Vụ bé gái 8 tuổi chết do bị bạo hành: Người bố đồng phạm giúp sức sẽ bị xử lý ra sao?

Liên quan đến vụ bé 8 tuổi tử vong do bị bạo hành, mới đây, CAQ Bình Thạnh, TP. HCM đã bắt khẩn cấp bố ruột cháu bé với vai trò đồng phạm, giúp sức đối tượng có hành vi bạo hành.

Đối tượng bị bắt khẩn cấp trong vụ cháu bé 8 tuổi tử vong là ông Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ở quận 1) do có hành vi đồng phạm giúp sức Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1996, quê Gia Lai) hành hạ chính con gái ruột của mình.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Hạnh (mẹ ruột bé N.T.V.A) và cậu ruột bé đã có đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM và VKSND TP. HCM yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Kim Trung Thái.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong vụ việc khiến cháu bé 8 tuổi tử vong có 2 tình huống: Bé bị bạo hành nhưng nguyên nhân tử vong không phải vì bị đánh đập hoặc Bé bị bạo hành mà nguyên nhân tử vong do vết thương mà đối tượng Trang gây ra.

Bố cháu bé 8 tuổi và người phụ nữ chung sống cùng có hành vi bạo hành trẻ

Bố cháu bé 8 tuổi và người phụ nữ chung sống cùng có hành vi bạo hành trẻ

Nếu có đủ căn cứ xác định bé A có dấu hiệu bị đánh đập, hành hạ, song nguyên nhân tử vong không phải do việc bạo hành gây ra thì việc cơ quan điều tra khởi tố Trang về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS 2015 là đúng người, đúng tội.

Còn nếu có căn cứ xác định bé A bị hành hung dẫn tới tử vong, cơ quan chức năng có thể thay đổi tội danh, truy cứu trách nhiệm hình sự bị can Trang về các tội nặng hơn đó là Cố ý gây thương tích hoặc Giết người.

Việc xác định chính xác hành vi của Trang sẽ là một trọng những căn cứ để xử lý đối với Nguyễn Kim Trung Thái – đối tượng có hành vi đồng phạm giúp sức.

Nếu có đủ bằng chứng cho thấy Thái đã thông đồng, giúp sức, tiếp tay cho Trang thực hiện hành vi của mình thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương tự với vai trò giúp sức tích cực cho bị can.

Trường hợp có căn cứ xác định bố ruột cháu bé biết hành vi phạm tội của Trang, thấy con mình đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả chết người thì có thể bị xử lý về tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 BLHS 2015.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, việc Trang đánh đập cháu V.A đã diễn ra nhiều lần, kéo dài nên về mặt đạo đức, khi để con mình bị đánh đập, hành hạ mà ông Thái không có động thái bảo vệ sự an toàn tính mạng, sức khỏe cho con là điều khó có thể chấp nhận được.

Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình đã nêu rõ, cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái mình đến khi trưởng thành. Trong trường hợp ly hôn thì cha dượng, mẹ kế cũng có nghĩa vụ này đối với con riêng của chồng, vợ mình. Pháp luật nghiêm cấm bạo hành trẻ em.

Do đó, để những vụ việc đau lòng tương tự không còn tái diễn cần xử lý nghiêm khắc, thích đáng với những người gây tổn hại về tinh thần, thể xác và tính mạng của trẻ em – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vu-be-gai-8-tuoi-chet-do-bi-bao-hanh-nguoi-bo-dong-pham-giup-suc-se-bi-xu-ly-ra-sao-post491490.antd