Vụ bữa ăn bán trú vùng cao: Không chỉ đơn thuần là chuyện bữa cơm bị cắt xén
Sau rất nhiều vụ 'lùm xùm' xung quanh bữa ăn bán trú của học sinh các ngôi trường ở đô thị, mới đây câu chuyện của trường phổ thông dân tộc bán trú Hoàng Thu Phố 1 (Lào Cai) lại khiến dư luận dậy sóng.
Trong suốt thời gian dài, bữa ăn bán trú luôn là mối quan tâm của dư luận đặc biệt là của các bậc cha mẹ đang có con theo học ở các ngôi trường.
Công bằng mà nói, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có môt cơ chế thực sự khoa học, hợp lý cho việc tổ chức bữa ăn bán trú cũng như công tác giám sát việc thực hiện.
Tại các ngôi trường ở đô thị, đa số bữa ăn bán trú được nhà trường ký hợp đồng với một doanh nghiệp cung cấp. Những chiếc xe tải bịt bùng buổi trưa chở những suất ăn bán trú vào trường. Sau khi xe vào sân thì cổng trường sẽ khóa chặt "nội bất xuất ngoại bất nhập".
Tuy nhiên, sau nhiều vụ ngộ độc thực phẩm và nhất là những thông tin thu thập được từ chính con em mình các bậc phụ huynh đã phải "tổ chức" thành những "đội nhóm" "theo dõi" "rình rập" thậm chí là "đột kích" vào trường để tìm bằng chứng chứng minh bữa ăn cho con em mình không đảm bảo cả về số lượng, đặc biệt là chất lượng.
Hàng loạt vụ việc tiêu cực xảy ra liên quan đến bữa ăn bán trú của học sinh khiến phụ huynh lo lắng và ở mức độ nào đó là mất niềm tin ở chính lãnh đạo nhà trường, những người chịu trách nhiệm chính lựa chọn, giám sát đơn vị cung cấp thực phẩm.
Sau nhiều vụ việc và những đấu tranh căng thẳng một số ngôi trường đã chủ động tổ chức mở cổng trường đón đại diện phụ huynh vào kiểm tra và nếm thử món ăn của con em mình. Nhưng đó vẫn chỉ là hoạt động "tự phát" nhỏ lẻ ở một số trường mà ban giám hiệu "thiện chí", cơ bản bữa ăn bán trú vẫn là một dấu hỏi lớn đối với phụ huynh và dư luận xã hội cho tới khi lại có thêm một vụ lùm xùm nào đó.
Đấy là câu chuyện bữa ăn bán trú của học sinh ở đô thị. Mới đây, dư luận lại "nóng" lên với bữa ăn bán trú của học sinh dân tộc thiểu số ở trường PTDTBT Hoàng Thu Phố 1 (Lào Cai). Câu chuyện 11 học sinh chia nhau nồi canh nấu bằng 2 gói mì "không người lái" khiến dư luận bức xúc khi thực đơn trên bảng ghi rõ mỗi cháu được 1 gói mình và một quả trứng gà.
Tương tự là bữa trưa, bất chấp thực đơn ghi 14kg thịt lợn, xương lợn, thì các cháu chỉ được ăn món giò ít ỏi với nhiều rau đã có dấu hiệu thối rữa.
Dư luận càng bức xúc hơn khi những học sinh này thuộc diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ mỗi tháng 720 ngàn đồng tiền ăn cùng 15kg gạo.
Thực tế một ngôi trường ở vùng khó khăn, đồng nghĩa với việc cha mẹ các em học sinh còn lo mưu sinh, không có thời gian, điều kiện để theo dõi giám sát nhằm kiểm tra bữa cơm bán trú của con em mình. Lãnh đạo nhà trường toàn quyền quyết định những bữa cơm bán trú này mà không phải chịu bất cứ một áp lực nào.
Quyết định tạm đình chỉ công tác của Hiệu trưởng trường TDTBT Hoàng Thu Phố 1 là một quyết định kịp thời nhưng câu hỏi đặt ra phía sau: Liệu tình trạng trên có xảy ra ở các ngôi trường khác?
Nên chăng đã đến lúc ngành giáo dục và các ban ngành liên quan cần xây dựng một cơ chế cụ thể cho việc tổ chức các bữa ăn bán trú, nên chăng tổ chức đấu thầu cho các nhà cung cấp thực phẩm và bên cạnh đó là cơ chế giám sát từ đại diện phụ huynh, chính quyền địa phương, cán bộ ngành vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ở đây, câu chuyện không chỉ đơn thuần là những vụ ngộ độc tập thể, là chuyện những khoản kinh phí bị xà xẻo mà đằng sau đó là những thế hệ trẻ người Việt tương lai đang phải hàng ngày sử dụng những thực phẩm mà người ta biết chắc là không đảm bảo.
Điều đáng sợ nhất là ngộ độc, bằng một cách nào đó, không chắc chắn 100% xảy ra ngay khi học sinh phải sử dụng những thực phẩm kém chất lượng và các cháu học sinh sẽ chịu những ảnh hưởng về thể chất trong suốt quãng thời gian ăn bán trú.
Mỗi ngày, khi các học sinh phải ăn bữa cơm bị cắt xén về số lượng hay chất lượng cũng đồng nghĩa những đồng tiền đáng ra mua thực phẩm cho các cháu đã chảy vào túi những người cán bộ quản lý giáo dục biến chất. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, chúng ta sẽ phải trả giá vì sự thiệt thòi của những thế hệ tương lai…