Vụ BN 1342 làm lây COVID-19: Chính thức đề nghị truy tố
Cơ quan điều tra xác định thiệt hại vật chất từ việc nam tiếp viên hàng không Dương Tấn Hậu (tức bệnh nhân 1342) làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng là gần 4,5 tỉ đồng.
Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến VKS cùng cấp đề nghị truy tố Dương Tấn Hậu (sinh năm 1992, tiếp viên hàng không, tức bệnh nhân 1342) về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS).
Thiệt hại gần 4,5 tỉ đồng
Theo đó, Dương Tấn Hậu đã vi phạm quy định tại khu cách ly riêng của Vietnam Airlines, sau đó tiếp tục vi phạm quy định cách ly tại địa phương khi được cho về nhà, làm lây lan bệnh cho người khác. Việc vi phạm các quy định dẫn đến nhiễm và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng xuất phát từ sự chủ quan của Hậu.
Trước khi thực hiện chuyến bay VN5301 từ Nhật về Việt Nam, Hậu có thực hiện các chuyến bay khác nhưng có kết quả âm tính với COVID-19 và cả nước không ai nhiễm. Trong quá trình thực hiện chuyến bay trên, Hậu luôn mặc đồ bảo hộ và toàn bộ chuyến bay không ai có kết quả dương tính với COVID-19. Do đó, có căn cứ xác định Hậu nhiễm bệnh khi thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines.
Về nhận thức, Hậu biết COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người nhưng đã không thực hiện đúng việc cách ly dẫn đến hậu quả làm lây lan dịch bệnh trực tiếp cho Liễu Minh Sang và gián tiếp cho hai người khác.
Để xác định hành vi phạm tội, cơ quan điều tra (CQĐT) ngoài ghi lời khai và hỏi cung bị can này còn ghi lời khai của những người liên quan. Đồng thời CQĐT xác minh các địa điểm Hậu di chuyển đến trong quá trình cách ly tại địa phương, kiểm tra trích xuất dữ liệu camera tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines và dữ liệu máy quét vân tay cửa ra vào nhà trọ Hậu cách ly, kết quả điều tra dịch tễ và kết quả trưng cầu giám định.
CQĐT cũng làm việc với các đơn vị liên quan như Ban quản lý cơ sở lưu trú cách ly tập trung của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines, Trung tâm Y tế quận Tân Bình về quá trình cách ly của Hậu, UBND phường và Công an phường 2, quận Tân Bình.
Ngày 26-1, Sở Y tế xác định thiệt hại từ việc Hậu làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng là gần 2,8 tỉ đồng gồm chi phí xét nghiệm tầm soát các trường hợp F1, F2.
Ngày 20-1, CQĐT có công văn gửi UBND TP và các quận, huyện đề nghị xác định tổng chi phí sử dụng để tiến hành cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân dương tính có liên quan đến vụ án. Kết quả trả lời xác minh xác định thiệt hại vật chất đến nay là gần 4,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, vụ việc còn có thiệt hại phi vật chất ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.000 người trên địa bàn TP.HCM gồm 861 người cách ly tập trung và 1.400 người cách ly tại nhà.
Tuy nhiên, CQĐT có đề nghị ghi nhận tình tiết xem xét giảm nhẹ của Hậu là thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội và nhiều người có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị can.
Đề nghị xử phạt hành chính trạm trưởng y tế
Trong vụ án này, CQĐT đề nghị xử phạt hành chính đối với trạm trưởng Trạm y tế phường 2, quận Tân Bình về hành vi không tổ chức cách ly đối với Hậu theo đúng quy định.
Đối với Ban quản lý cơ sở cách ly Việt Nam Airlines khu vực phía Nam, CQĐT nhận thấy không đủ cơ sở xử lý hành sự đối với các cá nhân có trách nhiệm ở ban quản lý.
Đối với Nguyễn Tăng Hậu, Nguyễn Tuyết Nhi, hai người này không biết mình dương tính với COVID-19 khi tiếp xúc với Dương Tấn Hậu. Nội quy khu cách ly tập trung Vietnam Airlines chỉ quy định người được cách ly hạn chế ra khỏi khu cách ly và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác trong khu cách ly. Vì vậy, CQĐT cho rằng không đủ căn cứ xử lý hình sự với họ.
Đối với Sang, Sang đến gặp và cùng Hậu rời khỏi nơi cách ly đi ăn uống dù biết Hậu đang phải cách ly tại nơi ở. Hành vi này là không đảm bảo yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người đang cách ly theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không đảm bảo yêu cầu công tác phòng dịch bệnh, dẫn đến hậu quả Sang trở thành trung gian lây bệnh ra cộng đồng.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với Hậu, Sang không biết Hậu bị nhiễm COVID-19 nên hành vi của Sang chưa đủ căn cứ xử lý hình sự về tội như Hậu.
Còn Nghị định số 117/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế chưa có quy định xử phạt đối với người tiếp xúc với người đang cách ly y tế nên không có căn cứ để xử lý hành chính đối với Sang. CQĐT sẽ kiến nghị bổ sung quy định này.
Những vụ án liên quan đến COVID-19
Tháng 12-2020, TAND TP.HCM xử vụ Trần Chí Hạo (sinh năm 1986), Nguyễn Quang Thắng (sinh năm 1991) và Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1986) tổ chức, môi giới cho hàng chục người Trung Quốc lưu trú trái phép tại hai căn nhà ở quận Bình Tân, TP.HCM khi dịch COVID-19 bùng phát ở TP Đà Nẵng. Tòa đã tuyên phạt các bị cáo mức án từ bốn năm sáu tháng đến bảy năm tù về tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
Ngay giữa tháng 4-2020, TAND huyện Hưng Hà (Thái Bình) xử sơ thẩm, tuyên phạt Trần Văn Mạnh (sinh năm 1966, trú xã Tây Đô) chín tháng tù về tội chống người thi hành công vụ. Tính từ lúc bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đến ngày bị đưa ra xét xử là bảy ngày. Đây là vụ án thứ hai trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 được các cơ quan pháp luật thực hiện thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự.
>
Trước đó, ngày 10-4-2020, TAND huyện Tiên Yên, Quảng Ninh xử vụ Đào Xuân Anh không đeo khẩu trang, đánh cán bộ ở chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19. Bị cáo Anh cũng bị tòa tuyên phạt chín tháng tù về tội chống người thi hành công vụ sau bảy ngày thực hiện hành vi phạm tội…