Vụ cháy 5 tàu cá ở Nghệ An: Bỗng chốc hàng chục ngư dân lâm vào cảnh khốn cùng
Các ngư dân cố chạy ra thuyền trong đêm xảy ra sự cố để chữa cháy nhưng tất cả đều bất lực… Tiền nợ ngân hàng, nợ người thân, bạn bè giờ các ngư dân không biết xoay trở thế nào khi những chiếc tàu bị cháy rụi, chìm dưới đáy biển.
Ngất lịm nhìn cả gia tài rực lửa trên biển
Sau 1 ngày xảy ra vụ cháy, chủ tàu Bùi Xuân Xin (SN 1969, trú xã Quỳnh Long) vẫn choáng váng, nằm liệt trên giường. Chị Nguyễn Thị Thanh (vợ ông Xin) ngồi túc trực, an ủi chồng "của mất nhưng không thể để mất sức khỏe. Có sức khỏe mọi người lại chung tay làm lại". Nghe những lời an ủi của vợ, ông Xin nói trong vô thức "mất hết rồi, cháy hết rồi".
Nhìn chồng, chị Thanh gạt nước mắt kể, ngày 27/8, tàu cá vừa mới trở về cảng Lạch Quèn sau 10 ngày lênh đênh đánh cá trên biển. Chuyến đi không như mong đợi khi chỉ thu về được 200 triệu đồng. Nếu trừ mọi chi phí, tiền cho các thuyền viên trên tàu thì không đủ mà phải bù lỗ. Bởi vậy, khi về đến cảng, các thuyền viên lại tất tả chuẩn bị các ngư lưới cụ, đồ ăn để sáng 29/7 ra khơi chuyến tiếp theo nhằm kiếm thêm đồng tiền để trả lãi ngân hàng.
Chiều 28/7, mọi việc chuẩn bị đã xong, ông Xin cũng như thuyền viên về nhà ăn cơm tối nghỉ ngơi thì nghe tin báo "cháy tàu rồi". Bỏ vội bát cơm đang ăn dở, ông Xin tức tốc chạy ra cảng thì chứng kiến chiếc tàu hơn 11 tỷ đồng gắn bó với ông gần 10 năm bốc cháy ngùn ngụt. "Vừa chạy, vừa la hét cứu tàu thì ông Xin ngã xuống ngất lịm. Mọi người chạy lại sơ cứu rồi đưa ông về nhà" – chị Thanh kể.
Nửa đêm ông Xin lại vùng dậy hét "cứu tàu, cứu tàu" khiến cả gia đình ai cùng khóc. Bởi, chiếc tàu đã cháy rụi, chìm trên biển không thể vớt vát được gì.
Chị Thanh rầu rĩ nói: "Năm 2017, để đóng được chiếc tàu này, vợ chồng tôi đã vay mượn bên ngoài 3 tỷ đồng và cầm cố 4 sổ đỏ để vay ngân hàng 7 tỷ. Sau gần 6 năm đánh bắt trên biển, chúng tôi mới trả được 2,8 tỷ cho ngân hàng. Giờ cháy tàu, mọi vốn liếng mất hết giờ chúng tôi phải làm sao để sống tiếp".
Chị Thanh nói thêm, 3 năm đầu Nhà nước có hỗ trợ mua bảo hiểm cho tàu nên hầu hết các chủ tàu ai cũng mua. Thế nhưng, sau đó, các chủ tàu phải tự mua nhưng số tiền đóng hơn 70 triệu đồng/năm nên ít người mua. "Số tiền đó quá lớn đối với chúng tôi, mọi chi phí đều tăng nên chúng tôi cũng không mua. Giờ chỉ mong chính quyền, Nhà nước hỗ trợ phần nào để các ngư dân chúng tôi có cơ hội để tiếp tục bám biển" – chị Thanh chia sẻ.
Cũng như gia đình ông Xin, anh Trần Văn Đoàn cũng chạy ngay ra cảng khi nhận tin tàu mình cháy. Anh cũng chỉ biết nhìn tàu cháy rụi trên biển bởi vụ cháy quá lớn, không thể tiếp cận khi tàu đứt neo trôi ra giữa biển.
Anh Trần Văn Toàn (thuyền viên trên tàu của anh Đoàn) chia sẻ: "Chiếc tàu là đóng góp, công sức của 7 anh em trong họ. Để đóng chiếc tàu này vào năm 2015, mỗi gia đình đều phải cầm cổ sổ đỏ vay mượn ngoài, đến giờ chưa trả được đồng nợ nào thì xảy ra sự cố. Giờ chúng tôi cũng chẳng biết phải làm sao". Nói xong, nhìn 2 đứa con thơ dại đang đóng giả lái tàu chơi đùa trước sân mà anh Toàn cố dấu nước mắt.
Hỗ trợ tối đa cho các chủ tàu
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân ban đầu của vụ cháy tàu tại cảng cá Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận) vào tối 28/7 là do chập điện.
Sự cố chập điện xảy ra trên tàu cá mang số hiệu NA-99696-TS của ông Bùi Xuân Xin (trú xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) khiến tàu cá này bốc cháy dữ dội. Sau đó, tàu cá này bị đứt dây neo rồi trôi theo dòng chảy làm ngọn lửa lây lan sang bốn tàu khác đang neo đậu gần đó.
Dù các lực lượng chức năng cùng ngư dân nỗ lực dập lửa nhưng do ngọn lửa bùng phát mạnh, cùng với việc tàu trôi dạt thành ba điểm cháy khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều giờ chữa cháy, vụ cháy cơ bản được khống chế nhưng thiệt hại ở 5 con tàu ước tính hơn 20 tỷ đồng.
Chia sẻ với mất mát, thiệt hại với các thuyền viên, ông Kha Văn Tám – Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đã hỗ trợ mỗi tàu cá bị cháy 5 triệu đồng và mong muốn các gia đình sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, liên đoàn cũng đề nghị chính quyền địa phương kiến nghị lên các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ và tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ giúp đỡ 5 chủ tàu sớm vượt qua khó khăn để tiếp tục vươn khơi, ổn định sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Quỳnh Lưu trích kinh phí hỗ trợ mỗi gia đình chủ tàu cá 20 triệu đồng để khắc phục thiệt hại.
Phía chính quyền xã Quỳnh Long và xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã phát động, kêu gọi các nhà hảo tâm, đoàn thể, cơ quan chức năng ủng hộ, giúp đỡ các gia đình chủ tàu bởi hầu hết các chủ tàu cũng như thuyền viên trên tàu đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn.