Vụ bé gái 2 tuổi bị cô giáo đánh: Giáo viên và chủ cơ sở sẽ bị xử lý như thế nào?
Vụ bé gái 2 tuổi ở Quốc Oai bị cô giáo bạo hành, theo Luật sư, trong trường hợp cháu bé có thương tích thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích. Cần xem xét về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục này.
Liên quan đến vụ bé gái 2 tuổi ở Quốc Oai bị cô giáo hành hung, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên ban chấp hành, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nêu quan điểm: “Những gì diễn ra qua clip cho thấy hành vi của bảo mẫu này là đáng lên án, đây là hành vi bạo hành, có thể dẫn đến sang chấn tâm lý.
Thậm chí có thể gây ra thương tích cho cháu bé, bởi vậy cơ quan chức năng cần đình chỉ công tác và xác minh làm rõ nguyên nhân, hậu quả của sự việc để xử lý theo quy định của pháp luật”.
“Trong trường hợp cháu bé có thương tích thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích. Trường hợp không đủ căn cứ xử lý về tội cố ý gây thương tích, nhưng có căn cứ cho thấy hành vi là đối xử tàn ác với học sinh, thì cũng có thể xử lý hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định của bộ luật hình sự” - Luật sư Cường nhận định.
Cũng theo vị Luật sư này, nội dung clip thể hiện giáo viên đã tát nhiều cái vào mặt cháu bé còn rất nhỏ tuổi, những cú tát mạnh đã khiến cháu bé khóc thét lên đau đớn.
Đây là hành vi phản giáo dục, có tính chất côn đồ, có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe cho trẻ em. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh đối với cô giáo này.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần làm rõ giáo viên này có đủ điều kiện để được tham gia dạy học ở cơ sở giáo dục này không? Đồng thời, làm rõ cơ sở giáo dục công lập hay dân lập, hoạt động quản lý ở cơ sở này được thực hiện như thế nào?
Nếu phát hiện ra sai phạm trong công tác quản lý hoạt động giáo dục không đảm bảo an toàn thì cần đình chỉ công tác đối với giáo viên này, đồng thời có thể đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục nếu như việc tiếp tục hoạt động của cơ sở giáo dục có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Làm nghề giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học là ngành đặc biệt, người tham gia hoạt động nghề nghiệp này phải được đào tạo, có đạo đức, có kỹ năng, chuyên môn phù hợp và đặc biệt là phải có lòng yêu trẻ, coi học sinh như những đứa con của mình thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với các cơ sở giáo dục công lập thì thường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, cán bộ lãnh đạo của cơ sở giáo dục và giáo viên được lựa chọn theo tiêu chí, tiêu chuẩn, được bồi dưỡng huấn luyện thường xuyên nên tình trạng bạo lực học đường ít xảy ra hơn đối với các cơ sở tư thục.
Về việc cơ sở trông trẻ này không được các cấp có thẩm quyền cấp phép, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm: “Do nhu cầu trông giữ trẻ tăng cao, công tác quản lý hoạt động giáo dục tư thục ở nhiều địa phương còn chưa sát sao, thiếu chặt chẽ dẫn đến xuất hiện các cơ sở giáo dục chui, không đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn mở trường, mở lớp đón trẻ để trông giữ.
Không ít những trường hợp bạo hành trẻ em dẫn đến trẻ em thương tích, thậm chí thiệt mạng đã xảy ra tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có giấy phép.
Khi những sự việc xảy ra như vậy, việc đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục là cần thiết. Đồng thời, xem xét trách nhiệm không chỉ đối với giáo viên đã thực hiện hành vi bạo hành với trẻ mà còn xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục này”.
“Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giáo dục ở địa phương này, làm rõ cơ sở giáo dục nghề đã hoạt động từ bao giờ, giấy phép hoạt động, điều kiện hoạt động và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở này như thế nào.
Trong trường hợp thực hiện hoạt động giáo dục không có giấy phép, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì không chỉ xử lý hình sự đối với giáo viên bảo hành mà còn xem xét về hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục này” - Luật sư Cường nhẫn mạnh.
Như Gia đình và Xã hội đã thông tin, mới đây một một nữ giáo viên tại trung tâm giáo dục hòa nhập BTX ở Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội liên tục dùng tay tát vào một bé gái 2 tuổi.
Theo hình ảnh camera được gia đình cung cấp, hình ảnh cô giáo và cháu N đang ngồi học, tay cô T có cầm điện thoại. Sau đó, cô T đặt điện thoại xuống và dùng tay tác động vào mặt và liên tục đấm cháu N. Cháu N gào khóc trong vô vọng. Lúc đánh xong vị giáo viên này đứng dậy và bế cháu N đi vào một phòng khác.
Theo gia đình nạn nhân từ hôm xảy ra sự việc tới nay, cháu N luôn hoảng loạn, sợ sệt, bố mẹ phải thay nhau bế cả đêm con mới dám ngủ. Sự việc xảy ra khiến cuộc sống gia đình bị đảo lộn.
Hiện sự việc đang được Công an huyện Quốc Oai thực hiện điều tra.
Video: Bé gái 2 tuổi bị cô giáo tát liên tiếp vào mặt gây phẫn nộ