Vụ camera gắn trong căn hộ cho thuê: Dân mạng 'dậy sóng', luật sư nói gì?
Một vụ việc gây xôn xao dư luận vừa xảy ra tại Vũng Tàu khi du khách tố cáo chủ homestay ở chung cư The Sóng lắp camera quay lén. Một số luật sư đã đưa ra những ý kiến xoay quanh về vấn đề này.
Gây tranh cãi
Vụ việc một du khách phát hiện camera quay lén tại một căn hộ cho thuê ngắn hạn ở chung cư The Sóng, Vũng Tàu đang gây xôn xao dư luận. Theo chia sẻ của chị K.V, người quản lý căn hộ này, chị cho biết không phải là chủ sở hữu mà chỉ là người làm dịch vụ cho thuê.
Chị K.V cũng cho biết thêm, khách thuê trước đó đã liên hệ với một bạn sales khác để đặt phòng và sau đó được kết nối với chị. Vào ngày 2/8, khi phát hiện camera, khách đã tự ý tháo bỏ thiết bị này và thông báo sự việc cho người môi giới.
Tuy nhiên, thông tin về việc ai là người lắp đặt camera và mục đích của việc làm này vẫn chưa được làm rõ. Sự việc trên đã đặt ra nhiều câu hỏi về quyền riêng tư của khách hàng khi thuê phòng và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Chủ nhà yêu cầu chị K.V, người quản lý căn hộ, bồi thường 50% giá trị của camera với lý do khách thuê đã tự ý tháo dỡ thiết bị và gây hư hỏng. Tuy nhiên, chị K.V cho biết đã trao đổi với khách hàng về vấn đề này.
Chủ nhà cho biết quyết định lắp đặt camera nhằm tăng cường an ninh cho căn hộ sau khi xảy ra một số vụ mất cắp tài sản trước đó.
Chị K.V thừa nhận việc không thông báo cho khách hàng về việc lắp đặt camera là một sơ suất đáng tiếc và đã ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách.
Cùng ngày, chị L.L, khách hàng trực tiếp phát hiện vụ việc, đã đăng tải một bài viết trên mạng xã hội để thông báo về việc đã nhận được lời xin lỗi từ phía chủ nhà và người quản lý căn hộ. Chị L.L cũng khẳng định rằng mình không có ý định làm ảnh hưởng đến uy tín của chung cư The Sóng mà chỉ muốn chia sẻ trải nghiệm cá nhân để cảnh báo những người khác.
Hiện tại, câu chuyện khách du lịch đã ‘tố’ chủ cơ sở kinh doanh homestay ở chung cư The Sóng, TP. Vũng Tàu lắp camera quay lén đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Chủ homestay cần công khai khi lắp camera
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Du lịch TP.HCM, luật sư Nguyễn Hùng Quân, công tác tại Đoàn Luật sư TP.HCM, cho hay hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về việc lắp đặt camera hoặc các thiết bị điện tử khác có chức năng ghi âm, ghi hình đối với các hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, homestay…(gọi chung là các cơ sở lưu trú).
Tuy nhiên, việc lắp đặt các thiết bị nêu trên cần phải đảm bảo các quy định của pháp luật dân sự về quyền cá nhân đối với hình ảnh, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình theo quy định tại Điều 32, Điều 38 của BLDS 2015. Từ quy định trên có thể hiểu việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác phải được người đó đồng ý.
“Vì vậy, việc lắp đặt các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình tại các cơ sở lưu trú phải được công khai cho mọi người được biết và chỉ được đặt ở những khu vực tập thể chung như: sân chơi, cửa ra vào, hành lang, cầu thang máy... để đảm bảo an ninh hoặc cần trích xuất dữ liệu khi cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu”, luật sư Quân nói.
Theo luật sư Quân, trong trường hợp đơn vị lưu trú lắp đặt camera ghi hình trong phòng ở những khu vực riêng tư mà khách hàng không biết hoặc không có sự đồng ý của họ hoặc sử dụng hình ảnh, dữ liệu đó vào mục đích bất hợp pháp như: đăng tải lên các website có nội dung đồi trụy, mạng xã hội hoặc cung cấp cho bên thứ ba để thực hiện việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm thậm chí tống tiền…thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh tương ứng.
“Cụ thể, trường hợp người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc cung cấp chia sẻ thông tin có nội dung dâm ô, đồi trụy thì bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng theo Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, luật sư Nguyễn Hùng Quân thông tin.
Luật sư Nguyễn Hùng Quân còn thông tin, trường hợp người có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của người khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích thì bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Nếu người có hành vi sử dụng hình ảnh, dữ liệu quay lén để xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 5 năm tù.
"Còn nếu người có hành vi sử dụng hình ảnh, dữ liệu quay lén để đe dọa nạn nhân tống tiền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), có khung hình phạt tù từ 01-20 năm.
Ngoài ra, nếu người có hành vi sử dụng hình ảnh, dữ liệu quay lén để đăng tải lên các website, trang mạng xã hội có nội dung khiêu dâm, đồi trụy thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại điều 326 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù", luật sư Quân nói.
Đừng tùy tiện phá hoại camera
Ý kiến xoay quanh vụ việc khách du lịch đã ‘tố’ chủ cơ sở kinh doanh homestay ở chung cư The Sóng, TP. Vũng Tàu lắp camera quay lén, luật sư Âu Trung Huê, Giám đốc Công ty luật quốc tế Song Thịnh (TP.HCM) cho hay cố ý đập phá camera không phải là hành vi cần thiết để bảo vệ quyền lợi bản thân không bị xâm phạm.
"Vì tại thời điểm phát hiện camera được giấu kín trong phòng, khách thuê hoàn toàn có rất nhiều cách để chấm dứt việc tiếp tục bị quay lén, việc đập phá này chủ yếu xuất phát từ sự trút giận và trả đũa, chứ không phải là tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân không bị xâm hại, không thể lấy lý do tình thế cấp thiết hoặc phòng vệ chính đáng để được miễn trừ trách nhiệm”, luật sư Âu Trung Huê nói.
Theo luật sư Huê, tùy thuộc mức độ thiệt hại và tính chất của hành vi, người cố ý đập phá camera có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, mức phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Hoặc nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hinh sự 2015 (được sửa đổi năm 2017).
"Đồng thời, người vi phạm còn có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hai đã gây ra theo quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự", luật sư Âu Trung Huê thông tin thêm.
Tối 7/8, UBND TP. Vũng Tàu đã chỉ đạo Đoàn Kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất căn hộ 31-16, tòa nhà The Sóng tòa nhà The Sóng (số 28 Thi Sách, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu), sau khi nhận được thông tin về việc nghi vấn lắp đặt camera quay lén tại đây.
Đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào việc xác minh thông tin, kiểm tra giấy tờ hoạt động kinh doanh và các quy định về an ninh, trật tự.