Vụ bắt giữ 380 người Trung Quốc: Buông lỏng quản lý người nước ngoài
Những ngày qua, vụ việc Bộ Công an phối hợp cùng Công an TP Hải Phòng triệt phá đường dây đánh bạc quốc tế qua mạng ở khu đô thị Our City (phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng), bắt giữ 380 người Trung Quốc tổ chức vận hành các thiết bị đánh bạc đã thu hút sự quan tâm, lo ngại của người dân.
Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng công an phát hiện bọn tội phạm người nước ngoài lấy Hải Phòng làm "sào huyệt" để tiến hành các hoạt động phạm tội "từ xa" với nước của họ.
Cách đây không lâu, cũng tại quận Dương Kinh, công an bắt giữ hơn 40 người Trung Quốc và người Đài Loan thực hiện các cuộc gọi về Trung Quốc, thoại mạo danh cơ quan Công an, VKS của nước bạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Trung Quốc.
Vào tháng 6-2019, tại một số căn hộ thuộc một chung cư ở TP Hạ Long, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an bắt giữ 22 người Trung Quốc sử dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi tổ chức đánh bạc qua mạng và trộm cắp cước viễn thông.
Theo báo cáo của Công an TP Hải Phòng, trong thời gian từ năm 2013 đến nay, cơ quan công an đã kiểm tra, phát hiện và xử lý khoảng 400 vụ việc người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.
Ngoài việc lấy Hải Phòng làm "đại bản doanh" để tiến hành các hoạt động phạm tội, một số băng nhóm tội phạm người Trung Quốc còn gây án ngay tại Việt Nam mà bị hại là các doanh nghiệp (DN), tổ chức và người dân.
Điển hình, Công an TP Hải Phòng đã bắt giữ 4 người Trung Quốc thuê khách sạn Lạc Long (đường Bạch Đằng, quận Hồng Bàng) để thực hiện hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả rút tiền tại các ngân hàng trên địa bàn với số tiền gần 4 tỉ đồng; 5 người Trung Quốc tổ chức sản xuất và nhập lậu CD, VCD, DVD có nội dung đồi trụy ngay tại trụ sở của 1 DN do người Trung Quốc làm chủ đầu tư.
Riêng 380 người Trung Quốc ở khu đô thị Our City, trước khi bị bắt giữ, hầu hết trong số này đã "cắm chốt" trái phép ở đây trong một thời gian dài nhưng chính quyền cơ sở không hề hay biết và chưa một lần kiểm tra. Điều này cho thấy có sự buông lỏng quản lý của địa phương, có kẽ hở để tội phạm người nước ngoài lợi dụng.
Về việc này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND phường Hải Thành, nói rằng chỉ đến khi đường dây vận hành hệ thống đánh bạc tại đây bị triệt phá, chính quyền địa phương mới nhận được thông tin có 27 người quốc tịch Trung Quốc đăng ký tạm trú. Còn nhiều năm nay, công tác quản lý khu đô thị Our City thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng cấp TP.
Còn theo giải thích của một lãnh đạo Công an phường Hải Thành, công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại khu đô thị Our City gặp nhiều khó khăn, phức tạp, do có nhiều đầu mối cùng tham gia, như Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, Công an TP, Sở Ngoại vụ... Trong khi đó, người nước ngoài sinh sống trên địa bàn phường nhưng chính quyền, công an khu vực, tổ dân phố không nắm rõ họ là ai, ở đến khi nào và đến để làm việc gì. Việc khai báo thông tin DN thực hiện trên môi trường mạng, trực tiếp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, tạo nhiều thuận lợi đối với DN nhưng gây khó đối với an ninh cơ sở.
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng, cũng thừa nhận công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Theo ông Ca, Our City là dự án 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, cơ quan chức năng trong nước rất khó khăn để vào bên trong.
Di lý 380 đối tượng về Trung Quốc bằng đường bộ
Công an TP Hải Phòng cho biết dự kiến trong hôm nay (31-7) sẽ tiến hành các thủ tục để bàn giao 380 người Trung Quốc cho công an nước bạn. Theo hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Trung Quốc, vụ án này sẽ thuộc thẩm quyền điều tra mở rộng, xử lý cuối cùng của Công an Trung Quốc. Cơ quan chức năng Trung Quốc xác định các đối tượng cầm đầu trong băng tội phạm công nghệ cao này đang ở nước ngoài.