Vụ bắt tàu chở dầu Grace 1: Khoét sâu rạn nứt giữa Mỹ và đồng minh
Ngày càng có nhiều đồng minh quay lưng lại với Mỹ, trong đó có cả những đồng minh được xem là thân cận nhất như Anh.
Số phận của Grace 1 vẫn là một dấu hỏi lớn sau khi Mỹ công bố lệnh bắt giữ bất chấp phán quyết của Tòa án tối cao vùng Gibraltar thả tự do cho con tàu.
Tàu chở dầu Grace 1 của Iran bị chính quyền vùng Gibraltar của Anh bắt giữa hồi đầu tháng 7/2019 đang trở thành minh chứng mới nhất trong cuộc khủng hoảng ngoại giao ngày càng sâu sắc giữa Iran và Mỹ. Số phận của Grace 1 vẫn là một dấu hỏi lớn sau khi chính quyền Mỹ công bố lệnh bắt giữ bất chấp phán quyết của Tòa án tối cao vùng Gibraltar thả tự do cho con tàu.
Cả Chính phủ Anh và chính quyền vùng Gibraltar tới nay đều chưa có phản ứng về lệnh bắt giữ đưa ra hôm 16/8 của Bộ Tư pháp Mỹ đối với tàu Grace 1 của Iran. Trong một thông cáo, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định, tàu chở dầu này được sử dụng cho hoạt động buôn bán bất hợp pháp sang Syria và dưới sự chỉ đạo của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nằm danh sách đen các tổ chức khủng bố nước ngoài của Mỹ.
Hiện không rõ liệu chính quyền Mỹ đã yêu cầu Gibraltar thực hiện lệnh bắt giữ này hay chưa, trong khi Iran đã tiến hành đổi cờ và tên của con tàu, đồng thời cử đoàn thủy thủ mới tới tiếp quản việc đưa con tàu này rời cảng Gibraltar. Theo thông lệ, lệnh bắt giữ phải được Tòa án tối cao Gibraltar phát hành, tuy nhiên trường hợp này lại không phải như vậy. Và vì thế, tàu Grace 1 vẫn có thể tự do rời cảng.
Thủ hiến vùng Gibraltar Fabian Picardo nhấn mạnh: “Trước những đảm bảo mà chúng tôi nhận được, không có lý do gì để tiếp tục giữ tàu Grace 1 ở Gibraltar lâu hơn. Đối với yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành một thủ tục pháp lý mới cho việc bắt giữ tàu, tôi xin khẳng định, đây là vấn đề thuộc về các cơ quan hỗ trợ pháp lý tương lỗ độc lập. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm đưa ra quyết định pháp lý khách quan về yêu cầu này”.
Việc Mỹ bất ngờ ra lệnh bắt giữ tàu Grace 1 bất chấp phán quyết đưa ra trước đó của Anh cho thấy sự sốt ruột ngày càng tăng của nước này khi chiến thuật gây sức ép tối đa với Iran đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Ngày càng có nhiều đồng minh quay lưng lại với Mỹ, trong đó có cả những đồng minh được xem là thân cận nhất như Anh.
Bị chính quyền Gibraltar bắt giữ hôm 4/7 vừa qua, Grace 1 bị nghi ngờ vận chuyển trái phép 2, 1 triệu thùng dầu sang Syria, vi phạm lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu. Iran bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc và 2 tuần sau đó đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh trên eo biển Hormuz, với cáo buộc vi phạm các quy định hàng hải quốc tế. Chính phủ Gibraltar hồi giữa tuần thông báo đã nhận được cam kết bằng văn bản của Iran không chuyển số dầu này cho Syria và Tòa án tối cao vùng lãnh thổ thuộc Anh nằm ở cực Nam Tây Ban Nha này đã quyết định thu hồi lệnh tạm giữ đối với con tàu. Phía Iran đã bác bỏ mạnh mẽ tuyên bố và khẳng định chiến thắng này đạt được mà không cần bất kỳ nhượng bộ nào.
Chính quyền Gibraltar ngay lập tức tìm cách khỏa lấp khi ra tuyên bố mới với một số thay đổi về từ ngữ, theo đó, nước Cộng hòa Hồi giáo đã cam kết không đưa tàu chở dầu tới những quốc gia đang chịu trừng phạt của Liên minh châu Âu ví dụ như Syria.
Tuy nhiên, số phận tàu Grace 1 vẫn còn là dấu hỏi, bởi lập trường của Anh tới nay vẫn là chưa rõ ràng. Bản thân chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson vẫn rất cần Mỹ để có thể kết thúc tiến trình Brexit đầy trắc trở./.