Vụ 'Bị cáo vào tòa nhảy lầu tự tử': Nhờ người không biết gì ký biên bản

Do 2 bản án sơ thẩm của TAND TP Đồng Xoài và bản án phúc thẩm lần thứ hai của TAND tỉnh Bình Phước có nhiều sai phạm, nên Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.

Kháng nghị giám đốc thẩm

Theo đó, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh về vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” được đưa ra vào chiều tối 5/6, với yêu cầu hủy 2 bản án sơ thẩm của TAND TP Đồng Xoài và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng cả hai bản án sơ thẩm và án phúc thẩm (lần 2), chưa làm rõ nhiều vấn đề như lời khai và tốc độ xe của Lâm Tươi (người điều khiển xe đụng vào ông Phước).

Sau khi TAND tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù vào buổi sáng 29/5. Chiều cùng ngày ông Phước vào trụ sở tòa, lên lầu 2 nhảy xuống tự tử.

Sau khi TAND tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù vào buổi sáng 29/5. Chiều cùng ngày ông Phước vào trụ sở tòa, lên lầu 2 nhảy xuống tự tử.

Trước đó, vào chiều 29/5, ông Lương Hữu Phước (SN 1965, ngụ phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) vào trụ sở TAND tỉnh Bình Phước nhảy lầu tự tử sau khi bị HĐXX phúc thẩm lần 2, gồm: Thẩm phán Lê Hồng Hạnh (chủ tọa); cánh gà là ông thẩm phán Lê Viết Hòa (Phó Chánh án TAND tỉnh) và ông Phạm Tiến Hiệp (Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra TAND tỉnh) đã tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù vào sáng cùng ngày.

Trước khi thực hiện hành vi tự sát tại khuôn viên TAND tỉnh Bình Phước, ông Phước đã đăng một dòng trạng thái trên Facebook của mình: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ”!

Sự uất ức của ông Phước đến mức phải tìm đến cái chết, có thể hiểu rằng trước đó tại phiên tòa phúc thẩm lần 1 (ngày 25/6/2018), HĐXX đã chỉ ra hàng loạt vi phạm tố tụng của TAND cấp sơ thẩm lần 1, nên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm lần 2, HĐXX TAND TP Đồng Xoài vẫn tuyên ông Lương Hữu Phước 3 năm tù giam. Và, tại phiên phúc thẩm lần 2 tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù.

Cái chết của ông Phước đã làm nhiều người thương cảm và tiếc nuối. Bên cạnh đó nhiều ý kiến cho rằng TAND TP Đồng Xoài và TAND tỉnh Bình Phước quá vô cảm khi không xem xét thấu đáo các tình tiết do ông Phước và luật sư Dương Vĩnh Tuyến (bào chữa cho ông Phước) đã trình bày và xuất trình các chứng cứ để lập luận cho quan điểm của mình. Thế nhưng tại buổi họp báo sáng 30/5, sau khi ông Phước tự tử, lãnh đạo TAND tỉnh Bình Phước vẫn cho rằng xét xử công tâm, khách quan.

Người ký biên bản đo nồng độ cồn không biết mình… ký cái gì!

Qua tìm hiểu các hồ sơ vụ án, nhiều luật sư đã phát hiện hàng loạt sai phạm động trời. Chỉ riêng việc đo nồng độ cồn (NĐC) khi ông Phước đang bất tỉnh và đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Phước đã thể hiện sai phạm nghiêm trọng.

Theo luật sư Trần Văn On, Công ty Luật TNHH Kao Kiến, thành viên nhóm SosLaw (Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu), quy trình đo NĐC để cho ra kết quả làm căn cứ truy tố ông Phước đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về xét nghiệm NĐC trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23/7/2014 của Bộ Công an và Bộ Y tế (có hiệu lực từ ngày 19/9/2014).

Cụ thể, tại khoản 4 điều 3 của thông tư 26 quy định: “Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông (TNGT) được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu”. Có nghĩa, khi đo NĐC của ông Phước, không có bác sĩ. Vì nếu có, thì phải do bác sĩ ký vào biên bản.

Nhưng trong trừng hợp này, việc đo NĐC do CSGT tự thực hiện khi ông Phước đang hôn mê tại phòng cấp cứu ở bệnh viện sau khi vụ TNGT xảy ra, và xác định NĐC trong máu của ông Phước là 0,69 mg/l (miligam/lít) khí thở tại bút lục (BL) số 56.

