Vụ bê bối đăng kiểm: Thống nhất chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng
Thống nhất chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng có liên quan trong các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm để có cơ chế phân hóa, phân loại xử lý thống nhất, đồng bộ, áp dụng trên toàn quốc.
Tại họp báo thông tin kết quả cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực diễn ra chiều 10/5, báo chí đặt câu hỏi xung quanh tiến độ điều tra, xử lý vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm một số địa phương.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, vi phạm, sai phạm là có thật và việc này liên quan trực tiếp tới Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT). Vi phạm, sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, hành vi diễn ra liên tục liên quan tới nhiều người, nhiều cấp khác nhau.
“Giá trị tiêu cực tính bằng tiền không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội là vô cùng lớn. Hàng năm, tai nạn giao thông ở nước ta làm mất hàng nghìn người, mặc dù không quy chụp, nhưng rõ ràng, trong đó có lỗi của đăng kiểm”, ông Nguyễn Văn Yên đồng thời nhấn mạnh, việc có sai, gây hậu quả cho xã hội thì phải xử lý. Nhưng việc xử lý như thế nào để không ảnh hưởng tới việc đăng kiểm các phương tiện giao thông của tổ chức, người dân và không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường trong lưu thông và phát triển kinh tế xã hội là vấn đề được đặt ra.
Từ đó, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương giao các cơ quan chức năng bàn bạc, có giải pháp xử lý phù hợp nhất. Cụ thể, thống nhất chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng có liên quan trong các vụ án để có cơ chế phân hóa, phân loại xử lý thống nhất, đồng bộ, áp dụng trên toàn quốc. Bảo đảm người cần xử lý thì phải xử, người chưa đến mức xử lý hình sự thì phân hóa bằng biện pháp khác.
Tạo điều kiện để các kiểm định viên - những người làm công hưởng lương, phụ thuộc, không chủ động, không cố ý để hưởng lợi, tạo điều kiện để lực lượng này thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm.
Thường trực Ban Chỉ đạo đã giao các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan chủ trì, nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế này.
“Về nguyên tắc, có tội thì phải xử lý. Sai đến đâu xử lý đến đó, nhưng có cơ chế phân hóa để sớm xử lý thỏa đáng, ổn định tình hình”, ông Nguyễn Văn Nêu cho biết./.