Vụ bắt 82 đối tượng trong 'động quỷ' chuyên gọi điện lừa tiền: Nhiều nạn nhân đến trình báo
Sau 3 ngày công an triệt xóa thành công đường dây lừa đảo tiền của người dân bằng công nghệ cao tại địa chỉ 48 Trần Quang Quá (P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú), đã có hàng chục nạn nhân tại TPHCM liên hệ với Cơ quan CSĐT CAQ.Tân Phú để trình báo.
“Chúng đóng kịch quá đạt...”
Đó là lời chia sẻ của ông T. (ngụ Q.Tân Bình), một nạn nhân rơi vào chiếc bẫy lừa do Nguyễn Hồng Thạch và đồng bọn giăng ra. Theo dõi thông tin về chuyên án triệt phá đường dây lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng TP Bank trên Chuyên đề Công an TPHCM, ông đã cất công tìm tới CAQ.Tân Phú để thực hiện việc tố giác tội phạm.
Tâm sự với phóng viên, ông T. bộc bạch: “Các đối tượng lừa đảo đóng vai làm các nhân viên kinh doanh, nhân viên tư vấn của ngân hàng giống như thật. Chúng còn dày công chuẩn bị kịch bản, và làm giả chứng từ hồ sơ, thẻ ngân hàng quá tinh vi làm tôi dù không muốn cũng phải tin”.
Theo ông T. cách đây không lâu, vì kẹt vốn làm ăn, ông tìm thông tin vay vốn trên các trang mạng xã hội (MXH) và phát hiện thông tin về nhóm đối tượng của Thạch. Người đàn ông ngụ Q.Tân Bình được một đối tượng tên Tuấn gọi điện thoại tới để tư vấn cho một khoản vay 60 triệu đồng cùng cam kết “vay không lãi suất”.
Quá trình trao đổi qua điện thoại với ông T, đối tượng tên Tuấn trong vai của một nhân viên tư vấn đã diễn xuất quá đạt, vẽ ra các bước thẩm định, cung cấp thông tin như một chuyên viên thực thụ.
“Sau khi tôi cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân, chúng yêu cầu tôi đến một bưu cục trên địa bàn Q.10 để nhận hồ sơ và thẻ ngân hàng. Tuấn nói theo quy định của ngân hàng, nếu muốn giải ngân thì phải chuyển khoản số tiền hơn 3 triệu đồng. Số tiền này được chúng thông báo là tiền bảo hiểm khoản vay” – ông T. thuật lại.
Do các đối tượng yêu cầu ông T. đóng số tiền hơn 3 triệu đồng cho nhân viên thu hộ tiền của bưu cục nên đã thành công đánh lừa được nạn nhân. Tuy nhiên, đóng xong phí bảo hiểm, một đối tượng khác tự xưng nhân viên thẩm định lại tiếp tục gọi đến với và tiến hành các bước thẩm định hệt như một người làm trong ngân hàng… “xịn”!
Sau hơn 30 phút hỏi rất nhiều nội dung, đối tượng này thông báo, nạn nhân hiện đang nằm trong danh sách nợ xấu và nếu muốn xóa nợ xấu buộc phải đóng số tiền hơn 2 triệu đồng.
Tưởng là thật, ông T. lại tiếp tục rót tiền cho chúng thông qua dịch vụ thu hộ của bưu cục và chuyển thêm gần 1 triệu đồng vào một số tài khoản cá nhân với mục đích bồi dưỡng cho các đối tượng thẩm duyệt hồ sơ để sớm nhận được tiền vay.
Tổng số tiền mà nạn nhân chuyển vào túi của các đối tượng lên đến gần 10 triệu đồng. Hoàn tất mọi thủ tục, ông T. được Tuấn cung cấp một dòng mật khẩu để kích hoạt thẻ, tuy nhiên khi cắm chiếc thẻ ngân hàng này vào ATM, "khổ chủ" mới tá hỏa phát hiện đây, chỉ là một chiếc thẻ giả và toàn bộ những gì mình vừa trải qua thực tế là một vở kịch được dàn dựng quá hoàn hảo.
Tại cơ quan công an, ông T. đã cung cấp toàn bộ những chứng cứ mà mình còn lưu giữ để phục vụ công tác điều tra. Qua Chuyên đề Công an TPHCM, nạn nhân mong muốn lấy vụ việc mà mình vừa trải qua làm bài học cảnh báo cho cộng đồng.