Tiếp đó, CSGT nhờ một người bà con của ông Phước tên là Vòng Say Hồng (tình cờ đi thăm người bệnh) ký vào biên bản để hợp thức hóa hồ sơ. Trong khi chính Vòng Say Hồng không biết mình… ký cái gì!

Luật sư On cho rằng tại biên bản (BL 120-121) ghi lời khai Vòng Say Hồng vào ngày 28/8/2017 của công an, thể hiện: “… Khi lên thì thấy anh Phước đang nằm trong phòng cấp cứu. Tôi vào nhìn thấy anh Phước xong tôi đi ra ngoài. Sau đó có một anh CSGT đi đến hỏi tôi quan hệ như thế nào với anh Phước? Tôi nói “dượng cháu” nên anh công an đưa cho tôi một tờ giấy nhỏ, chỉ có chữ bên trên rồi kêu tôi ký vào phía sau. Nghe nói vậy thì tôi đã ký và ghi họ tên vào phía sau tờ giấy…; Tôi xin trình bày khi tôi đi đến, tôi quan sát nhìn trong phòng cấp cứu của BVĐK tỉnh Bình Phước chỉ có một mình anh Phước, ngoài anh Phước ra không còn ai khác…; Tôi xin trình bày khi tôi ký tôi không có xem nội dung trên tờ giấy đó. Tờ giấy tôi ký vào là tờ giấy đã có chữ, nó có chiều rộng khoảng 3cm - 5cm và dài khoảng 30cm. Tôi đã ký và ghi họ tên tôi vào phía sau tờ giấy đó. Hôm nay tôi nhận ra chữ ký của tôi và nhớ mặt trước bên trên có ghi hàng chữ kết quả thử NĐC trong hơi thở…”.

 Bản án phúc thẩm lần thứ 1 chỉ ra hàng loạt sai phạm của cấp sơ thẩm lần 1, và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm này.

Bản án phúc thẩm lần thứ 1 chỉ ra hàng loạt sai phạm của cấp sơ thẩm lần 1, và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm này.

Người gây tai nạn yên vị, người bị tai nạn ở tù

Hay tại BL 221 ghi lời khai Vòng Say Hồng ngày 28/8/2018 của TAND tỉnh Bình Phước: “… Tại bệnh viện tôi có gặp 1 chiến sĩ CSGT, tôi không nhớ tên. Anh này đến hỏi tôi có phải người nhà của ông Phước không? Tôi trả lời là cháu ông Phước nên anh CSGT đưa tôi phiếu kiểm tra NĐC và yêu cầu tôi ký vào. Tôi nói là đợi người nhà là con của ông Phước lên, thì anh CSGT nói không có gì đâu, anh cứ ký vào đi em còn đi công việc nên tôi ký vào phiếu đo NĐC…; Sự việc kiểm tra NĐC tôi không chứng kiến…”.

Cũng theo luật sư On, chính sự mờ ám này đã phát sinh các nghi ngờ về kết quả đo NĐC để làm căn cứ truy tố ông Phước. Chưa nói đến việc người gây TNGT là anh Lâm Tươi khai nhận uống cùng 3 người bạn hết 1 lít rượu dẫn đến một trong số đó là anh Trị Tiếp say, không thể tự lái xe về nên anh Tươi (đã say rượu, không có bằng lái) lấy xe chở về nhưng nồng độ cồn trong hơi thở chỉ có 0,57mg/l.

“Tuy nhiên qua nhiều cấp điều tra, truy tố và xét xử, ngoại trừ cấp phúc thẩm lần thứ nhất hủy bản án do phát hiện hàng loạt sai sót. Còn các cấp còn lại và các cơ quan tố tụng khác vẫn bảo lưu các sai sót của mình dẫn đến sự bức xúc, uất ức của ông Phước.

Người gây tai nạn chính, có nhiều lỗi là anh Tươi lại không bị khởi tố, người bị tai nạn lại phải ở tù. Chính sự dồn nén đó đã làm cho ông Phước tuyệt vọng, quẫn trí và đã tự kết liễu mạng sống của mình để mong chờ công lý được thực thi dù biết là hy vọng đó rất mong manh trước sự vô trách nhiệm của các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước”, luật sư On, nhận định.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vu-bi-cao-vao-toa-nhay-lau-tu-tu-nho-nguoi-khong-biet-gi-ky-bien-ban-386314.html