Vụ cấp 2,5 ha đất công và lời khai của giám định viên
Hai giám định viên cho biết kết luận giám định dựa vào hồ sơ công an cung cấp, nếu có sổ mục kê 2007, 2011 thì nên giám định lại để xem xét khách quan vụ án…
Ngày 14-11, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Nghĩa (cựu trưởng Phòng TN&MT huyện Long Thành) cùng các đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến sai phạm đất đai tại xã Bình Sơn.
Các bị cáo tiếp tục kêu oan
Theo cáo buộc, tháng 3-2017, bà Lê Thị Tho (52 tuổi) và bà Nguyễn Thị Loan (67 tuổi) nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hai thửa đất 2,5 ha tại xã Bình Sơn.
Đây là đất công do UBND xã Bình Sơn đang quản lý nhưng các bị cáo trên đã thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ, tham mưu cho UBND huyện Long Thành ký cấp giấy chứng nhận lần đầu vào năm 2017 đối với hai thửa đất trên trái quy định pháp luật.
Hậu quả của những sai phạm trên đã làm cho Nhà nước bị mất quyền quản lý, sử dụng đối với hai thửa đất trên với tổng giá trị hơn 18,1 tỉ đồng.
Tại tòa, các bị cáo tiếp tục kêu oan. Các bị cáo đưa ra tài liệu, chứng cứ cho rằng năm 1999, sổ mục kê hai thửa đất này do xã quản lý và đưa vào đất Khu công nghiệp Bình Sơn. Năm 2004, khu công nghiệp hoàn thành và hai thửa đất này không nằm trong khu công nghiệp sử dụng mà là hành lang và người dân sử dụng. Tại sao sổ mục kê 2011 đất này xác định đất hộ gia đình?
Đến năm 2014, trên các dữ liệu của Sở TN&MT và cơ quan chức năng thì hai thửa đất này thuộc loại đất nông nghiệp theo quy hoạch 2011-2015 đã điều chỉnh đất ở. Các dữ liệu đều thể hiện hai thửa đất này không phải là đất công.
Các bị cáo cho rằng năm 2006, đoàn thanh tra tỉnh về kiểm tra đất công trên địa bàn cũng không đưa thửa đất này vào đất công. Trong 34 thửa đất công do UBND xã Bình Sơn quản lý đều không có hai thửa đất này. Nếu các hồ sơ, dữ liệu thể hiện thửa đất này là đất công thì các bị cáo đã không phải đứng tại tòa như ngày hôm nay.
Khai tại tòa, hai người dân được cấp đất cho biết từ năm 1991 đã trồng mì và là người viết đơn xin cấp sổ hồng. HĐXX hỏi: “Trong hồ sơ xin cấp sổ hồng theo kết luận giám định có nhiều chữ ký không phải của hai bà, tại sao có chữ ký của người khác trong hồ sơ xin cấp giấy và hai bà không phải là người nộp hồ sơ, chữ ký đó của ai?”. Bà Tho và bà Loan trả lời: “Cái đó thì chúng tôi không biết”.
“Cáo trạng luận tội cho bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng là không đúng. Vậy thì ai là chủ mưu trong vụ án này? Chắc chắn không phải bà Tho, bà Loan. Ai là người ký rất nhiều giấy tờ trong hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Cạnh đó, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo nói rõ là không nhân tội vì không có tội nhưng bản án sơ thẩm lại nói bị cáo nhận tội” - bị cáo Bùi Văn Hồng (cựu cán bộ đo đạc) trình bày.
Ngoài ra, các bị cáo cho rằng các kết luận giám định của Sở TN&MT là mấu chốt quan trọng trong vụ án nhưng lại không khách quan, không đầy đủ mà chỉ căn cứ vào sổ mục kê 1999 rồi đưa ra kết luận khiến cơ quan CSĐT quy kết đó là đất công. Các giám định viên phải biết hồ sơ, các sổ mục kê 2007 và 2011 thể hiện không phải đất công nên phải làm một cách khách quan, không phải công an cung cấp thì làm theo để hậu quả khiến bảy người bị oan.
Giám định theo hồ sơ công an cung cấp
Tại phiên tòa, HĐXX hỏi giám định viên Chu Tiến Dũng về căn cứ nào để có kết luận giám định. Ông Dũng cho biết kết luận giám định dựa vào hồ sơ mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cung cấp. Trong đó, chỉ có sổ mục kê 1999 chứ không có sổ mục kê 2007 và 2011. Từ đó, ra kết luận xác định phần đất này là đất công.
HĐXX hỏi tiếp: “Tại phiên tòa, các bị cáo nêu rõ sổ mục kê 2007 và 2011 xác định hai thửa đất này không phải đất công, vậy ông có ý kiến gì về kết luận giám định của mình?”. Giám định viên Dũng trả lời: “Nếu có sổ mục kê 2007 và 2011 thì nên giám định lại để xem xét vụ án được khách quan hơn để không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo”.
Cũng như giám định viên Dũng, giám định Nguyễn Hồng Quế cũng cho biết kết luận giám định dựa vào hồ sơ của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị.
HĐXX hỏi thêm giám định viên Quế, ngoài tài liệu công an cung cấp thì có yêu cầu cung cấp tài liệu khác để xem xét khách quan hay không. Ông Quế cho biết trong quá trình thực hiện giám định, không yêu cầu cung cấp thêm hồ sơ gì cả. Trong hồ sơ công an cung cấp không có sổ mục kê 2007, 2011, chỉ nhận được sổ mục kê 1999 mà cơ quan điều tra yêu cầu. Trong phạm vi mà cơ quan điều tra đưa hồ sơ thì đủ điều kiện để đưa ra kết luận.
“Nếu nội dung trong kết luận giám định cần phải xem xét vì có phát sinh thêm tình tiết là sổ mục kê 2007 và 2011 làm thay đổi nội dung vụ án thì cần xem xét” - giám định viên Quế nói thêm.
HĐXX hỏi ông Quế tại sao tại cấp sơ thẩm không đề nghị làm rõ những nội dung thay đổi ở sở mục kê. Ông Quế cho rằng vì khi đó tòa không hỏi nên không đề nghị.
Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho rằng với chức năng nhiệm vụ là giám định viên trong vụ án này, nếu xét thấy tài liệu chưa đầy đủ, cần xem xét thêm mà kiến nghị với tòa sơ thẩm thì chắc chắn sẽ được xem xét nội dung này. Từ đó, làm rõ hơn khi kết tội các bị cáo đúng người, đúng tội khiến các bị cáo tâm phục, khẩu phục.
Tháng 6-2023, TAND huyện Long Thành xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Nghĩa hai năm cải tạo không giam giữ, Nguyễn Văn Bế bốn năm tù, Trần Quốc Tuấn ba năm sáu tháng tù, Nguyễn Quang Thảo ba năm tù, Lê Quốc Đạt hai năm sáu tháng tù, Bùi Văn Hồng hai năm sáu tháng tù, Dương Thị Duyên hai năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-cap-25-ha-dat-cong-va-loi-khai-cua-giam-dinh-vien-post761579.html