Vụ cán bộ Tòa án lập 'khống' 57 hồ sơ vụ án: Cơ quan điều tra VKSND tối cao vào cuộc
Cùng với việc thông tin về vụ lập 'khống' 57 hồ sơ vụ án dân sự tại TAND huyện Đắk Song, tại buổi họp báo Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông cho biết, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã đến làm việc với TAND tỉnh.
Thẩm phán lập “khống” 57 hồ sơ vụ án...rồi tự đóng án phí
Tại cuộc họp báo ngày 17/6, TAND tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo về việc lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự tại TAND huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.
Theo nội dung báo cáo, bà Bùi Thị Dung, nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song được bổ nhiệm Thẩm phán theo quyết định của TAND tối cao. Nhận thấy tỉ lệ án hủy trong nhiệm kỳ cao hơn mức quy định (1,16%), từ đầu năm 2016 bà Dung đã nhờ các cá nhân quen biết và bản thân tự nộp nhiều đơn khởi kiện không có bị đơn và tranh chấp trên thực tế tại TAND huyện Đắk Song.
Quá trình này, bà Dung tự bỏ tiền để đóng tạm ứng án phí. Sau đó, bà Dung báo cáo lãnh đạo xin được xét xử nhiều án trong thời gian này để nâng cao tỉ lệ xét xử, giảm tỉ lệ án hủy nhằm đủ điều kiện tái bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp. Các hồ sơ trên đã được TAND huyện Đắk Song thụ lý (57 hồ sơ) và giao cho một số Thẩm phán, Thư ký giải quyết theo hướng đình chỉ do đương sự rút đơn khởi kiện.
Sau khi ông Phạm Văn Phiếm, Chánh án TAND huyện Đắk Song báo cáo sự việc, ngày 12/12/2016, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định hủy kết quả thi đua đối với TAND huyện Đắk Song, danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và hạ mức đánh giá cán bộ công chức đối với ông Phiếm.
Ngày 10/3/2017, bà Dung đã có đơn xin thôi việc với lý do cá nhân. Ngày 28/3/2017, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định cho bà Dung thôi việc kể từ ngày 1/4/2017.
Ngày 21/3/2017, đoàn kiểm tra liên ngành Tòa án – VKSND tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra công tác kiểm sát, thụ lý giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án - VKSND huyện Đắk Song. Sau đó, đã ban hành văn bản số 03/KL-LN về việc kết luận kiểm tra công tác thụ lý kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án - VKSND huyện Đắk Song.
Trên cơ sở đó, ngày 18/5/2017, lãnh đạo TAND tỉnh tổ chức họp kiểm điểm đối với ông Phạm Văn Phiếm và các cá nhân vi phạm. Sau khi đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả, thái độ, vai trò, trách nhiệm, hành vi vi phạm của các cá nhân, TAND tỉnh kết luận “không xử lý kỷ luật” đối với ông Phạm Văn Phiếm và công chức liên quan mà kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm tại cơ quan, đơn vị.
Ngày 31/7/2020, tại kết luận thanh tra số 253, TAND tối cao đề nghị Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông xem xét, điều chuyển vị trí công tác những công chức, Thẩm phán vi phạm liên quan đến việc tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự tại TAND huyện Đắk Song.
Thực hiện chỉ đạo nói trên, ngày 15/10/2020, Chánh án TAND tối cao có quyết định điều động ông Phạm Văn Phiếm về làm Chánh án TAND huyện Tuy Đức (đây là một huyện vùng xa, nghèo, giáp biên giới với Vương quốc Campuchia). Chánh án TAND tỉnh cũng ra quyết định điều động bà Nguyễn Thị Hải Âu về làm Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô kể từ ngày 1/10/2020. Ông Nguyễn Xuân Triệu, Thẩm phán sơ cấp về TAND huyện Tuy Đức kể từ ngày 10/10/2020.
Đến ngày 3/6/2021, UBKT Tỉnh ủy ban hành quyết định kỷ luật đối với các ông bà: Phạm Văn Phiếm – nguyên Chánh án, Nguyễn Thị Hải Âu – nguyên Phó Chánh án và Nguyễn Xuân Triệu, nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song bằng hình thức khiển trách.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã vào làm việc
Trả lời các câu hỏi của nhiều phóng viên tại cuộc họp báo, ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là luôn cầu thị, lắng nghe và nghiêm túc kiểm điểm rút kiểm điểm để khắc phục và sửa chữa vi phạm. Nếu làm chưa đúng, chưa đầy đủ thì phải tiếp thu để làm cho đúng, cho đầy đủ. Không bao giờ chúng tôi cho phép Thẩm phán tạo lập hồ sơ giả. Hậu quả của việc tạo lập 57 hồ sơ giả là phi vật chất, không gây thiệt hại cho ai nhưng gây ảnh hưởng rất xấu đến uy tín và hình ảnh Tòa án, lòng tin của nhân dân và toàn xã hội đối với Tòa án”.
Với trách nhiệm của người đứng đầu, ông Thọ cho hay: “Chúng tôi phải chịu trách nhiệm với những việc làm vi phạm, không đúng của cấp dưới. Bởi chúng tôi đã làm chưa tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức, phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp, chính trị đối với Thẩm phán. Do đó, Thẩm phán có suy nghĩ lệch lạc, đối phó để rồi lập khống hồ sơ nâng tỉ lệ giải quyết án lên, giảm tỉ lệ án hủy xuống nhằm đủ điều kiện tái bổ nhiệm Thẩm phán”.
Liên quan đến câu hỏi, vi phạm của các Thẩm phán ở huyện Đắk Song có vi phạm pháp luật hình sự hay không, ông Thọ cho biết, bản thân không dám kết luận. Tuy nhiên, ngày 15/6, các đồng chí điều tra viên của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã làm việc trực tiếp với ông Thọ.
Việc kết luận có vi phạm pháp luật hình sự hay không thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là cơ quan Điều tra VKSND tối cao.
Với quan điểm cá nhân, ông Thọ cho rằng, trong vụ 57 hồ sơ khống, không đủ yếu tố cấu thành tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”, theo Bộ luật Hình sự năm 2019. Bởi hành vi của bà Dung là không thêm, không bớt mà làm khống và không gây ra hậu quả.
Trả lời câu hỏi tại sao không kỷ luật bà Dung, theo ông Thọ, vào thời điểm cho bà Dung nghỉ việc chưa có kết luận. Do đó khi chưa có kết luận thì bà Dung xin nghỉ và chúng tôi cho nghỉ. Chúng tôi không buộc thôi việc vì nếu buộc mà sau này kết luận cô này không sai phạm thì phải bồi thường", ông Thọ lý giải./.