thiếu đối chiếu với giá Sadeco dẫn đến hậu quả ngày hôm nay. Tuy nhiên, bị cáo nhận thức đây là sai sót chủ quan của mình, bị cáo xin nhận trách nhiệm" - bị cáo Tề Trí Dũng khai trước tòa.
Hết sức bàng hoàng!
Tại tòa, bị cáo Tề Trí Dũng nói hết sức bàng hoàng khi gây ra thiệt hại 127 tỉ đồng. "Bị cáo không thể nghĩ được rằng có sự chênh lệch cao như vậy. Bị cáo rất ăn năn, hối hận, nếu như mình kỹ hơn chắc sẽ không bao giờ có con số này. Tuy nhiên, bị cáo rất thắc mắc vì sao IPC cũng thuê đơn vị định giá, cũng có cùng chức năng với đơn vị đã định giá tài sản như cáo trạng vụ án nêu nhưng tại sao giá lại chênh lệch như vậy. Bị cáo rất băn khoăn nên mong HĐXX xem xét con số thiệt hại" - bị cáo Tề Trí Dũng nói.
Trước tòa, các bị cáo trong vụ án đều khai không tư lợi, không quen biết với các khách hàng đã mua 149 nền đất dự án An Phú Tây với giá rẻ. Mặt khác, bị cáo Tề Trí Dũng còn yêu cầu các khách hàng đã mua đất giá rẻ phải nộp lại khoản "lợi nhuận bất chính" từ việc ký hợp đồng mua bán với IPC. Bởi theo bị cáo Tề Trí Dũng, tháng 5-2018, khi phát hiện IPC chuyển nhượng đất thấp hơn giá thị trường, bị cáo đã chỉ đạo Trần Đăng Linh cùng một cấp dưới khác của Phòng Phát triển kinh doanh IPC đàm phán với các khách hàng đã mua đất của IPC và thu hồi được số tiền gần 16,3 tỉ đồng đối với hợp đồng chuyển nhượng nền đất đã ký từ năm 2016 và 2018.
Từ đó, bị cáo Tề Trí Dũng đề nghị tòa án xác định lại số tiền thiệt hại của vụ án, trừ đi tổng số tiền 16,3 tỉ đồng mà các bị cáo đã thu hồi và tổng trị giá của 6 nền đất mà IPC đang đứng tên (chưa chuyển quyền sở hữu đất cho ông N.V.T). Tuy nhiên, đại diện IPC yêu cầu các bị cáo phải bồi thường gần 127,7 tỉ đồng tiền thiệt hại, thất thoát của nhà nước như cáo trạng đã xác định.