“Tôi mong muốn Chuyên đề Công an TPHCM sẽ sử dụng câu chuyện mà tôi là nhân vật chính để cảnh báo rộng rãi trong cộng đồng. Thủ đoạn phạm tội của kẻ xấu ngày một tinh vi và xảo quyệt nên người dân cần cẩn trọng hơn nữa khi nhận được những lời mời chào từ người lạ” – ông T. nói.
Theo đại diện CAQ.Tân Phú cho biết, tới thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã làm việc với hơn 20 trường hợp là nạn nhân của đường dây do Thạch cầm đầu. CAQ.Tân Phú cũng nhận định, số lượng bị hại trong vụ việc này sẽ còn tăng thêm trong những ngày tới.
“Thông qua Chuyên đề Công an TPHCM, chúng tôi kêu gọi các nạn nhân của đường dây lừa đảo, đóng giả nhân viên ngân hàng TP Bank cho vay tiền sớm liên hệ CAQ.Tân Phú để trình báo cũng như được sự trợ giúp từ lực lượng chức năng” – đại diện CAQ.Tân Phú thông tin
Phụ huynh bàng hoàng khi hay tin
Cũng trong ngày 30-9, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã có mặt tại địa chỉ 48 Trần Quang Quá (P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú). Ghi nhận trong buổi sáng cùng ngày, có rất nhiều thân nhân của các “chuyên viên” trong đường dây lừa đảo của Thạch tìm đến để làm các thủ tục bảo lãnh con, em.
Trao đổi với phóng viên, ông D. (quê Bến Tre), là phụ huynh của một “chuyên viên” lừa đảo trong đường dây này cho biết, vì hoàn cảnh khó khăn nên con trai của ông đã sớm lên TPHCM tìm việc. Tuy nhiên, gia đình không hay biết con mình thật sự làm việc ở đâu.
“Tôi nhiều lần hỏi thăm con làm việc ở công ty nào để cha, mẹ biết mà an tâm. Nó chỉ nói với tôi con làm nhân viên kinh doanh văn phòng, làm việc ở văn phòng máy lạnh thu nhập tốt” – ông D. rưng rưng kể lại.
Việc làm có thu nhập tốt, ngồi điều hòa mát lạnh mà con trai ông D. nói chính là một "mắt xích" quan trọng trong đường dây lừa đảo công nghệ cao của Nguyễn Hồng Thạch. Ông D. chỉ biết gửi lời xin lỗi gia đình các nạn nhân của đường dây này khi trót tin những gì con mình tư vấn mà… mất của.
Tương tự với hoàn cảnh ông D. , bà Kim H. (quê Bến Tre), mẹ của một nữ nhân viên trong đường dây này không giấu được sự bàng hoàng. Từ lúc đón nhận thông báo của lực lượng CAQ.Tân Phú, bà đã khóc cạn nước mắt.
Theo bà H. , gia đình của người này ở Bến Tre không thuộc diện khá giả. Từ nhỏ, con gái bà đã phải sống trong cảnh thiếu thốn tình thương. Vì thương mẹ khó khăn, con gái đã sớm tìm đường lên TPHCM mưu sinh. Người này cho biết, hiện đang làm nhân viên bán quần áo cho một shop thời trang với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Nghe con gái tâm sự, bà H. cũng an lòng!
Giờ phút gặp lại con tại TPHCM, bà H. đã không thể nói thành lời. “Tôi chỉ mong muốn công an xem xét mà cho cháu có cơ hội làm lại cuộc đời. Để con xảy ra nông nỗi này, một phần lỗi đến từ gia đình khi không quan tâm và bảo ban con cái thật tốt” – bà H. bộc bạch.
Trong 3 ngày vừa qua, Cơ quan CSĐT CAQ.Tân Phú đã mời gọi phụ huynh, thân nhân của 82 “chuyên viên” trong đường dây lừa đảo này lên làm việc, cung cấp thông tin. Đa phần, các trường hợp này đều ở cách xa TPHCM, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi hay biết con nhận được “việc nhẹ lương cao” nên gần như không quan tâm suy xét.
Như thông tin mà Chuyên đề Công an TPHCM đã đăng, chuyên án triệt xóa đường dây lừa đảo kín kẽ, tinh vi bằng công nghệ cao của Nguyễn Hồng Thạch cầm đầu do CAQ.Tân Phú phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP.
Trong vụ việc này, cơ quan điều tra xác định, có rất nhiều bị hại trên địa bàn cả nước, riêng số lượng bị hại trên địa bàn TPHCM (khoảng 600 người). Tổng số tiền bị chiếm đoạt ban đầu do đối tượng khai nhận hơn 1 tỷ đồng.