Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Sự hối hận muộn màng

'Ông trùm' Phan Thanh Hữu nói rất hối hận về hành vi của mình, nhất là khi cả bị cáo và con trai đều bị bắt và khiến nhiều người cũng vi phạm pháp luật...

Ngày 6-12, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục phần tuyên án đối với Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) và 73 bị cáo trong đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam.

HĐXX tiếp tục đọc bản án với nội dung truy tố, quan điểm, cũng như mức án đại diện VKS đề nghị đối với các bị cáo.

Theo HĐXX, Hữu biết Đào Ngọc Viễn đang điều hành Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng chuyên mua bán, vận chuyển xăng dầu và có quan hệ với một số cán bộ nên đã liên hệ để bàn bạc, thỏa thuận góp vốn buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: VH

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: VH

Theo thỏa thuận, Viễn, Phạm Hùng Cường (hiện đang bỏ trốn), Phùng Danh Thoại (cựu trưởng phòng Xăng dầu Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) và Trọng “dầu” (chưa rõ lai lịch) góp vốn với Hữu để mua xăng lậu từ Singapore vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Tổng vốn góp là 53,4 tỉ đồng.

Tính từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Hữu và Viễn cùng các đối tượng đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2,8 ngàn tỉ đồng và đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, Viễn thu lợi hơn 46,7 tỉ đồng, Hữu hơn 156,2 tỉ đồng.

Riêng bị cáo Ngô Văn Thụy là đội trưởng Đội 3 Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 830 triệu đồng.

Tòa xác định ngoài việc thu giữ hơn 2,5 triệu lít xăng nhập lậu của các bị cáo, cơ quan chức năng còn kê biên 17 tàu thủy là phương tiện chở xăng lậu; 22 xe bồn, ba ô tô, hai xe máy là phương tiện vận chuyển xăng nhập lậu và đưa hối lộ; tạm giữ 65 điện thoại di động các loại và hơn 220 tỉ đồng.

Đối với tài sản, cơ quan điều tra đã kê biên 50 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; phong tỏa 39 tài khoản của các bị cáo với tổng số tiền trong tài khoản hơn 161 tỉ đồng để đảm bảo việc thi hành án.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn tạm giữ một số đồ vật, tài liệu và tài sản khác để phục vụ điều tra, xét xử. Đại diện VKS cũng đề nghị trả lại tài sản không liên quan đến vụ án...

Trước đó, nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, các bị cáo đều cho biết đã nhận thức được hành vi phạm tội và rất hối hận với hành vi vi phạm pháp luật của bản thân. Gia đình các bị cáo có cha mẹ già, con nhỏ, vợ bệnh hoặc thất nghiệp... nên mong HĐXX xem xét giảm án nhẹ nhất cho các bị cáo để sớm được về với gia đình.

Bị cáo Phan Thanh Hữu cho biết từ khi bị bắt tạm giam cho đến quá trình điều tra và thời gian xét xử, bản thân bị cáo cảm thấy rất hối hận về hành vi của mình, nhất là khi cả bị cáo và con trai đều bị bắt và khiến nhiều người cũng vi phạm pháp luật.

“Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về với gia đình vì tuổi đã già. Bị cáo cũng rất mong HĐXX xem xét cho bị cáo Phan Lê Hoàng Anh là con trai bị cáo hình phạt bằng với thời gian tạm giam để con được trở về chăm lo cho gia đình, nhất là khi bị cáo phải ở trong tù” - bị cáo Hữu nói.

Bị cáo Đào Ngọc Viễn cũng bày tỏ sự hối hận về hành vi của mình, mong được hưởng chính sách khoan hồng để sớm được trở về với gia đình và cộng đồng, chăm lo cho gia đình, vợ con.

Còn bị cáo Ngô Văn Thụy cho rằng 40 năm công tác, để xảy ra vụ án này bị cáo rất áy náy. “Bị cáo xin lỗi lãnh đạo Tổng cục Hải quan và các anh em vì hành vi của mình làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Từ giờ đến cuối đời, bị cáo không có thời gian để khắc phục, mong HĐXX cho mức án nhẹ nhất có thể để sớm được trở về với gia đình” - bị cáo Thụy nói.

VŨ HỘI

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-buon-lau-200-trieu-lit-xang-su-hoi-han-muon-mang-post711061.html