Vụ bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng: Xem xét nhanh chóng khởi tố, đưa vụ án ra xét xử lưu động

Theo Sở LĐTB&XH TPHCM, vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em. Các đơn vị cần nhanh chóng khởi tố, đưa vụ án ra xét xử lưu động, công khai nhằm ngăn chặn các hành vi bạo hành trẻ em tái diễn.

Chiều 4/9, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM đã thông tin về vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TPHCM).

Theo đó, Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Quận 12 cấp Giấy phép hoạt động số 917/GPHĐ ngày 07/7/2023 do bà Giáp Thị Sông Hương (sinh năm 1974, địa chỉ thường trú: 94/1053D đường số 20, Phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM) đại diện pháp luật.

Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng được thành lập với chức năng trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang với số lượng không quá 39 trẻ.

Các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng được chuyển tới Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp trong chiều nay. Ảnh: Diệu Bình.

Các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng được chuyển tới Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp trong chiều nay. Ảnh: Diệu Bình.

Sau khi nhận được thông tin về hành vi bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cử tổ công tác gồm: Phòng Bảo trợ xã hội, Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Quận 12 đến Mái ấm Hoa Hồng để xác minh trực tiếp tại cở sở.

Thời điểm kiểm tra, tổ công tác ghi nhận có 85 trẻ đang có mặt tại mái ấm. Trong đó, 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi; 36 trẻ từ 12 – 36 tháng tuổi; 30 trẻ từ 36 – 72 tháng tuổi (đang đi học tại trường mầm non Sóc Bông, số 18F đường Quán Tre, khu phố 1, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12); 3 trẻ từ 6-12 tuổi; 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện, cùng 15 nhân viên đang làm việc.

Qua buổi làm việc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM đề nghị UBND Quận 12 và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Quận 12 khẩn trương chỉ đạo Phòng Cảnh sát Điều tra Công an Quận 12 phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thụ lý, điều tra, xác minh, làm rõ những người có liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng để sớm đưa vụ việc ra khởi tố, xét xử theo quy định pháp luật.

Đồng thời, đề nghị UBND Quận 12 phối hợp với các đơn vị nghiên cứu đưa vụ án ra xét xử lưu động, công khai vì đây là vụ việc có tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em nhằm ngăn chặn các hành vi bạo hành trẻ em tái diễn.

Chỉ đạo các phòng, ban của quận phối hợp với Phòng Bảo trợ xã hội, Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới và các đơn vị liên quan hoàn tất thủ tục, hồ sơ tiếp nhận trẻ em Mái ấm Hoa Hồng vào các cơ sở bảo trợ xã hội của sở để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng được các cán bộ chuyển tới Trung tâm bảo trợ trẻ em chiều nay (4/9). Ảnh: Diệu Bình.

Các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng được các cán bộ chuyển tới Trung tâm bảo trợ trẻ em chiều nay (4/9). Ảnh: Diệu Bình.

Trường hợp trẻ em có cha, mẹ, người nuôi dưỡng thì hướng dẫn gia đình tiếp nhận trẻ về gia đình và chỉ đạo các cơ sở tiếp nhận vào học, đảm bảo trẻ được tiếp tục học và chăm sóc tốt nhất.

Các đơn vị và cá nhân liên quan làm rõ trách nhiệm trong công tác thẩm định, cấp phép hoạt động và giám sát hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng; làm rõ trách nhiệm của đơn vị và cá nhân liên quan trong việc triển khai, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cũng đề nghị Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cử Chi hội Luật sư phối hợp với các đơn vị Quận 12 có kế hoạch để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em và gia đình trẻ (nếu có). Đồng thời, phối hợp với Phòng, ban Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đồng hành với các đơn vị đề xuất, kiến nghị xử lý vụ việc đúng người, đúng tội.

Yêu cầu Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự và các nguồn lực khẩn trương tiếp nhận trẻ về chăm sóc nuôi dưỡng.

Các trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng đã được chuyển tới các cơ sở chăm sóc công lập.

Các trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng đã được chuyển tới các cơ sở chăm sóc công lập.

Hiện nay 15 trẻ sơ sinh đã được chuyển về Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình; 34 trẻ được chuyển về Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp; 37 trẻ được chuyển về Làng Thiếu niên Thủ Đức.

Từ vụ việc trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã yêu cầu tiến hành rà soát, thanh kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em công lập và ngoài công lập trên địa bàn TPHCM bảo đảm theo đúng quy định của Chính phủ về chăm sóc thay thế, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Như Báo Sức khỏe và Đời sống đã thông tin trước đó, các bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng đã có hành vi bạo hành đối với những trẻ đang được chăm sóc tại đây. Cụ thể, bảo mẫu Tuyền, Cẩm, Ba... đã liên tục sử dụng tay và các vật dụng khác như chổi, lược, đũa, cây lau nhà để đánh các trẻ. Thậm chí, những người này đã nhấc bổng trẻ lên cao và thả trẻ xuống nệm...

Phạm Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-bao-hanh-tre-o-mai-am-hoa-hong-xem-xet-nhanh-chongkhoi-to-dua-vu-an-ra-xet-xu-luu-dong-16924090418332925.htm