Vụ bé 3 tuổi tử vong vì kẹt đầu khi chơi cầu trượt: Mọi sai sót đừng đổ hết lỗi cho giáo viên!
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng: 'Vụ bé trai 3 tuổi tại trường mầm non Phù Lỗ (Sóc Sơn) tử vong do bị kẹt đầu trong lúc chơi cầu trượt không thể đổ lỗi cho giáo viên hết mà cần nhìn lại quy trình quản lý cũng như phía nhà sản xuất cầu trượt…'.
Sự việc bé trai 3 tuổi tử vong khi chơi cầu trượt tại trường mầm non ở Hà Nội khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng, lo lắng. Theo thông tin, sau khi bé bị kẹt đầu vào ô tròn của cầu trượt, bé trai đã gào khóc, giãy giụa nhưng không ai phát hiện. Đến khi cô giáo phát hiện thì đã quá muộn.
Từ đây, nhiều phụ huynh bắt đầu lo lắng về an toàn trong trường học cũng như có nên dạy con những kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho biết: “Theo tôi, lỗi trong việc này không hẳn ở giáo viên mà còn liên quan đến nhiều cấp ngành, ngay cả nhà sản xuất ra chiếc cầu trượt. Nhà sản xuất đã làm ra chiếc cầu trượt không an toàn cho trẻ.
Ban giám hiệu cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không kiểm tra dụng cụ học tập, vui chơi cho trẻ. Lẽ ra, các trường nên có quy chuẩn, rào cản để kiểm duyệt đồ dùng khi đưa vào trường học. Mọi sai lầm đổ hết cho giáo viên là không đúng mà lỗi từ quy trình, cơ chế, quản lý và nhà sản xuất”.
Cũng theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, các trường nên dạy trẻ từ khi trẻ có ý thức về cách thoát hiểm và bảo vệ bản thân mình. Thậm chí, tuần lễ đầu khi trẻ vào trong trường thì chỉ nên dạy trẻ về cách an toàn, con nên làm gì, không nên làm gì và tại sao? Luyện tập cho trẻ khi có hiệu lệnh cháy thì nên như thế nào, khi bạn bị đau thì nên làm gì?
Cả một tuần lễ liên tục chỉ dạy những điều đó và tất cả các trường từ mầm non trở lên phải có những tiêu chuẩn an toàn riêng. Có quy trình và chế tài chặt chẽ thì trẻ sẽ giảm bớt những thiệt hại, rủi ro đối với bản thân trẻ.
Cùng chia sẻ với PV, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho hay: “Theo tôi, hiện nay vấn đề an toàn trường học chưa có tiêu chí đúng và chuẩn. Càng những trường có trẻ nhỏ như mầm non, tiểu học thì cần hết sức an toàn. Ví dụ, nhà trường cần thường xuyên kiểm tra an toàn từ lan can, cho đến cầu thang, lớp học, nhà vệ sinh… Ban giám hiệu nhà trường cần kiểm tra mọi lúc, mọi nơi, phân công cụ thể từng người có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho học sinh. Sau đó, chính bản thân giáo viên cũng cần trau dồi kinh nghiệm, tự học hỏi những kiến thức để dạy trẻ nhỏ về cách tự bảo vệ mình”.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm, nhà trường đảm bảo sự an toàn cho trẻ, sau đó mới giáo dục, phân tích cho học sinh tự bảo vệ bản thân mình. Và cuối cùng, từng gia đình tùy theo độ tuổi con em mình để dặn dò, hướng dẫn con những điều cần thiết khi đến trường lớp. Đặc biệt, đối với những trẻ hiếu động, nghịch ngợm thì cha mẹ cũng nên chú ý đến con hơn để tránh những rủi ro học đường.
Trước đó, trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ lúc phát hiện sự việc, phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn, nhà trường đã phối hợp đưa cháu đi cấp cứu. Đến đêm 25/11, sau khi cháu qua đời, đại diện sở GD&ĐT Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn, phòng GD&ĐT Sóc Sơn cũng đã trực tiếp về động viên, thăm hỏi gia đình.