Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng: Chiêu qua mặt lực lượng chức năng

Hội đồng xét xử (HĐXX) xét hỏi 2 bị cáo chủ mưu là Đào Ngọc Viễn (cựu Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và Phan Thanh Hữu (cựu Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh).

Là người đầu tiên khai báo, bị cáo Đào Ngọc Viễn thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo Viễn cho biết quen biết Phan Thanh Hữu từ năm 1990. Đến tháng 9/2019, Viễn và Hữu bàn bạc, thỏa thuận cùng nhau góp vốn cùng một số người khác để buôn lậu xăng.

Thỏa thuận góp vốn này được bị cáo Viễn nói là không có giấy tờ vì "Đã buôn lậu thì làm sao có giấy tờ”, ông Viễn nói. Bị cáo này thừa nhận có góp 10% vốn (trong tổng vốn 53,4 tỷ đồng) để mua xăng lậu từ Singapore vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ; điều động 2 tàu biển thực hiện 44 chuyến xăng lậu trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020 đến khi bị phát hiện, bắt giữ.

Cáo trạng quy kết Viễn, Hữu cùng đồng phạm buôn lậu gần 198 triệu lít xăng RON 95III, trong đó có 2,5 triệu lít xăng chưa kịp tiêu thụ và bị cáo Viễn thu lợi bất chính hơn 46 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Viễn cho rằng số liệu chưa đúng và khai chỉ được hưởng hơn 36 tỷ đồng.

Bị cáo Viễn cho biết khi làm ăn với Phan Thanh Hữu, nhóm của Viễn được chia lợi nhuận rất ít vì thời điểm làm ăn chung đã bị chèn ép do số tiền góp vốn ít. Bị cáo Viễn cũng khai chỉ biết về ngành vận tải, nên hợp đồng tàu chuyển xăng từ nước ngoài về Việt Nam, còn việc mua bán do Phan Thanh Hữu thực hiện.

 Bị cáo Phan Thanh Hữu Ảnh: Mạnh Thắng.

Bị cáo Phan Thanh Hữu Ảnh: Mạnh Thắng.

Bị cáo Viễn cho rằng số lợi nhuận nhận bình quân chỉ 1.500 đồng/lít xăng, chứ không phải là 2.000 đồng/lít như trong cáo trạng quy kết.

Trả lời HĐXX, bị cáo Phan Thanh Hữu thừa nhận hành vi phạm tội đúng như cáo trạng. Ông Hữu khai đã nhập lậu gần 198 triệu lít xăng, hưởng lợi 102 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng cá nhân chỉ chịu trách nhiệm giá trị hàng phạm pháp trong số 138 triệu lít xăng, phần còn lại khoảng 60 triệu lít xăng, là do A Hùng và A Quý (chưa xác định) tiếp tục vận chuyển sang Campuchia tiêu thụ nên không gây thiệt hại kinh tế trong nước.

Ngoài ra, ông Hữu khai chỉ bán xăng cho bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (SN 1966, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) chứ không bán cho ai khác, nhưng bị cáo Nguyễn Hữu Tứ trước tòa phủ nhận lời khai này của ông Hữu.

Bị cáo Viễn khai nhận tàu Pacific Ocean, Western Sea là của bị cáo mua thế chấp Ngân hàng Liên Việt vay 40 tỷ đồng. Tàu hết hạn sử dụng tại Việt Nam, nên tàu treo cờ quốc tịch Panama. Khi có lệnh của Hữu, 2 tàu này sẽ đến Singapore nhận hàng. Sau đó tàu về vùng biển Việt Nam dừng ở tọa độ do Hữu chỉ đạo (gọi là nhà 1, nhà 2). Từ đây các tàu Nhật Minh 07,08,09 của Hữu sẽ ra cập mạn nhận xăng đưa về Việt Nam.

Trong khi đó, bị cáo Phan Thanh Hữu khai: “Khi nào anh em Biên Phòng, Cảnh sát Biển báo có chiến dịch kiểm tra thì bị cáo chuẩn bị giấy tờ giả. Bị cáo làm bộ hồ sơ hoàn chỉnh để trình cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Biên Phòng, Cảnh sát Biển thì bị cáo quen rồi, chỉ còn lo cảnh sát giao thông thôi, do anh Phương Phó phòng “ không bao quát được” nên bị cáo phải chuẩn bị hồ sơ”.

Cẩn thận hơn khi các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng về, bị cáo Hữu cho neo ở phao số 0, đợi thuận lợi mới cho lần lượt các tàu vào khu vực nhà yến của bị cáo Tứ để bơm xăng đưa đi tiêu thụ. “Thường thì khoảng 20-21h, bị cáo mới cho tàu vào để tránh “chim én” phát hiện”, Phan Thanh Hữu nói.

Mạnh Thắng-Tân Châu/Tiền Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-buon-lau-gan-200-trieu-lit-xang-chieu-qua-mat-luc-luong-chuc-nang-post1369866.html