Vụ bé gái có 9 dị vật trong đầu: Ông nội từng gọi tổng đài cầu cứu

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng sự lên tiếng, tố giác kịp thời của người thân, hàng xóm là rất quan trọng để can thiệp, bảo vệ trẻ em khi có nghi ngờ bị bạo hành.

Trao đổi với Zing chiều 19/1, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, xác nhận tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã nhận cuộc gọi từ ông nội của bé gái có 9 dị vật trong sọ não vào trưa 18/1.

Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em đã liên hệ, kết nối với cơ quan công an, bệnh viện, chính quyền địa phương, cùng vào cuộc, làm rõ vụ việc và hỗ trợ nạn nhân.

Dù vậy, ông Đặng Hoa Nam nói mình thấy tiếc nuối vì thông tin phản ánh đến tổng đài về trường hợp cháu bé này quá muộn.

Thông tin ban đầu từ lịch sử bệnh án và các cơ quan chức năng cho biết bé gái 3 tuổi đã vài lần đi viện với những dấu hiệu rất bất thường nhưng gia đình, người thân không thông báo đến công an, chính quyền cấp xã và tổng đài 111 để có biện pháp can thiệp sớm.

Hình ảnh chụp X-quang hộp sọ của bệnh nhi. Ảnh: Đ.X.

"Vấn đề ở đây vẫn là ý thức, trách nhiệm bảo vệ trẻ em của gia đình, người thân, hàng xóm, cộng đồng dân cư vì những vụ việc trẻ em bị tổn hại ngay trong gia đình luôn rất khó phát hiện để can thiệp kịp thời nếu không có sự lên tiếng, tố giác của thành viên gia đình, người dân xung quanh", ông Nam nói.

Mặt khác, ông Nam cũng nhắc đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí nguồn lực bảo vệ trẻ em. Muốn phòng ngừa xâm hại trẻ em, các địa phương phải có người làm công tác này ở cấp xã, dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp và mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em.

Theo ông Nam, trong quy định của Luật Trẻ em, hệ thống bảo vệ các bé cần phải có ở cấp xã. Đó phải là người có đủ năng lực, thời gian và đặc biệt là kinh nghiệm làm công tác phòng ngừa bạo hành, xâm hại. Về lâu dài, đó phải là nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.

Ngoài nhân lực, chính quyền địa phương cũng phải phân bổ ngân sách để cho hệ thống bảo vệ trẻ em và mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em hoạt động và hoạt động hiệu quả.

Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã rất quan trọng và đã được luật định. Vấn đề cấp bách trước mắt là các địa phương cấp kinh phí, bố trí nhân lực, dịch vụ để triển khai công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại, bạo lực trẻ em.

 Ông Đặng Hoa Nam. Ảnh: Trà My.

Ông Đặng Hoa Nam. Ảnh: Trà My.

Ông Nam khẳng định pháp luật, chính sách Nhà nước về bảo vệ trẻ em đến nay đã khá đồng bộ, trong đó Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em cũng ghi rõ trách nhiệm phòng ngừa, cách ly trẻ em khỏi gia đình và người chăm sóc khi có nguy cơ bị tổn hại.

Trong hội nghị toàn quốc về bảo vệ trẻ em mới đây, Chính phủ có kết luận chỉ đạo về vấn đề này. Quốc hội cũng đã giám sát và có nghị quyết về phòng, chống xâm hại trẻ em. Thủ tướng nhiều lần ra chỉ thị về công tác trẻ em, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo an toàn, phòng chống xâm hại trẻ.

Chiều 17/1, Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội, tiếp nhận cấp cứu bé A. trong tình trạng hôn mê, co giật toàn thân. Quá trình thăm khám, bác sĩ phát hiện cánh tay phải của bé đã được bó bột 2 tuần.

Bé A. được chuyển lên Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu, điều trị. Tại đây, A. được chụp phim X-quang và phát hiện có 9 dị vật trong hộp sọ, hình dạng giống đinh ghim.

Xâu chuỗi lịch sử bệnh án của bé gái và nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, bệnh viện đã trình báo Công an huyện Thạch Thất, UBND huyện Thạch Thất và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội.

Trưa 19/1, Công an huyện Thạch Thất, cho biết đang triệu tập mẹ cháu bé và nhiều người khác lên làm việc.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-be-gai-co-9-di-vat-trong-dau-ong-noi-tung-goi-tong-dai-cau-cuu-post1290781.html