Vụ bé trai 14 tuổi bị thương nặng bàn tay do nổ điện thoại: Cần lưu ý gì để tránh tai nạn đáng tiếc?
GiadinhNet - Chiếc điện thoại bất ngờ phát nổ khi đang sử dụng khiến bé trai 14 tuổi ở Hải Dương phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng dập nát bàn tay trái. Những tai nạn đáng tiếc như vậy có thể tránh được với những lưu ý dưới đây.
Ngày 5/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (14 tuổi, ở Hải Dương) nhập viện trong tình trạng dập bàn tay trái do nổ điện thoại. Tai nạn xảy ra khi người bệnh đang dùng điện thoại, bất ngờ thiết bị này phát nổ.
TS. BS Ngô Thái Hưng, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nam bệnh nhân bị nát bàn tay trái, vết thương dập nát da gan tay, hở lộ khối xương tụ cốt, gãy hở các xương bàn tay. Đầu các ngón tay nuôi dưỡng kém, dập nát 5 ngón, nát hết phần mềm...
Tại bệnh viện, bệnh nhân được các bác sĩ kịp thời phẫu thuật cấp cứu xử lý, cắt lọc vết thương, chỉnh các ngón, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương. Hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo, các ngón tay hồng…
Theo bác sĩ Hưng, các dạng tổn thương này thường phức tạp, ngoài các tổn thương trực tiếp còn các tổn thương do sóng nổ. Do đó, các tổn thương thường có hoại tử thứ phát sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được tiếp tục theo dõi.
TS. BS Ngô Thái Hưng lưu ý, gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn do nổ điện thoại khi chơi điện tử (game) trong thời gian liên tục hoặc vừa sử dụng vừa đang sạc gây cụt chi, bỏng mặt... Do đó, người dân nên cẩn thận trong việc sử dụng điện thoại để tránh những tai nạn đáng tiếc.
Những dấu hiệu cảnh báo điện thoại sắp phát nổ
Điện thoại nóng sau khi rơi hoặc va chạm
Điện thoại sau khi bị rơi hoặc va chạm không chỉ ảnh hưởng đến vỏ hoặc màn hình của máy, mà còn có thể làm hỏng các bộ phận bên trong dẫn tới tình trạng phát nổ rất nguy hiểm.
Điện thoại nóng hơn trong khi sạc
Nhiều người sạc điện thoại trên đệm khiến cho nhiệt tích tụ không thoát ra được gây nóng máy, hoặc vừa sạc vừa dùng cũng có thể khiến điện thoại phát nổ. Lý do là khi pin tiếp xúc với dòng điện sẽ làm tăng áp lực lên bề mặt vỏ pin, khi đạt đến 1 nồng độ nhất định sẽ phát sinh cháy nổ.
Điện thoại bị nóng, phồng pin
Trong quá trình sử dụng điện thoại chất lượng pin sẽ kém dần theo thời gian. Đặc biệt với những người thường xuyên sạc pin qua đêm, hoặc vừa chơi điện thoại vừa sặc thì tỷ lệ hao pin chai pin càng nhanh. Khi pin chất lượng kém sẽ dễ dàng làm nóng, làm điện thoại chạy chậm hơn bình thường và gây phồng pin, xảy ra cháy nổ.
Điện thoại sạc pin chậm, lâu đầy
Nếu phát hiện thấy điện thoại sạc rất lâu rồi nhưng pin vẫn chưa đầy bạn cần cảnh giác. Tình trạng kéo dài có thể khiến điện thoại nổ nhanh chóng.
Những lưu ý khi sử dụng điện thoại di động
- Nên sử dụng điện thoại, củ sạc, dây sạc chính hãng.
- Dừng sạc pin và sử dụng điện thoại nếu thiết bị quá nóng.
- Không nên sử dụng điện thoại di động khi đang cắm sạc và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Tốt nhất, bạn nên rút sạc pin trước khi chạm vào điện thoại để trả lời cuộc gọi hay tin nhắn.
- Nếu bị cảm giác giật điện khi chạm vào thiết bị di động đang cắm sạc, bạn nên lập tức ngắt nguồn sạc điện để tránh tai nạn cháy nổ, đồng thời mang thiết bị đến các cửa hàng điện thoại có uy tín để nhờ kiểm tra.
- Khi thấy điện thoại có dấu hiệu phồng lên, máy nóng bất thường khi sạc, bạn nên mang máy đi thay pin tại các trung tâm bảo hành, nơi cung cấp dịch vụ được hãng ủy quyền để giảm nguy cơ phát nổ của điện thoại.
- Sử dụng và bảo quản điện thoại ở nơi thoáng mát và khô ráo. Bạn không nên dùng điện thoại tại những nơi ẩm ướt, dùng điện thoại dưới mưa. Bởi vì nước ngấm vào bên trong sẽ gây chập điện và làm điện thoại nổ.
- Không đặt để điện thoại trên giường, gần người khi đang sạc để đảm bảo không gây nên sự nóng điện thoại. Nên sạc ở những nơi thoáng mát và đặt trên những bề mặt cách nhiệt tốt.