Vụ bé trai 17 tháng tử vong: Hai 'bảo mẫu' sẽ bị xử lý với nhiều tình tiết tăng nặng

Đó là quan điểm của Tiến sỹ Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em trao đổi với phóng viên.

Ảnh đại diện từ internet.

Ảnh đại diện từ internet.

Ngày 4/3/2023, liên quan đến vụ bé trai 17 tháng tuổi P.T.Đ. (ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội) tử vong sau khi đến lớp mầm non, Tiến sỹ Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em cho biết, hành vi của hai nữ giáo viên này là vô cùng tàn nhẫn, mất tính người, là hành vi giết người nên việc bắt khẩn cấp để xử lý hình sự là cần thiết.

Theo ông Cường, với kết quả điều tra ban đầu thì nhiều khả năng, hai đối tượng này sẽ bị xử lý về tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ nên mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.

Theo thông tin ban đầu, sáng 23/2, cháu Đ. được mẹ đưa tới lớp. Đến khoảng 9h, 2 đối tượng đưa các cháu vào buồng ngủ thì Đ. khóc, chạy ra ngoài. Lành bực tức, dùng 2 tay bế Đ. lên rồi ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà. Sau đó, đối tượng dùng tay tát nạn nhân. Về phía An đã dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và giẫm vào đầu cháu bé. Chiều cùng ngày, khi bố mẹ đến đón cháu Đ. thì 2 đối tượng bảo rằng cháu bé bị ngã trong quá trình đùa nghịch tại lớp.

Đỉnh điểm, sáng 26/2, An dùng chân đạp vào bụng Đ. khi thấy bé trai khóc. Cú đạp khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, An và Lành gọi gia đình cháu bé và cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Dù được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng do thương tích quá nặng cháu Đ. được trả về và tử vong vào ngày 2/3 tại nhà riêng.

Tại cơ quan điều tra, đến nay cả hai đối tượng đã thừa nhận hành vi nhiều lần đánh đập cháu bé dẫn đến nạn nhân tử vong.

Ông Cường nhận định: Trong trường hợp lời khai của các đối tượng phù hợp với các dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và các chứng cứ khác mà cơ quan điều tra đã thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố hai đối tượng này về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Chân dung 2 đối tượng bạo hành bé trai 17 tháng tuổi dẫn tới tử vong. (Ảnh: Gia đình và xã hội)

Chân dung 2 đối tượng bạo hành bé trai 17 tháng tuổi dẫn tới tử vong. (Ảnh: Gia đình và xã hội)

"Có thể nói rằng lời khai của các đối tượng này gây chấn động dư luận, hoang mang cho các bậc phụ huynh khi có con em gửi tại các trường mầm non. Không ai nghĩ rằng những người mang danh cô giáo, "bảo mẫu" được các bậc phụ huynh tin yêu, quý trọng, gửi cả mạng sống của con mình cho họ mà lại có hành vi mất nhân tính như vậy.

Thông thường những người làm nghề giáo là những người có tấm lòng yêu trẻ, có đạo đức tốt, sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt là các cô giáo ở bậc mầm non, tiểu học thì tình yêu trẻ và kỹ năng sư phạm là những yêu cầu đòi hỏi đầu tiên để hoạt động nghề nghiệp trong lĩnh vực này. Đa số các cô giáo mầm non là người tốt và có lòng yêu trẻ, hết lòng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những trường hợp giáo viên bạo hành trẻ em, thậm chí trầm bạn đến tính mạng của học sinh vậy bức xúc trong dư luận xã hội." - ông Cường cho hay.

Qua điều tra, nghiên cứu về tình hình tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em ông Cường cho rằng phần lớn các vụ việc giáo viên xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em thì đều là những người Không được đào tạo bài bản hoặc vụ việc xảy ra ở các cơ sở giáo dục tư thục, thiếu sự quản lý của nhà nước.

Thời gian qua nhiều vụ việc bạo hành trẻ em mà người thực hiện hành vi là các bảo mẫu thường là những người chuyển ngành, trái ngành hoặc không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, không được đào tạo bài bản. Đây là hạn chế của công tác quản lý giáo dục trong thời gian qua ở một số địa phương. Bởi vậy cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ loại hình cơ sở giáo dục này, làm rõ bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, trình độ của hai giáo viên này để xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội nhằm thực hiện giải pháp phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực giáo dục.

Tiến sỹ Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em

Tiến sỹ Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy hai bị can không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ, bằng cấp phù hợp thì phải xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý, xử lý nghiêm đối với những người đã tuyển dụng các giáo viên này cũng như buông lỏng trong công tác quản lý để sự việc xảy ra. Các phụ huynh cũng có thể trình báo các sự việc bạo hành xảy ra tại trường học đồng thời kêu gọi tẩy chay các cơ sở giáo dục chui, thiếu đạo đức, yếu kém trong công tác quản lý để xảy ra hành vi giết người, giáo viên giết học sinh ngay tại cơ sở giáo dục. Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đồng lõa với hành vi giết người thì người quản lý cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định của pháp luật thì giết người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hành vi giết trẻ em, giết người vì lý do nhỏ nhặt, vì động cơ đê hèn cũng là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bởi vậy trong vụ án này hai đối tượng này sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, Điều 123 bộ luật hình sự nên hình phạt mà các đối tượng này sẽ phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như vậy, vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội nên hai đối tượng này rất khó có thể thoát được mức án cao nhất là tử hình.

Hành vi của các đối tượng này là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, và còn là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Bởi vậy, các đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt rất nghiêm khắc, có thể là tù chung thân hoặc tử hình mới tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội và hậu quả mà các đối tượng đã gây ra đối với xã hội. Đồng thời với việc xử lý hình sự, phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc thì các đối tượng này cũng sẽ phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân, thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, chi phí mai táng và một khoản tiền tổn thất về tinh thần.

Ngoài việc xử lý nghiêm khắc với các đối tượng giết trẻ em thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động giáo dục để kịp thời phát hiện ra các cơ sở giáo dục chui, hoạt động giáo dục không đúng pháp luật, các giáo viên, cán bộ, nhân viên không có bằng cấp chứng chỉ phù hợp để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Nguyên Vũ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vu-be-trai-17-thang-tu-vong-hai-bao-mau-se-bi-xu-ly-voi-nhieu-tinh-tiet-tang-nang-post468423.html