Vụ cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi: Nhiều kỹ sư nước ngoài vi phạm pháp luật
Một số kỹ sư của nhà thầu nước ngoài bị xác định có vi phạm trong tổ chức thi công hoặc tư vấn giám sát dự án cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, chỉ một người bị xử lý, số còn lại đã về nước trước khi vụ án được khởi tố.
Về nước trước khi khởi tố vụ án
Trong số 36 bị can vụ sai phạm xảy ra tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có một người Nhật là ông Takao Inami (SN 1949, người Nhật Bản) - Tư vấn trưởng, Giám đốc văn phòng tư vấn giám sát dự án. Theo kết luận điều tra, các nhà thầu đến từ Nhật Bản và Úc thành lập liên danh OC-KEI-SMEC với trách nhiệm giám sát, thi công các gói thầu thuộc giai đoạn 1 dài 65km của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư là Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Quá trình xây dựng dự án, Takao Inami đã thay mặt Liên danh OC-KEI-SMEC ký nhiều văn bản liên quan và bị xác định có sai phạm.
Cụ thể, ông Takao Inami với vai trò kỹ sư trưởng là người có quyền điều hành cao nhất, cùng các kỹ sư (cả người Việt và nước ngoài) chỉ đạo điều hành, tổ chức giám sát, nghiệm thu việc thi công các gói thầu đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án... Tuy nhiên, vị kỹ sư Nhật Bản đã chấp thuận cho các đơn vị đưa vật liệu không thật tốt vào thi công và đặc biệt là ký biên bản thể hiện giai đoạn 1 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đảm bảo chất lượng, đề nghị đưa vào khai thác khi có tới 5/7 gói thầu chưa hoàn thành thi công.
Takao Inami cũng khẳng định mình là người chịu trách nhiệm với công việc của tư vấn giám sát về chất lượng công trình, bởi ông là người ký vào các báo cáo giám sát và báo cáo cuối cùng trình lên chủ đầu tư. Bị can này thừa nhận bản thân là người chịu trách nhiệm khi chất lượng công trình không đảm bảo. Cơ quan điều tra đánh giá, Takao Inami nhận thức rõ vai trò của mình và hậu quả thiệt hại xảy ra đồng thời hợp tác tốt, thành khẩn nên có thể giảm nhẹ một phần hình phạt khi xét xử.
Cũng giữ vai trò kỹ sư của liên danh OC-KEI-SMEC, các ông Segi Tadashi và Kurihara Nobuyuki (đều là người Nhật Bản) bị xác định có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giám sát giai đoạn 1 dự án. Một người nước ngoài khác bị xác định có vi phạm tại dự án là ông Diego Lopez Ruiz (người Tây Ban Nha), Giám đốc thuộc Cty Obrascon Huarte Lain, đơn vị phụ trách 1 trong 8 gói thầu trong giai đoạn 1 dự án. Tuy nhiên, những người này đã về nước trước khi vụ án được khởi tố và Bộ Tư pháp Nhật Bản, Tây Ban Nha chưa trả lời yêu cầu tương trợ tư pháp, do đó cơ quan điều tra tách hồ sơ với họ để xử lý sau.
Ðổ lỗi cho cấp dưới
Cũng theo điều tra, việc dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thi công xong đã hỏng có trách nhiệm của các bị can Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào, đều là cựu Phó Tổng Giám đốc của VEC. Trong đó, ông Hùng phụ trách dự án trong giai đoạn 2015 - 2017 và có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo thi công các hạng mục để đưa vào khai thác đúng chất lượng. Tuy nhiên, vị này không tổ chức nghiệm thu chất lượng đất nền nhưng đã để các nhà thầu thi công lớp bên trên dẫn tới hư hỏng. Ông Hùng cũng cho các nhà thầu như Cienco, Phương Thành, Thành Phát… sử dụng nguyên vật liệu không đảm bảo cho thi công.
Phía điều tra cho rằng, dù chất lượng đường cao tốc kém nhưng ông Hùng đã ký các hồ sơ thanh toán, biên bản nghiệm thu đánh giá chất lượng công trình xây dựng đảm bảo. Việc này gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại hơn 422 tỷ đồng là tiền VEC đã thanh toán cho các nhà thầu, dù họ thi công không đạt yêu cầu. Quá trình điều tra, Nguyễn Mạnh Hùng bị xác định khai báo quanh co, không thừa nhận trách nhiệm của bản thân và đổ lỗi cho cấp trên, cấp dưới nên cảnh sát cho rằng, phải xử phạt nghiêm.
Giai đoạn 2017, bị can Lê Quang Hào thay thế vị trí ông Nguyễn Mạnh Hùng nhưng vị phó tổng giám đốc mới của VEC tiếp tục không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao trong quá trình tổ chức thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Theo cơ quan điều tra, ông Hào không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án nên đã cho tổ chức thi công dù không có giải pháp kiểm tra, kiểm soát dẫn đến tình trạng chất lượng hạng mục khi hoàn thành không đảm bảo. Tương tự người tiền nhiệm, ông Hào tiếp tục thanh toán cho các nhà thầu hơn 389 tỷ đồng, dù họ làm không đúng yêu cầu nên bị xác định phải chịu trách nhiệm về số tiền này.
Ðường cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi thông xe năm 2018, dài hơn 139km và có mức đầu tư 34.516 tỷ đồng, chủ yếu là tiền đi vay. Tuyến đường này khi vừa đi vào khai thác đã hư hỏng, phải sửa chữa và trong vụ án hiện tại, cảnh sát chỉ xử lý sai phạm ở 65km giai đoạn 1. Các sai phạm ở giai đoạn 2 dài 74km sẽ được xử lý sau gồm cả hành vi sai phạm của ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC.