Vụ bé gái bị dâm ô tại TT hỗ trợ xã hội TP HCM, PGĐ phản ứng án kỷ luật: Chối trách nhiệm?

Bị kỷ luật cảnh cáo do chưa làm hết trách nhiệm, để viên chức dưới quyền vi phạm pháp luật trong vụ cựu cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội dâm ô hàng loạt bé gái, Phó GĐ Trung tâm Phạm Đình Lương đã phản ứng án kỷ luật này.

Liên quan vụ việc ông Nguyễn Tiến Dũng, cựu cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội TP HCM có hành vi dâm ô nhiều bé gái đã bị khởi tố bắt giam, Sở LĐ,TB&XH TP HCM cũng đã kỷ luật hàng loạt cán bộ.

Cụ thể, theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP HCM cho biết, đã kỷ luật giáng chức đối với bà Võ Thị Thanh Kim, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP HCM.

Ngoài ra, ông Phạm Đình Lương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xã hội nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Ông Lương bị kỷ luật do có vai trò Phó giám đốc phụ trách tham mưu công tác quản lý phòng quản lý hồ sơ - giáo dục tư vấn đã chưa làm hết trách nhiệm, để viên chức dưới quyền vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đến mức bị truy tố hình sự.

 Ông Phạm Đình Lương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Ảnh: BVPL

Ông Phạm Đình Lương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Ảnh: BVPL

Mới đây, ông Phạm Đình Lương đã có đơn khiếu nại đến Giám đốc Sở LĐ,TB&XH để phản đối, không chấp nhận quyết định kỷ luật. Ông Lương cho rằng, bản thân ông không phụ trách và cũng không trực tiếp quản lý viên chức nơi nhân viên Nguyễn Tiến Dũng thực hiện hành vi dâm ô nên ông không liên quan. Hơn nữa, thời gian ông Dũng thực hiện hành vi dâm ô không trùng ca trực với ông Lương và thời điểm công an bắt nhân viên Dũng, ông Lương cũng không còn phụ trách phòng quản lý hồ sơ nữa.

Do đó, ông Lương cho rằng, việc cho rằng ông chưa làm hết vai trò là nhầm lẫn và quá trình xử lý kỷ luật cũng có một số thủ tục chưa đúng quy định.

Đáng chú ý, theo ông Lương, thời điểm xảy ra vụ việc, ông Võ Thanh Quang là phó giám đốc phụ trách khu quản lý đối tượng. Trong khi đó, cuối tháng 11/2019, Sở vẫn giải quyết cho ông Quang nghỉ hưu mà không tạm dừng chế độ hưu để xử lý kỷ luật là không công bằng.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi dâm ô của ông Nguyễn Tiến Dũng, cựu nhân viên trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố Hồ Chí Minh khiến dư luận vô cùng bức xúc, sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân trước các cơ quan bảo vệ trẻ em, cứu trợ xã hội.

Đồng thời, sự việc này cho thấy, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý cán bộ là có vấn đề. Ngoài việc xử lý hình sự với ông Dũng, việc xem xét trách nhiệm quản lý là cần thiết, cần làm rõ lỗ hổng, sai phạm ở đâu để những cán bộ thiếu đạo đức, thiếu chuẩn mực, nhân cách thấp kém như vậy lại thực hiện nhiệm vụ cứu trợ xã hội, bảo vệ trẻ em ?!

Tuy nhiên, theo luật sư Cường, việc xem xét xử lý cán bộ phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cán bộ có liên quan trong vụ việc này. Muốn xử lý kỷ luật, thậm chí, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ có liên quan trong vụ việc này, cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm, làm rõ sai phạm và phải tiến hành các thủ tục kỷ luật cán bộ công chức, kỷ luật viên chức theo đúng quy định của pháp luật.

“Việc xử lý kỷ luật phải đúng thẩm quyền, có căn cứ và theo trình tự, thủ tục luật định. Trong trường hợp người bị xử lý kỷ luật không đồng ý với quyết định kỷ luật thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật”, ông Cường cho hay.

Đồng thời, luật sư Cường cho rằng, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền, có trách nhiệm trong việc quản lý viên chức, quản lý hồ sơ là cần thiết. Tuy nhiên, xử lý cán bộ nào, xử lý ai, căn cứ vào đâu, theo trình tự thủ tục nào là vấn đề mà hội đồng xử lý kỷ luật phải cân nhắc, xem xét và thực hiện đúng các quy định của pháp luật trước khi ban hành quyết định kỷ luật. Tránh trường hợp kỷ luật sai đối tượng, sai thẩm quyền, thiếu căn cứ hoặc không tuân thủ trình tự, thủ tục luật định.

 Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Trong vụ việc này ông Phạm Đình Lương bị xử lý kỷ luật viên chức với hình thức cảnh cáo, người có thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật phải có căn cứ để chứng minh rằng hành vi vi phạm của ông Lương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

“Điều 11 của Nghị định 27/2012/NĐ-CP là căn cứ để ban hành hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với viên chức. Tổ chức nào muốn thực hiện cảnh cáo đối với viên chức thì phải có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 11 nêu trên. Ngoài ra cần phải tuân thủ quy định về thẩm quyền, nội dung, hình thức và trình tự thủ tục tổ chức thực hiện việc kỷ luật viên chức theo quy định pháp luật”, luật sư Cường cho biết.

Theo ông Cường, nếu việc kỷ luật thiếu căn cứ, không đúng thẩm quyền, không đúng nội dung hoặc không tuân trình tự thủ tục luật định thì người bị kỷ luật có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.

Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ bé gái bị dâm ô tại TT hỗ trợ xã hội TP HCM, PGĐ phản ứng án kỷ luật, chối trách nhiệm.

Mời độc giả xem video Vụ nhiều trẻ bị dâm ô: Trách nhiệm Sở LĐ-TB&XH TP HCM:

Nguồn: VTC Now.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vu-be-gai-bi-dam-o-tai-tt-ho-tro-xa-hoi-tp-hcm-pgd-phan-ung-an-ky-luat-choi-trach-nhiem-1327915.html