Vụ bé trai lọt vào ống bê tông ở Đồng Tháp: Đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm gì?
Đến chiều 4/1, lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị kéo cọc bê tông dài 35m lên, cứu bé trai 10 tuổi bị mắc kẹt. Hàng triệu người trên cả nước không ngừng theo dõi và cầu nguyện cho bé Thái Lý Hạo Nam.
Công tác cứu nạn bé trai rơi xuống ống bê tông vẫn đang được thực hiện khẩn trương
Từ đêm 3/1 đến chiều ngày 4/1, công tác cứu hộ bé Thái Lý Hạo Nam không may lọt trong lòng ống bê tông vẫn đang được các lực lượng thực hiện khẩn trương. Trưa nay, 2 cần cẩu đã vào vị trí, đầu cọc bêtông nằm trong vách ống đã được lực lượng cứu hộ nối với cáp kéo từ xe cẩu.
"Trong điều kiện lồng ống chật hẹp, thao tác cứu hộ rất khó khăn. Công tác cứu hộ bắt buộc phải làm chậm để đảm bảo an toàn nên tiến độ chưa thể thực hiện như cam kết, dự tính ban đầu được", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu chia sẻ với báo giới.
Công trình cầu kênh Rọc Sen - nơi bé Hạo Nam rơi xuống vào trưa ngày 31/12/2022 - thuộc gói thầu số 14 thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư.
Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Công trình cầu phà TPHCM - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Xây dựng giao thông T&T. Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải làm đơn vị giám sát.
Được biết, tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngừng làm việc và nhân công đang nghỉ trưa. Trước thời điểm đó, công trình vẫn hoạt động thi công bình thường theo đúng hồ sơ thiết kế và biện pháp thi công được duyệt.
Nói về vụ tai nạn, TS.LS Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là một vụ tai nạn nguy hiểm và khá hi hữu. "Với những vụ tai nạn xảy ra như vậy thì việc cứu hộ là vấn đề đầu tiên phải thực hiện. Chính quyền địa phương nơi đây đã huy động lực lượng rất lớn, đông đảo, có chuyên môn, với nhiều biện pháp kỹ thuật cần thiết để sớm giải cứu cháu bé.
Tuy nhiên, đến nay cháu bé vẫn chưa được đưa lên mặt đất, với thời gian dài ở độ sâu dưới lòng đất trong điều kiện như vậy thì tính mạng của cháu bé 10 tuổi này là rất nguy hiểm. Lực lượng cứu hộ sẽ bằng mọi cách đưa cháu bé lên mặt đất, hy vọng phép màu sẽ xảy ra và cứu sống được cháu bé", ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, bên cạnh công tác cứu hộ thì vấn đề trách nhiệm pháp lý cũng sẽ được cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ. Trường hợp may mắn cứu sống được cháu bé thì đơn vị thi công có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu bé về sức khỏe và tinh thần theo quy định của pháp luật, đồng thời phải chịu trách nhiệm đối với các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện các hoạt động cứu hộ.
Trường hợp không may cháu bé tử vong và cơ quan chức năng xác định có lỗi của đơn vị thi công thì sẽ khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động để xử lý đối với các cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.
Điều 295, Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người:
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ công trình thi công này của chủ đầu tư và đơn vị thi công nào, sẽ làm rõ quá trình đảm bảo an toàn lao động được thực hiện như thế nào. Nếu đơn vị thi công có lỗi trong việc đảm bảo an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
"Vụ việc này là bài học cho công tác quản lý, chăm sóc con cái của các bậc làm cha làm mẹ. Với những công trường đang thi công thì nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất kỳ khi nào, đối với bất kỳ ai, đặc biệt là với trẻ em thì nguy cơ tai nạn ngày lại càng cao.
Bởi vậy các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ con cái khi xung quanh gia đình có các công trường đang thi công. Các công trường đang thi công cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc an toàn, đặt biển cảnh báo và phải có bảo vệ trông giữ, đề phòng các tình huống tai nạn có thể xảy ra đối với công dân cũng như đối với những người dân xung quanh.
Nếu đơn vị thi công không tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn, thiếu trách nhiệm thì rất dễ xảy ra các vụ tai nạn, đặc biệt là với những trẻ nhỏ như vụ việc này", luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.